Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bớt xén lương giáo viên, hiệu trưởng để con nhận lương "khống"

Trong khi người cha hiệu trưởng bị tố nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc, bớt xén lương giáo viên, gần tháng nay không lên trường làm việc, thì người con trai đã nghỉ dạy nhưng hàng tháng vẫn được nhận lương.

Liên quan đến vụ hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) bị tố nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc, bớt xén lương, phóng viên VietNamNet vừa tìm hiểu và phát hiện thêm một số thông tin đáng lưu ý.

Theo tìm hiểu, sau khi bị người dân, giáo viên tố cáo, ông Huỳnh Bê (hiệu trưởng) đã cáo ốm, gần cả tháng nay không lên trường làm việc.

 Trường THCS Ngô Mây xảy ra nhiều sai phạm

Một lãnh đạo Trường THCS Ngô Mây xác nhận, ông Huỳnh Bê nghỉ phép và đã hết hạn vào ngày 8/3. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Bê không lên trường làm việc.

Còn theo phản ánh của giáo viên, dù không lên trường nhưng trong các văn bản, bảng kê lương ông Huỳnh Bê vẫn ký duyệt.

Ngoài sự việc trên, giáo viên cũng cho biết, ông Bê có con trai là Huỳnh Trọng Quý được tuyển dụng vào dạy hợp đồng môn Tin học tại trường. Anh Quý dạy được khoảng 4 năm, thì vào tháng 11/2017 bất ngờ nghỉ việc, đến nay chưa đi dạy lại. Trong danh sách giáo viên nhận lương, anh Quý vẫn có tên hàng tháng.

 Giáo viên Trường THCS Ngô Mây phản ánh về tiêu cực của lãnh đạo

Theo danh sách duyệt chi lương do Kho bạc Nhà nước huyện cung cấp, ngoài nhận lương các tháng 11 và 12/2017, trong bảng chi lương năm 2018 của Trường THCS Ngô Mây, anh Quý vẫn được duyệt trả lương cả năm tổng số tiền hơn 32 triệu đồng.

Về vấn đề này, lãnh đạo Kho bạc huyện Krông Pắk cho biết, việc lập danh sách giáo viên hưởng lương do Trường THCS Ngô Mây lập, trình Phòng Nội vụ thẩm định, phê duyệt. Kho bạc chỉ căn cứ vào danh sách được phê duyệt để chi lương.

Chiều ngày 19/3, VietNamNet đã tới Trường THCS Ngô Mây để tìm hiểu những thắc mắc của giáo viên. Tuy nhiên, các lãnh đạo đều không có mặt tại trường và báo bận "tiếp khách”, dù đang ngồi ở quán nước.

 Con đường đến trường của các giáo viên.

Khi được hỏi, có hay không việc giáo viên Quý nghỉ việc nhiều tháng nay nhưng vẫn được nhận lương đều đặn, ông Sơn nói không biết vì việc này do kế toán và hiệu trưởng làm.

Trong khi đó, ông Đặng Đình Nguyện nói rằng, phóng viên muốn làm việc với trường thì phải xin giấy giới thiệu UBND huyện, của Phòng GD&ĐT.

Nói hết câu, ông Nguyện và ông Sơn vội lấy xe máy ra về.

Cùng ngày, Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk cho biết, Thanh tra Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk đã xuống làm việc với đơn vị để thu thập số liệu về vụ việc bớt xén lương giáo viên.

Một lãnh đạo Kho bạc huyện cho biết, vào đầu năm, các trường sẽ lập danh sách giáo viên, cán bộ nhân viên hưởng lương trình Phòng Nội vụ phê duyệt.

 Huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 600 giáo viên và chưa biết phải xử lý như thế nào

Dựa trên danh sách này, Kho bạc huyện sẽ duyệt chi, chuyển vào tài khoản các trường mở tại ngân hàng. Trường có trách nhiệm làm việc với ngân hàng, cung cấp tài khoản các giáo viên để ngân hàng chuyển lương cho họ.

Trong tố cáo của các giáo viên, lãnh đạo Trường THCS Ngô Mây đã lập 2 bảng lương, trong đó, bảng lương trường lập, chi trả cho giáo viên rất thấp, chênh lệch hàng chục triệu đồng so với bảng lương mà Kho bạc huyện duyệt chi.

 Hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đang lo lắng vì sắp mất việc

Theo lãnh đạo Kho bạc huyện, việc Trường THCS Ngô Mây nhận “một cục” lương của giáo viên tại ngân hàng, lập 2 bảng lương là sai nguyên tắc tài chính.

“Công an huyện đã làm việc với kho bạc huyện để lấy số liệu, phục vụ công tác điều tra và chúng tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ” – lãnh đạo Kho bạc huyện cho hay.