Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hạnh phúc của chàng trai tật nguyền và nữ cử nhân kinh tế

Có những lúc Phạm Đình Khoan (quê Thanh Chương, Nghệ An) tưởng chừng cuộc đời đã đặt cho mình dấu chấm hết. Nhưng với tình thương của bố mẹ và tình yêu chân thành, chàng trai ấy đã gượng dậy và làm nên những kỳ tích.

Cú ngã định mệnh

Những ngày này, vợ chồng Phạm Đình Khoa (SN 1986) và Nguyễn Thị Tài (SN 1987) đang hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng, bởi người vợ đã mang thai tròn 9 tháng. Công việc mưu sinh tạm thời được rút gọn quy mô để chuẩn bị chu đáo cho việc chào đời của một thành viên sau bao năm dài chờ đợi.

“Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của chúng em là cả một câu chuyện dài, có cả niềm vui sướng, hạnh phúc lẫn đau đớn, lo âu. Vượt lên tất cả là sự chia sẻ, cảm thông, cùng quyết tâm xây dựng mái ấm gia đình” - Phạm Đình Khoan chia sẻ.

 Phạm Đình Khoan với công việc quảng cáo trực tuyến. Ảnh: Công Kiên

Khoan quê ở xã Thanh Hòa (Thanh Chương), từng là một chàng trai học giỏi, cao lớn, khỏe mạnh và có năng khiếu thể thao, nhất là môn bóng chuyền. Năm 2006, đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐHSP kỹ thuật Vinh, sau buổi giao lưu bóng chuyền, gần tối Khoan lên tầng 2 của dãy nhà trọ ngồi nghỉ.

Và chỉ một giây sơ sẩy đã khiến cậu sinh viên ấy trượt chân ngã... Tỉnh dậy, cậu mới hay mình vừa trải qua cuộc phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức, đã nằm điều trị hàng tháng trời. Đau đớn hơn khi Khoan biết mình bị gãy đốt sống cổ, đang đối mặt với nguy cơ bại liệt toàn thân.

Phạm Đình Khoan đã khóc rất nhiều vì đau đớn và tuyệt vọng. Tuổi đôi mươi tràn đầy sinh lực, bao điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước, bỗng dưng thành người tàn phế, chẳng khác gì sống cũng bằng không. Ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy vĩnh viễn đành gác lại, từ nay phải nằm bất động, mọi sinh hoạt phải nhờ sự hỗ trợ của người thân.

Một lần tỉnh dậy, Khoan thấy nước mắt rịn ra từ khóe mắt già nua của mẹ và khuôn mặt của mẹ trở nên hốc hác từ bao giờ. Và bố của Khoan cũng gầy sọp, đôi mắt trũng sâu, mái đầu cũng bạc trắng. Để có tiền cứu chữa cho con trai, bố mẹ Khoan đã bán hết cả gia sản, đàn trâu bò hơn 10 con chỉ sót lại vài con.

Rồi số bò còn lại ấy cũng bị chết vì không có người ở nhà chăm sóc, ruộng vườn cũng đành bỏ hoang, kinh tế trở nên kiệt quệ.

Thương bố mẹ đã vì mình phải gánh chịu bao vất vả và khổ sở, ngày đêm tất tả lo toan, không có lấy một giấc ngủ trọn vẹn, dù còn rất đau đớn nhưng Khoan vẫn gắng gượng... Cậu cố nén những cơn đau đang giày vò thân thể, gắng ăn uống để mọi người được vui. Và quan trọng hơn, qua tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình, Khoan ý thức được nhiệm vụ của mình là chiến đấu với số phận...

 Vợ chồng Phạm Đình Khoan - Nguyễn Thị Tài hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh: Công Kiên

Đi khắp các bệnh viện từ trong Nam đến ngoài Bắc, hễ biết nơi đâu chữa được đốt sống cổ bố mẹ đều đưa đến điều trị, mất 4 năm dằng dặc, Phạm Đình Khoan mới cử động được đôi phần. Dù đã rất nỗ lực nhưng cuối cùng Khoan vẫn bị liệt bán thân, phần thân bên trái không thể cử động.

Dẫu vậy, cậu vẫn quyết định đứng lên bằng đôi chân của mình, cho dù trải qua bao đau đớn và khổ hạnh. Nỗ lực ấy đã được đền đáp khi cậu có thể di chuyển bằng đôi chân khi vịn tay dọc tường nhà, tiếp đến là bằng xe lăn, rồi xe máy tự chế.

