Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Hàng loạt lò đốt rác thải nguy hại y tế xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường

Được trang bị 8 lò đốt rác thải y tế với nguồn ngân sách hơn 7 tỉ đồng, tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, số lò này đã bị hư hỏng, thanh lý, số còn lại thì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với hơn 40 bệnh viện và trung tâm y tế, gần chục phòng khám Đa khoa khu vực, 480 trạm y tế, 4 bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đang đau đầu, loay hoay trong vấn đề xử lý rác thải nguy hại và lây nhiễm của ngành y tế.

Máy tiền tỉ nay ra sao?

Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-UBND.VX ngày 3/2/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, TP Vinh và TX Cửa Lò bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong đó có gói thầu số 1 - mua sắm 8 lò đốt do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (có trụ sở tại Hà Nội) trúng thầu với đơn giá 874.875.000 đồng/chiếc. Máy có model: F-1S, hãng ChuwAstar, Nhật Bản sản xuất).

 Nhiều lò đốt rác thải với giá 874.875.000 đồng/chiếc do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (trụ sở tại Hà Nội) cung cấp hiện nay đã hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường.

Dù với giá tiền rất lớn nhưng các lò đốt này chỉ được bảo hành đúng 1 năm (12 tháng), hết hạn bảo hành, các đơn vị sử dụng tự bỏ kinh phí ra để bảo trì, sữa chữa, thay thế phụ tùng.

Ông Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, lần lượt các lò đốt tại các BVĐK tuyến huyện như Tương Dương, Quế Phong, Qùy Hợp, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TX Cửa Lò đã phải thay thế thân lò (do bị thủng). Riêng lò đốt tại BVĐK TP Vinh vào năm 2016 đã phải thanh lý do thân lò bị thủng, lại nằm giữa khu dân cư gây ô nhiễm môi trường”.

Theo thông tin chúng tôi được biết thì hiện nay, BVĐK TP Vinh đã ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với Chi nhánh Công ty cổ phần Galax tại Nghệ An. Theo bản hợp đồng mới nhất cung cấp cho báo chí thì giá mỗi kg chất thải lây nhiễm sẽ được thuê xử lý với giá 13.000 đồng, chai lọ thủy tình 6.500 đồng/kg.

 

 Lò đốt tại BVĐK Nghi Lộc hư hỏng phải thay thế thân lò. Người dân phản ánh mỗi lần bệnh viện đốt rác gây ô nhiễm môi trường.

Ông Đậu Huy Hoàn cho biết thêm hiện nay các lò đốt rác tại các BVĐK Tương Dương, Quế Phong, Qùy Hợp, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TX Cửa Lò vẫn đang hoạt động đốt rác bình thường. Theo báo cáo của các đơn vị nêu trên thì kết quả quan trắc khí thải ra môi trường của các lò đốt trên đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sinh sống lân cận tại nơi đặt các lò đốt này, thì không khí môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi lần các bệnh viện đốt rác, mùi hôi thối, khét lẹt khiến các nhà dân phải đóng cửa, đưa trẻ em đi nơi khác.

Anh Hồ Văn H. một người dân ở xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc cho biết: “Các lò đốt này đã quá cũ kỹ, lạc hậu nên việc đốt chất thải rắn đã gây ra khói bụi, hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo tôi các bệnh viện nên ký hợp đồng xử lý với các công ty chuyên dụng hoặc đưa về một khu xử lý tập trung”.

Công tác xử lý chất thải rắn còn buông lỏng

Thông tư liên tịch số 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định rất rõ về quy trình xử lý rác thải y tế, trong đó có rác thải y tế nguy hại và rác thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các bệnh viện một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên hiện nay, một số bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Nghệ An vẫn đang còn xem nhẹ, chưa thật sự chú ý các quy định này.

 Công nghệ lò đốt khá lạc hậu, liên tục hư hỏng khiến môi trường sống của người dân xung quanh lò đốt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Mỗi lò gần tiền tỉ nhưng chỉ được bảo hành 12 tháng sau đó liên tục hư hỏng phải thay thế, sửa chữa hoặc thanh lý vì gây ô nhiễm.

Với hơn 40 bệnh viện và Trung tâm y tế, 8 phòng khám đa khoa khu vực, 480 trạm y tế, 4 bệnh viện bộ ngành, mỗi ngày tỉnh Nghệ An thải ra môi trường với lượng rác thải y tế khá lớn. Tuy nhiên vấn đề xử lý rác thải đang khiến các cơ quan ban ngành đau đầu.

Cũng theo ông Đậu Huy Hoàn thì trước mắt các BVĐK tuyến huyện đã được cấp lò thì tiếp tục xử lý rác thải y tế bằng công nghệ đốt, lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa nhằm duy trì, khôi phục tăng tuổi thọ, giá trị sử dụng lò đốt hiện có trong khi nguồn ngân sách nhà nước đầu tư hạn hẹp.

Về giải pháp lâu dài phải áp dụng mô hình xử lý tập trung theo cụm. Theo đó các chất thải y tế nguy hại được phân loại và khử nhiễm tại các cơ sở y tế, sau đó được vận chuyển về nơi tập trung.

 

 Thông tư liên tịch số 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định rất rõ về quy trình xử lý rác thải y tế lây nhiễm phát sinh tại các bệnh viện một cách nghiêm ngặt nhưng tại một số bệnh viện vẫn còn xem nhẹ - Ảnh chụp tại BVĐK Nghi Lộc chiều 19/3/2018.

Theo ông Hoàn cụm thứ 1 sẽ là trung tâm xử lý chất thải nguy hại cho các cơ sở y tế khu vực TP Vinh và các huyện phụ cận (bao gồm các bệnh viện trong và ngoài công lập, các trung tâm y tế tuyến tỉnh, các BVĐK và trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã của TP Vinh và các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX Cửa Lò (kể cả TTYT và trạm y tế). Dự kiến địa điểm đặt tại xã Nghi Yên (Nghi Lộc) hoặc Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên).

Cụm thứ 2 là trung tâm xử lý chất thải nguy hại cho BVĐK Tây Bắc, TTYT Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong, Qùy Châu, Qùy Hợp (kể cả trạm y tế). Dự kiến địa điểm đặt tại huyện Con Cuông.

Cụm thứ 3: Trung tâm xử lý chất thải y tế nguy hại cho tất cả các huyện còn lại. Dự kiến địa điểm tại huyện Con Cuông.

"Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xử lý rác thải nguy hại trong các cơ sở khám chữa bệnh nên chuyển sang công nghệ vi sóng hoặc hấp tiệt trùng (chuyển thành rác sinh hoạt), rồi sau đó chon lấp hoặc tái chế làm phân hữu cơ", ông Hoàn nói.