Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngân hàng lại kỳ vọng lãi 'khủng' năm 2018

Không ít nhà băng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2018 khá cao sau khi đã ghi nhận mức lãi "khủng" trong năm 2017.

VPBank tiếp tục là hiện tượng khi dẫn đầu về kết quả kinh doanh ở nhóm cổ phần. Cả năm 2017, ngân hàng này đã làm ra 8.126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng gần 65% so với năm 2016). Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết năm 2018, nhà băng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.800 tỷ.

Hay như HDBank, trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDB của ngân hàng mới đây, lãnh đạo cập nhật kết quả kinh doanh năm 2017, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.420 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm trước. Năm 2018 nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng.

 Nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2018. Ảnh: Anh Quân.

Trước đó, kết thúc năm 2017, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm, nhiều ông lớn trong ngành ngân hàng cũng ghi nhận kết quả tăng vọt. Trong nhóm ngân hàng mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, Vietcombank dẫn đầu hệ thống với lợi nhuận trước thuế lên tới 11.018 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ. VietinBank có mức lãi trước thuế cũng đạt 9.2016 tỷ đồng. BIDV khả quan không kém khi so với năm trước tăng thêm hơn nghìn tỷ đưa lợi nhuận 2017 lên mức 8.800 tỷ đồng.

Techcombank cho biết, năm 2017 ngân hàng tiếp tục đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, là năm thứ hai liên tiếp có lợi nhuận tăng gấp đôi và vượt 60% so với chỉ tiêu đại hội cổ đông giao, đạt 8.036 tỷ đồng. TPBank năm rồi cũng báo lãi 1.205 tỷ đồng năm 2017, tăng 70,5% so với lợi nhuận năm 2016 và vượt 55,6% so kế hoạch...

Để có được kết quả lợi nhuận tăng cao đột biến trong bối cảnh kinh tế chưa mấy khởi sắc là điều không dễ dàng. Điểm chung của những nhà băng có lãi lớn đều thuộc diện tăng trưởng tín dụng cao.

Điển hình như VPBank năm 2017 tăng trưởng tín dụng tới 24% (riêng FE Credit đóng góp khoảng 52% lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất) trong khi mức bình quân toàn ngành là 18,1%. Tương tự, dư nợ VietinBank năm rồi đạt 839.000 tỷ đồng, tín dụng tăng hơn 18%...

Ngoài dư nợ tăng cao, theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng, nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về năm 2017 còn do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro giảm mạnh, thu hồi nợ tăng.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, tín dụng của Việt Nam đã ở mức khoảng 135% GDP, tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó và có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, việc chạy theo tăng trưởng tín dụng đang rất “nhạy cảm” trong thời điểm này. Đó là chưa kể, nếu đẩy mạnh tín dụng thiếu kiểm soát, vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ xuất hiện trong vài năm tới.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Phạm Hồng Hải đánh giá, để phát triển bền vững, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh mảng dịch vụ thay vì chỉ tập trung vào tín dụng (hiện HSBC trên 50% nguồn thu đến từ dịch vụ). Ngoài ra, theo ông. các ngân hàng cũng cần lưu ý nhiều đến dòng vốn tín dụng đổ vào các kênh rủi ro như bất động sản, chứng khoán và BOT.

Nhận thấy việc tập trung vào tín dụng là không bền, các ngân hàng đang bắt đầu chuyển hướng sang ngân hàng số và đẩy mạnh mảng dịch vụ. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Công ty tài chính FE Credit sau khi đi vào hoạt động đã trở thành động lực tăng trưởng cho ngân hàng khi đóng góp khoảng 20% tổng dư nợ, đem về tới 50% thu nhập lãi thuần.

Tuy nhiên, ông khẳng định, dù FE Credit vẫn là một động lực tăng trưởng nhưng VPBank không thể tiếp tục trông đợi vào duy nhất nó trong kế hoạch 5 năm tới, khi mà tốc độ tăng trưởng bình quân dự báo sẽ chỉ còn 30%.

Thay vào đó, vị này cho biết, mảng hoạt động ngân hàng số (digital banking), các sản phẩm hướng vào nhóm khách hàng trên đại chúng (retail banking), thẻ tín dụng... sẽ là những trọng tâm mới.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng mới áp dụng nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) vào các hoạt động và cho biết đây là bước đầu tiên trong chiến lược chuyển đổi thành ngân hàng số.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã nhận thấy xu hướng này và mạnh tay đầu tư vào ngân hàng điện tử như TPBank, Sacombank, ACB..., đồng thời phấn đấu đẩy mạnh doanh thu từ dịch vụ lên 30-40% tổng nguồn thu.