Vay tiền mở hàng nội thất, ông chủ phá sản, chạy xe ôm trả nợ
- 15:12 20-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dưới đây là chia sẻ của anh Bùi Văn Huấn (sinh năm 1990) quê ở Phú Thọ về quyết định đầu tư mở cửa hàng nội thất ở Hà Nội khiến anh ngập trong nợ nần mấy năm qua:
Tôi là dân tỉnh lẻ, sau khi thi trượt đại học 2 năm liền, tôi quyết định nộp đơn xin học một trường cao đẳng nghề ở Hà Nội. Nửa cuối năm 2011, cầm trong tay tấm bằng cao đẳng, tôi đi xin việc. Nhưng thời buổi việc thì ít mà người thì nhiều nên nộp hồ sơ khắp nơi tôi vẫn không tìm được việc.
Trong lúc chờ kiếm được một công việc tốt đúng chuyên ngành mình học, tôi xin làm chân chạy xe ôm cho một vài cửa hàng nội thất trên phố Đê La Thành (Hà Nội).
Thực ra, để được hành nghề xe ôm trên phố này, tôi phải nhờ người thân bán hàng bảo kê và bản thân cũng biết qua nghề mộc. Bởi, xe ôm chở đồ gỗ nội thất, ngoài chuyên chở hàng hóa còn phải có chút nghề để lắp ghép đồ luôn cho khách, đặc biệt cần người phải tin tưởng được vì mình sẽ là người thu tiền cho chủ cửa hàng luôn.
Làm được vài tháng, tôi có nguồn thu khá ổn với khoản tiền đều đặn 10-15 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ hết chi phí sinh hoạt.
Anh Huấn chịu thua lỗ nặng sau khi đầu tư tiền mở cửa hàng nội thất |
Chạy xe ôm trên phố đồ gồ nội thất được khoảng 2 năm thì tôi lập gia đình và có con. Đến cuối 2014, sau khi đã đưa cho bố mẹ ở quê gần 100 triệu phụ tiền xây nhà, tôi để dành được gần 200 triệu đồng từ tiền chạy xe ôm hàng ngày.
Lúc này, tôi bàn với vợ thay bằng chạy xe ôm, hai vợ chồng đầu tư tiền mở cửa hàng bán nội thất, vừa đỡ vất vả mà thu nhập lại cao hơn. Thực tế thì anh họ tôi từ một chủ xưởng mộc chuyên làm đồ gỗ bình dân trên phố nay đã thành ông chủ lớn có nhà ở Hà Nội, có xe ô tô để đi lại nhờ vào việc mở cửa hàng buôn bán nội thất. Anh họ tôi kể, những tháng cuối năm thu được 200 triệu đồng/tháng tiền lãi là chuyện không có gì lạ.
Thấy vậy, tôi khá ham. Thế nên, cuối năm 2014 tôi quyết định đem hết khoản tiền gần 200 triệu tiết kiệm được và vay thêm 300 triệu đồng nữa (lãi suất 15%/năm) để lấy vốn mở cửa hàng. Tôi càng quyết tâm hơn vì nghĩ rằng, trong quãng thời gian dài làm chân xe ôm chở nội thất, tôi đã thành thạo việc lắp đặt các mẫu mã nội thất từ dễ tới khó, cộng với đó, cũng quen được các xưởng bỏ sỉ nội thất lớn.
Một tháng sau, tôi ký được hợp đồng thuê một cửa hàng trên phố Đê La Thành với giá thuê 30 triệu đồng/tháng, đặt cọc trước nửa năm tiền nhà (nhà 2 tầng, có thể tận dụng tầng 2 làm nơi ăn ở sinh hoạt cho gia đình). Số tiền còn lại, tôi đầu tư sửa chữa cửa hàng và để nhập hàng.
Việc bán hàng do tôi và vợ tôi cùng đảm nhận vì sau khi quyết định mở cửa hàng, vợ tôi đã xin nghỉ việc (trước cô ấy làm công nhân một công ty điện tử ở khu công nghiệp Bắc Thanh Long).
Đến tháng Giêng âm lịch năm 2015, tôi khai trương cửa hàng. Hai tháng đầu tiên, mỗi ngày cũng bán được 3-4 món đồ nội thất các loại. Tiền lãi thu được khi đó gần đủ tiền thuê nhà. Lúc đó, tôi vẫn khá lạc quan nghĩ rằng, mới mở bán chưa quen khách nên không đông lắm, một vài tháng sau khách sẽ ổn định hơn.
Tuy nhiên, đến giữa năm đó, khách không những không tăng lên mà còn giảm đi, ngày nào nhiều thì bán được 3-4 món đồ, có ngày bán được 1-2 món, thậm chí vài ngày liền không bán được món đồ nào. Khách cứ vào hỏi mua rồi lại đi ra. Tiền lãi chỉ đủ tiền chi tiêu sinh hoạt của hai vợ chồng, tháng nào cũng lỗ nặng vì tiền nhà đã ngốn mất 30 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, khoản tiền 300 triệu đồng vay người quen trước đó vẫn phải trả lãi đều đặn và phải hẹn chủ nợ cho nợ tiếp đến cuối năm thay bằng trả hết khoản tiền đó vào giữa năm như đã định.
Thế nhưng, tôi vẫn cố vì 2 năm chạy xe ôm chở đồ gỗ trên phố này, tôi biết thị trường đồ gỗ chỉ sôi động vào những tháng cuối năm. Vây là tôi nuôi hy vọng đến cuối năm đắt khách mua hàng, tiền lãi kiếm được sẽ bù lại khoản tiền lỗ những tháng trước đó, thậm chí có thể trả hết nợ.
Song, đến cuối năm đó, khách ra vào mua bán tại cửa hàng vẫn lèo tèo. Cuối tháng thống kê toàn thấy lỗ chứ chẳng thấy lãi đâu.
Hai vợ chồng tôi khá ngán ngẩm, không muốn chịu lỗ thêm nữa nên đã quyết định thanh lý hết toàn bộ hàng trước Tết Nguyên đán năm 2016 để cắt lỗ với giá thấp hơn nhiều giá nhập vào. Lúc ấy là bước đường cùng rồi, vì hợp đồng thuê nhà cũng đã hết hạn, ký thuê tiếp càng lỗ nặng hơn.
Thanh lý xong, vợ chồng tôi ngồi tính toán số tiền thu được chưa đầy 150 triệu đồng. Trong khi, khoản tiền tôi bỏ ra đầu tư lên tới 500 triệu đồng, chưa kể tiền lãi vay tôi phải trả là 45 triệu đồng. Như vậy, chưa tính công sức của hai vợ chồng tôi bỏ ra, sau một năm mở cửa hàng buôn bán, tôi lỗ tới 400 triệu đồng.
Trừ đi 200 triệu tiền vốn tôi có từ trước, vợ chồng tôi gánh khoản nợ gần 200 triệu đồng. Con số này không nhỏ, nhưng tôi còn cảm thấy nhẹ nhàng hơn là ngày nào cũng mất ăn mất ngủ vì lo nghĩ.
Đến nay, sau 2 năm nghỉ bán hàng rồi quay lại với nghề xe ôm chở nội thất, số tiền tôi tiết kiệm được đã trả được hết khoản nợ trước đó và cũng rút được ra bài học lớn cho bản thân, rằng khi đầu tư kinh doanh bất cứ gì cần tính toán cả phần rủi ro có thể gặp. Điều này mấy năm trước tôi không hề tính đến.