Gượng lên tìm hạnh phúc

Ước mơ năm xưa cũng hồi sinh, Khoan mong được trở lại giảng đường để có một tương lai tốt đẹp hơn, để không phiền lụy nhiều đến bố mẹ lúc về già. Nhưng với một người bị liệt bán thân không thể tiếp tục theo đuổi chuyên ngành Chế tạo máy, mà phải tìm một ngành khác phù hợp với thể lực của mình.

Bố mẹ đã tạo điều kiện cho Khoan ra Hà Nội học Trường Estih (trường chuyên đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật). Hai năm trời tự mình “bơi” giữa đất Hà thành, cậu càng thấm thía hơn nỗi vất vả, nhọc nhằn và những lo toan của các bậc sinh thành. Vì thế, phải cố gắng vượt qua tất cả, không để bố mẹ ở quê buồn lòng.

Ra trường, Phạm Đình Khoan chọn thành phố Vinh để lập nghiệp, bởi nơi đây công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, chỉ cách nhà mấy chục cây số nên có điều kiện về thăm bố mẹ thường xuyên. Khoan chọn lĩnh vực kinh doanh và quảng cáo online (trực tuyến) để hoạt động, đây là lĩnh vực khá mới mẻ và đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và sự kiên trì, chịu khó cũng như khả năng làm việc theo nhóm.

Được đào tạo khá bài bản, nên Khoan đã gặt hái được những thành công nhất định, trước hết là nguồn thu nhập ổn định và các mối quan hệ được mở rộng. Không chỉ nuôi được bản thân, cậu còn tích cóp được tiền gửi về quê giúp đỡ bố mẹ. Trong quá trình làm việc, Phạm Đình Khoan quen và dần trở nên thân thiết với Nguyễn Thị Tài - cô gái kém cậu một tuổi, tốt nghiệp ngành Kinh tế (Trường ĐH Vinh).

Tài quê ở xã Hoa Sơn (Anh Sơn), cũng chọn đất Vinh và quảng cáo trực tuyến để lập nghiệp. Hai người có nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ, quan niệm sống và công việc nên thường xuyên chuyện trò, chia sẻ buồn vui và ngày càng thêm gắn bó. Tài khâm phục nghị lực và ý chí của chàng trai đất Thanh Chương, còn Khoan luôn thấy ở Tài sự nhiệt tình và năng động.

 Vợ chồng Phạm Đình Khoan - Nguyễn Thị Tài chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Ảnh: Công Kiên

Tình yêu đến lúc nào không hay, khi hai người nhận thấy không thể sống thiếu nhau, họ quyết định xây dựng mái ấm hạnh phúc. Ngặt nỗi, bố mẹ Tài phản đối kịch liệt, không muốn con gái mình gắn bó cuộc đời với người con trai tật nguyền.

Nhưng có lẽ là định mệnh, cô gái nhất quyết đến với người mình yêu nên bố mẹ phải thuận tình. Đám cưới được tổ chức vào cuối năm 2013 trong niềm vui sướng và hạnh phúc của đôi trẻ.

Hợp sức làm ăn, nguồn thu nhập của vợ chồng Khoan ngày càng tăng cao, quy mô làm ăn ngày càng được mở rộng. Có lúc, căn phòng trọ đặt hơn 20 chiếc máy tính, giải quyết việc làm cho chừng ấy người cùng cảnh ngộ với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Số tiền tích lũy được, vợ chồng đầu tư mua máy móc thuê người làm; mua 14ha rừng ở huyện Quế Phong để trồng cây và thuê người trông coi; và hiện đã mua được đất thổ cư ở thành phố Vinh.

Cuộc sống gia đình vốn nhiều thử thách, thử thách lớn nhất của vợ chồng Khoan là đường con cái. Suốt mấy năm cưới nhau nhưng vợ vẫn không thể mang thai. Cuối cùng vợ chồng Khoan khăn gói ra Hà Nội thực hiện thụ tinh nhân tạo.

Phải thực hiện tới lần thứ hai mới thành công, khi bác sỹ thông báo kết quả, Khoan mừng đến phát khóc, bởi ước mơ làm bố đã thành sự thật, cho dù trải bao vất vả và tốn kém...

Vừa chuyện trò, vợ chồng Khoan - Tài vừa xếp những bộ quần áo và các vật dụng cho trẻ sơ sinh, nét mặt hai người ánh lên niềm hạnh phúc. Khoan tâm sự: “Hạnh phúc là kết quả của một hành trình với bao nỗ lực, ở đó không có chỗ cho sự chán nản và buông xuôi. Phía trước còn bao thử thách nhưng vợ chồng em sẽ đồng cam cộng khổ để vượt qua”.