Dân cư thị trấn Quỳ Hợp phải khoan xuyên đá tìm nước sinh hoạt
- 09:25 26-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ năm 2001, thị trấn Quỳ Hợp đã có trạm cấp nước sinh hoạt. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, không ít hộ dân đã không còn sử dụng nguồn nước này để ăn uống, mà chỉ phục vụ cho việc tắm giặt. Trong ảnh: Một hộ dân ở thị trấn Quỳ Hợp chỉ sử dụng nước máy để giặt giũ. Ảnh Nhật Lân |
Người dân thị trấn Quỳ Hợp cho hay hệ thống đường ống qua nhiều năm đã bị hoen gỉ, gãy... chậm được thay thế; bên cạnh đó, có thông tin nước nguồn bị ô nhiễm nên lo lắng cho sức khỏe . Khi các cấp, ngành và đơn vị cấp nước chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, người dân đã phải tìm cách tạo nguồn nước sinh hoạt riêng. Trong ảnh: Gia đình bà Trần Thị Hường - Phó Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi khối Tây Hồ, thị trấn Quỳ Hợp phải xây bể hứng nước mưa để có nước sinh hoạt. Ảnh: Ngô Kiên |
Để lấy nước mưa vào chiếc bể lớn, bà Hường tạo máng nước chạy suốt chiều dài mái nhà. Từ máng nước, bà dẫn nước chảy vào chiếc ống nước nhựa, sau đó cho chạy vào một chiếc chậu lớn có chứa cát, sỏi và thêm tấm vải bố dày để lọc. Nước mưa đã lọc theo kiểu thủ công như vậy dùng để ăn uống, còn nước máy thì chỉ để tắm giặt. Ảnh: Nhật Lân |
Cũng ở khối Tây Hồ, có nhiều nhà lấy nước sinh hoạt từ nguồn nước mưa; có nhà thì mua máy lọc nước; nhưng có không ít nhà đã bỏ tiền thuê thợ khoan giếng. Như với gia đình anh Âu Đăng Sơn - Thôn đội trưởng khối Tây Hồ (trong ảnh) đã phải bỏ 13 triệu đồng thuê thợ khoan giếng hơn một tuần mà vẫn chưa xong. Ảnh Ngô Kiên |
Anh Âu Đăng Sơn cho biết, sở dĩ việc khoan giếng nước ở thị trấn Quỳ Hợp mất nhiều thời gian, tốn hàng chục triệu đồng vì phải khoan sâu xuống lòng đất từ 40 - 50m; khoan xuyên qua các tầng đá. Ảnh: Ngô Kiên |
Đây là những thỏi đá được khoan lên từ vườn nhà anh Âu Đăng Sơn. Ảnh Nhật Lân |
Ông Phạm Sỹ Chinh - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khối Tây Hồ cho biết, gia đình ông đã thay mới đường ống nước. Khi đào ống nước lên, thấy ống bị hoen gỉ, trong lòng có nhiều lớp váng cặn, gỉ... Ảnh: Ngô Kiên |
Thực tế trong lòng ống có lớp váng đục dày. Ảnh Nhật Lân |
Ban cán sự khối Tây Hồ cho biết, những bức xúc xung quanh vấn đề nước sạch là vấn đề chung của toàn thể người dân thị trấn Quỳ Hợp, và đã được kiến nghị nhiều lần lên UBND các cấp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Ảnh: Ngô Kiên |
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp xác nhận, hệ thống đường ống dẫn nước ở thị trấn đã bị xuống cấp; còn nguồn nước mà đơn vị cấp nước sử dụng tạo nước sinh hoạt cho người dân thị trấn cũng đã bị ô nhiễm. Trong ảnh: Nguồn nước mà Trạm cấp nước Quỳ Hợp đang sử dụng hiện nay đã bị ảnh hưởng bởi tác động của việc khai thác khoáng sản. Ảnh Nhật Lân |
Theo ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp (người trong ảnh), cử tri thị trấn Quỳ Hợp có ý kiến nhiều về vấn đề nước sinh hoạt. Và những vấn đề này được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm tìm hướng xử lý. Huyện Quỳ Hợp cũng đã lựa chọn nguồn nước dẫn từ vùng Nam Sơn, Bắc Sơn về sông Dinh để thay thế nước nguồn nước hiện tại. Tuy nhiên, để thực hiện được, đang phụ thuộc vào đơn vị cấp nước nên nhiều hộ gia đình ở thị trấn đành phải tạo nguồn nước sinh hoạt riêng cho mình. Trong ảnh là vị trí nguồn nước mới đã được lựa chọn, nơi khe Nậm Choọng hợp lưu với dông Dinh, dưới chân cầu Châu Đình, cách thị trấn Quỳ Hợp chỉ khoảng 2km. Ảnh: Ngô Kiên |