Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc ngã giá lúc rạng sáng khiến người đàn bà bán ngô hốt hoảng

“Người khách hơn 60 tuổi đang chạy thể dục ở gần đê sông Hồng. Thấy tôi chở thùng ngô đi qua, ông ta gọi giật lại. Ông ta bảo tôi rằng, ông không có tiền lẻ và chìa tờ 50 nghìn đồng ra…”, chị Đoàn Thị Hoa nhớ về kỷ niệm không vui trong quá trình đi bán hàng rong.

4 giờ chiều, xóm trọ với hơn 40 phòng ở phường Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp. Những người phụ nữ làm nghề bán ngô rong vừa kết thúc một ngày bán hàng. Họ đang chuẩn bị ngô và củi cho mẻ hàng ngày mai.

Chị Đoàn Thị Hoa (SN 1969, quê ở Lý Nhân) vừa dỡ những thanh gỗ củi (bàn, ghế hỏng, cành cây... nhặt được ở ven đường, các bãi rác) chất đầy phía sau xe đạp xuống.

Chị nói: “Ở bãi rác, lề đường, người dân bỏ đi rất nhiều thứ có thể dùng làm củi đốt. Trong quá trình đi bán hàng chúng tôi tranh thủ nhặt nhạnh vì thế không bao giờ thiếu củi đun.

 Những người bán ngô tranh thủ lượm lặt bàn, ghế... hỏng về làm củi đun. Ảnh: Phương Lê

Ngày nào cũng vậy, khoảng 2 - 3 giờ sáng cả xóm lục đục dậy luộc một mẻ ngô lớn. Bên cạnh nồi ngô là một nồi cơm, thức ăn. Vào mùa đông trời lạnh đun bếp củi không vấn đề gì nhưng mùa hè ngồi hàng tiếng đồng hồ trông nồi ngô, ai nấy đều mồ hôi chảy ròng ròng, ướt cả lưng áo.

Đến 4- 5 giờ, trời vừa rạng, ngô và cơm cũng vừa chín tới. Tôi ăn cơm sáng sau đó chất ngô luộc còn nóng hổi lên xe để bắt đầu một ngày làm việc mới".

Từ Lý Hà Nam lên Hà Nội làm nghề bán ngô dạo, chị cho biết là người lao động chân tay chuyện thức khuya dậy sớm không phải quá vất vả đối với chị mà những cảnh trớ trêu trên chặng đường bán hàng mới làm chị chạnh lòng.

Không ít đồng nghiệp của chị bị đánh, bị chửi vì chuyện đắt rẻ, vì tranh nhau chỗ đứng. Chính vì thế, chị Hoa khẳng định, khi ra đường, chị luôn đặt ra nguyên tắc cho chính mình đó là thuận mua vừa bán, không đôi co, không tranh cãi.

“Nếu đang đứng bán hàng mà có người ra gây sự, tôi sẽ lẳng lặng dắt xe đi chứ ít khi đứng lại cãi cọ. Mình thân cô thế cô, cãi nhau cũng không giải quyết được gì mà có khi còn sứt đầu mẻ trán”- chị Hoa cho biết.

 Bên cạnh nồi ngô họ tranh thủ nấu thêm nồi cơm, thức ăn. Ảnh: Phương Lê

Tuy vậy theo lời chị Hoa, dù đã tránh tối đa việc đôi co, cãi cọ nhưng nhiều lần chị vẫn bị mắng xối xả một cách vô cớ.

“Khổ nhất là dịp Hà Nội rộ tin đồn “luộc ngô bằng hóa chất”. Khi đó, chúng tôi thực sự khổ sở. Hàng bán không được. Nhiều người vừa nhìn thấy mặt chúng tôi đã chửi tới tấp vì cho rằng chúng tôi làm ăn thất đức.

Tuy nhiên ai luộc bằng hóa chất thì tôi không biết, chỉ biết 23 năm nay, tôi chưa từng luộc ngô với bất cứ thứ hóa chất nào”, chị Hoa khẳng định.

Người phụ nữ này kể thêm, có lần chị chứng kiến một câu chuyện mất lòng tin của khách dành cho món ngô luộc. "Lần đó, tôi nghỉ chân ở một quán bánh mì bên đường.

Bên cạnh hàng bánh mì là hàng hoa quả. Người chủ hàng hoa quả được một người hàng xóm cho 2 bắp ngô.

Theo đó, người hàng xóm này mua 2 bắp ngô để ăn sáng nhưng buổi sáng chị ta có việc bận không ăn nên mang cho người bán hoa quả.

Nhìn thấy bắp ngô trong túi bóng, chủ sạp hoa quả đã vội vã xua tay: "Không, không, ngô toàn luộc bằng hóa chất, cho đường hóa học vào mới ngọt lừ như thế. Ăn để rước bệnh vào người à? Nhà tôi "cạch" món này từ lâu lắm rồi".

Tôi nghe lời người ta nói mà không khỏi thấy chạnh lòng", chị Hoa kể lại.

 Mỗi ngày sau khi bán hết ngô, họ đều mang về một bó củi lớn. Ảnh: Minh Anh

Bên cạnh việc bị mắng oan vì thông tin luộc ngô bằng hóa chất, chị Hoa còn ngậm ngùi vì những vị khách thiếu lịch sự.

“Chúng tôi đẩy xe ra đường vào sáng sớm. Đây cũng là giờ nhiều người dân đi tập thể dục. Vì vậy chuyện người bán rong bị trêu, đùa, dọa dẫm là chuyện không phải hiếm”, chị tiếp tục kể.

Thậm chí, theo lời chị Hoa, bản thân chị đã từng bị người đàn ông lớn tuổi đi tập thể dục “gạ gẫm”.

“Người khách này hơn 60 tuổi, đang chạy thể dục ở gần đê sông Hồng. Thấy tôi chở ngô luộc đi qua, ông ta gọi giật lại. Ông ta bảo tôi rằng, ông không có tiền lẻ, chỉ có tờ 50 nghìn.

Nếu tôi đồng ý cho ông ta được nắm tay... ông ta sẽ mua 1 bắp ngô và tờ 50 nghìn sẽ thuộc về tôi. Ông ta còn bảo, những buổi sáng sau này, ông ta cũng sẽ cho tôi 50 nghìn nếu tôi đồng ý với những thỏa thuận mà ông ta đưa ra.

Tuy nhiên chỉ nghe đến thế thôi, tôi đã thấy bức xúc. Tôi vội đạp xe đi", chị Hoa bức xúc nhớ lại kỷ niệm không vui của mình trong nghề.

 23 năm bán ngô, chị Hoa khẳng định, chị chưa từng luộc ngô với bất cứ thứ hóa chất nào. Ảnh: Minh Anh.

Chị Hoa cho biết, câu chuyện trên không phải là tình huống hiếm hoi. Nhiều đồng nghiệp của chị còn nhận được những lời đề nghị trắng trợn hơn.

Tuy nhiên trong quá trình đi làm, chị cũng gặp rất nhiều người dân tốt bụng. Có người, thấy chị đi bán hàng mệt, họ cho đồ ăn, hoa quả và cho vào nhà để trú mưa.

“Nhiều người còn mua cho tôi áo mưa khi thấy tôi muốn về nhà mà cơn mưa chưa dứt. Không những thế khi đã quen mặt, họ còn cho chúng tôi quần áo cũ, đồ dùng cũ… Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động”, chị Hoa trải lòng.