Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giao dịch của nhóm khách lạ khiến nghệ nhân kim hoàn bất ngờ

“Vào dịp cuối năm, khi tôi đang chế tác những sản phẩm cuối cùng cho khách cũng là lúc một nhóm người lạ xuất hiện. Họ dành cho tôi một giao dịch bất ngờ”, ông Nguyễn Chí Thành- nghệ nhân kim hoàn, chia sẻ.

Nghệ nhân kim hoàn cuối cùng của phố Hàng Bạc

Trên con phố Hàng Bạc sầm uất, chúng tôi gặp ông Nguyễn Chí Thành (SN 1950) - một nghệ nhân Kim Hoàn có tiếng phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

 Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành. Ảnh: Thanh Hải

Ông Thành cho biết, ông theo nghề kim hoàn đến nay hơn 60 năm.

Giọng trầm ngâm, ông Thành kể, từ thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VII), có ba anh em nhà họ Trần là Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đến đất Định Công (nay là Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Họ truyền nghề cho dân chúng và chế tác ra những đồ kim hoàn nổi danh khắp cả nước bởi độ tinh xảo.

Khi đó các cụ trong gia đình ông Thành cũng học hỏi và lập nghiệp với với nghề kim hoàn. Đến nay, gia đình ông đã có 5 đời làm nghề này.

Năm 1902, từ Cống Nghề, Định Công, cụ ông quyết định lên Hà Nội lập nghiệp và mang theo nghề chế tác vàng bạc truyền thống.

Năm 10 tuổi, ông Thành đã bắt đầu tìm hiểu, học hỏi để làm kim hoàn. Năm 16 tuổi, ông trở thành người có tay nghề thuần thục.

Theo ông Thành, hồi đó cửa hiệu của gia đình ông là một trong số cửa hiệu uy tín, được giới giàu có khắp nơi tìm đến.

“Mỗi ngày, lượng khách ra vào tấp nập, có thời điểm, bố mẹ tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp tiến độ giao sản phẩm cho khách”, ông Thành nói.

 Công việc chế tác vàng, bạc đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Ảnh: Nhật Linh

Ông Thành chia sẻ, để làm ra một sản phẩm, người thợ kim hoàn phải làm trong 3 - 4 ngày, cần rất nhiều dụng cụ như búa, nòng, dũa, kìm, kéo… và các hóa chất như axit sunfuric, phèn chua… để hỗ trợ. Ngoài ra, người thợ đó phải thật khéo tay, tỉ mỉ.

“Kĩ thuật làm kim hoàn đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và tỉ mỉ. Sản phẩm làm ra phải hài hòa, cân xứng. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng”, ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Thành, quan trọng nhất vẫn là người thợ đó phải thật thà, trung thực. Ông lý giải, vàng bạc là tài sản có giá trị, khi khách đã giao cho mình thì mình phải khiến họ tin tưởng tuyệt đối.

Ông Thành cho hay, hiện nay rất nhiều cửa hàng kim hoàn mọc lên hoạt động theo hướng mỹ nghệ công nghiệp. Tức là họ chỉ tạo khuôn bằng sáp, đúc bằng thạch cao và nấu vàng lên ủ. Đến khi ra một loại trang sức, người thợ chỉ cần đánh giáp để hoàn thành.

Quét bụi ra vàng

Người nghệ nhân kim hoàn sinh năm 1950 cho hay, những năm trước thời bao cấp, lượng khách có nhu cầu chế tác trang sức khá đông.

Bởi vậy dọc các con phố hàng Bạc đã có rất nhiều của hiệu kim hoàn. Lúc cao điểm có hàng chục cửa hàng làm chế tác vàng bạc ở Hà Nội.

Trong giai đoạn đó, người thợ kim hoàn thường chạm khắc trên các đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định. Tứ Linh (long, ly, quy, phượng) là phổ biến nhất.

Ngoài ra, trên các đồ vàng, bạc, người thợ kim hoàn còn chạm trổ hình ảnh con người hoặc hình ảnh các loài cây như trúc, mai, lan, cúc…

 Những dụng cụ cần thiết của người thợ kim hoàn. Ảnh: Nhật Linh

Ông Thành kể, trong hơn 60 năm làm nghề, ông có rất nhiều kỷ niệm với khách hàng tuy nhiên ông ấn tượng nhất vẫn là một ngày cuối năm cách đây 4 năm.

Lần đó, ông Thành tiếp những vị khách lạ, đến từ Sài Gòn. Họ gặp gỡ, nói chuyện và dành cho ông lời đề nghị bất ngờ.

Đó là dịp cuối năm, khi ông đang chế tác những sản phẩm cuối cùng cho khách để nghỉ Tết thì những người khách này xuất hiện. Họ vào của hàng và đề nghị ông bán những vật dụng như chiếc cốc, chiếc ghế gỗ cũ, sách cũ... trong nhà.

“Thấy họ nói như vậy, tôi rất hoang mang. Tôi hỏi họ là sao lại muốn mua những vật dụng đó. Họ giải thích, họ muốn mua những vật dụng ấy để về lọc lấy bụi vàng. Họ mong tôi bán cho họ”, ông Thành nhớ lại.

Ngoài bụi mủn vàng trên những vật dụng đó thì ông Thành còn cho biết, những vị khách trên cũng yêu cầu ông được thu mua cống nước thải của gia đình.

Năm đó, cuộc giao dịch với những vị khách lạ cũng đem về cho ông số tiền hơn 10 triệu đồng.

 Chiếc bát đựng bụi vàng, bạc được ông Thành cất cẩn thận. Ảnh: Thanh Hải

Từ đó, mỗi khi làm việc, ông Thành kể ông đều trang bị cho mình một chiếc khay nhỏ để vừa làm, ông vừa quét những lớp bụi bay đó xuống khay để cuối năm bán lại.

Những người khách đó sau mấy năm mua bán thì nay lại là mối hàng thân quen với gia đình ông.

Ông Thành trải lòng, nghề gia truyền của gia đình ông tuy không mang lại thu nhập cao như những ngành nghề khác. Thậm chí, mỗi tháng tiền cho người khác thuê cửa hiệu lớn hơn tiền công làm vàng nhưng ông đều từ chối.

Bởi theo ông, đây là nghề gia truyền của gia đình, ông muốn truyền lửa đam mệ, nhiệt huyết cho các con. Ông tâm sự, sau này khi ông mất đi, các con ông sẽ gánh vác nốt những công việc gia truyền của gia đình. Ông không muốn nghề này bị thất truyền, mai một.