Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thoát vòng lao lý vì không nghe chỉ đạo của ông Đinh La Thăng?

Trong phần đối đáp, đại diện VKS chỉ ra trường hợp một người vì thấy sai mà đã không nghe theo chỉ đạo của ông Thăng nên không vướng vòng lao lý.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm sáng nay tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.

Đại diện VKS cho rằng, theo quy định thỏa thuận ký kết giữa bị cáo Thăng và Hà Văn Thắm phải lấy ý kiến thông qua tập thể. Không thể nói vo là các thành viên HĐQT đã biết việc đó.

Trên thực tế, khi bị UB Kiểm tra TƯ kiểm tra, bị cáo Thăng đã nhờ các thành viên HĐQT ký vào giấy xác nhận việc có biết về thỏa thuận này, nhưng sự thật không phải như vậy. Bị cáo Thăng đã muốn che giấu sự thật, gây khó cho cơ quan điều tra.

 Đại diện VKS

Theo đại diện VKS, điều này đã được thể hiện rõ trong cáo trạng: "Bị can Đinh La Thăng khai: Trước khi ký thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắmvới tư cách là Chủ tịch HĐQT PVN đã không thông qua HĐQT và cũng không tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản. Giấy xác nhận có chữ ký của ông Cảnh, ông Hùng, bà Hòa nguyên thành viên HĐQT năm 2008, ghi ngày 28/3/2017 đã giao nộp cho Cơ quan điều tra có nội dung HĐQT PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank là không đúng sự thật".

Luật sư Phan Trung Hoài đưa ra quan điểm cho rằng: Từ ngày 25/3/2009, việc đầu tư vốn của công ty Nhà nước vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng phải được thực hiện theo quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước ban hành kèm theo NĐ 09 thay cho công văn 3780 ngày 6/6/2008 của VPCP nói trên.

Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng, việc nhận định như trên là do quan điểm của cá nhân luật sư, trên thực tế, công văn 3780 vẫn được áp dụng, không hề bị thay thế bởi NĐ 09 như ý kiến của luật sư nêu. Vì vậy, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế vẫn phải được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, phải báo cáo trước khi thực hiện.

Theo đại diện VKS, luật Tổ chức tín dụng đã ra đời và có hiệu lực trước thời điểm mà PVN góp vốn lần 3 vào Oceanbank, nhưng bị cáo vẫn ký ban hành nghị quyết góp vốn 20%, vượt quá 5% quy định cho phép. Đại diện VKS cho rằng, các bị cáo nói- khi thực hiện việc này, không có cơ quan quản Nhà nước nào cảnh báo nên đã mặc nhiên thực hiện và cho đó là đúng thì đây là ý thức không tuân thủ pháp luật của các bị cáo. Không có vản bản pháp luật nào quy định- phải có nhắc nhở thì hành vi đó mới là sai pháp luật. Điều này càng cho thấy ý các bị cáo không có ý thức tuân thủ pháp luật.

Quan điểm của luật sư cho rằng: Thiệt hại 800 tỷ đồng không có mối quan hệ nhân quả biện chứng với việc Oceanbank bị lỗ và việc NHNN mua lại Oceanbank giá 0 đồng. Về việc này, đại diện VKS rất chia sẻ với các bị cáo về những khó khăn trong việc kinh doanh tại thời điểm đó. Tuy nhiên cũng không loại trừ trách nhiệm của các bị cáo. Theo đại diện của VKS, nhiệm vụ của các bị cáo là phải bảo toàn vốn, để xảy ra thiệt hại thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Theo đại diện VKS, kể từ khi Nguyễn Xuân Sơn được giới thiệu sang Oceanbank ngồi ghế TGĐ, Oceanbank bắt đầu xuất hiện chủ trương chi lãi ngoài. Tiếp nhận chủ trương đó, Oceanbank đã thu hợp đồng dịch vụ khống, gây thiệt hại cho khách hàng 69 tỷ.

Sau khi bị cáo Sơn quay về PVN ngồi ghế Phó TGĐ, các hành vi chi lãi ngoài vẫn tiếp diễn. Và việc chi lãi ngoài đã gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.000 tỷ, gây thiệt hại cho PVN 49 tỷ...

Thiệt hại là vậy, nhưng báo cáo tài chính hàng năm của Oceanbankphản ánh không trung thực việc hạch toán kế toán nên PVN không phát hiện ra sai phạm của ban điều hành, HĐQT Oceanbank. Hoạt động yếu kém đã khiến Oceanbank làm mất vốn, dẫn đến việc âm vốn, NHNN phải mua lại 0 đồng.

PVN đã cử sang Oceanbank rất nhiều cán bộ, giữ nhiều trọng trách và cả khoảng thời gian bị cáo Sơn là TGĐ đến khi bị cáo Sơn quay về PVN làm Phó TGĐ vẫn để xảy ra sai phạm. Như vậy, việc PVN góp vốn đầu tư vào Oceanbank và việc ngân hàng này bị lỗ có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ.

Không dính lao lý vì có chính kiến?

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo nêu quan điểm rằng, các bị cáo không có hành vi cố ý làm trái. Nhưng theo đại diện VKS, việc này đã được VKS nêu rất rõ trong cáo trạng, trong bản luận tội của mình.

Trong phần tự bào chữa, các bị cáo nêu không cố ý thực hiện hành vi cố ý làm trái, không có ý thức chủ quan về việc này. Theo đại diện VKS, khi các bị cáo được đặt vào ngồi vị trí thành viên HĐQT ở PVN thì họ phải là những người có hiểu biết về luật pháp, và có ý thức thi hành theo quy định của pháp luật, không thể nói, vì không hiểu pháp luật mà vi phạm pháp luật.

Đại diện VKS cũng thông cảm với các bị cáo việc họ phải thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Thăng. Điều này thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán của ông Thăng.

Nhưng cũng có những thành viên HĐTV khác vì thấy sai mà đã không nghe theo chỉ đạo của ông Thăng nên không vướng vòng lao lý. Cụ thể đó là trường hợp ông Hoàng Xuân Hùng (thành viên HĐQT). Sau khi thấy chủ trương góp vốn không đúng, ông Hùng đã không biểu quyết và yêu cầu làm rõ. Như vậy, cùng một bộ máy, trách nhiệm như nhau nhưng ý thực thực thi pháp luật không giống nhau.

Vẫn theo quan điểm của đại diện VKS, quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng của NHNN đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Có ý kiến cho rằng NHNN mua bắt buộc Oceanbank là không hợp lý, nhưng không có căn cứ nào bác việc mua 0 đồng của NHNN.

Về việc Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn rồi sau đó lại dừng việc đồng ý thoái vốn, đại diện VKS khẳng định, kết luận thanh tra ngày 21/3/2014 cho thấy, lợi nhuận sau thanh tra của Oceanbank là âm vốn chủ sở hữu. Toàn bộ tài chính của Oceanbank âm vốn xuống 2,5 lần nên không có vốn để chuyển cổ phần sang cho đối tác khác được. Đây là lý do mà Chính phủ cho dừng việc thoái vốn để chờ chỉ đạo. Việc này là có căn cứ.