Vị khách trong căn biệt thự khiến người phụ nữ bán ngô ngỡ ngàng
- 07:59 16-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Video: Quá trình luộc ngô của các phụ nữ bán rong tại Long Biên - Hà Nội
[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/03/16/khach_16_3_18.mp4[/presscloud]
23 năm là thời gian chị Đoàn Thị Hoa (SN 1969, quê Lý Nhân, Hà Nam) nhớ được kể từ khi chị bước chân vào nghề bán ngô dạo.
“Ngày đầu tiên lên Hà Nội, tôi đã thuê phòng trọ ở Long Biên. Giá phòng lúc đó được tính bằng ngày. Mỗi ngày 1 nghìn đồng/người. Giá ngô lúc đó cũng rẻ hơn. Mỗi bắp chỉ có giá vài trăm đồng lẻ.
Tuy nhiên công việc buôn bán suôn sẻ. Giá trị thu về cũng cao hơn nhiều so với mong muốn của một người nông dân. Vì thế tôi quyết định gắn bó với nó”, chị Hoa nhớ lại những ngày mới đến Hà Nội mưu sinh.
Từ đó đến nay, công việc của chị cứ đều như vòng quay của chiếc kim đồng hồ. 2 giờ sáng, chị Hoa thức dậy, nhóm củi, luộc ngô và đặt hàng lên chiếc xe đạp rồi bắt đầu một ngày rong ruổi…
Chị Đoàn Thị Hoa (SN 1969, quê Lý Nhân, Hà Nam) đã có thâm niên bán ngô được 23 năm Ảnh: Minh Anh |
“Tôi đi khắp các ngõ ngách của Hà Nội để bán cho hết lượng ngô đã mang đi. Có ngày bán nhanh, 1, 2 giờ chiều tôi đã về xóm trọ nhưng ngày ế ẩm thì phải 9, 10 giờ tối tôi mới về đến nhà. Tính ra, quãng đường tôi đạp xe mỗi ngày cũng đến vài chục km”, chị Hoa nói.
“Nhiều người hỏi tôi: Sao không chọn một điểm nào đó đông người rồi đứng bán cho nhàn? Nhưng cuộc sống chốn thị thành đâu dễ dàng thế. Nhiều người bán ngô như tôi đã bị chửi, bị đánh, bị gây khó dễ chỉ vì 1 chỗ đứng“, chị Hoa nói tiếp.
Những người gây khó dễ cho họ có thể là người dân có nhà ở cạnh nhưng cũng có thể là những người đồng nghiệp. Vì thế, phải sau nhiều năm, khi kinh nghiệm sống và bươn chải ở Hà Nội đã dày lên, chị Hoa mới dám chọn bến đỗ bán hàng là khu vực quanh bệnh viện.
“Tôi chọn bệnh viện phần vì ở đây tập trung đông người, nhu cầu mua bán cao, phần vì ở bệnh viện có nhiều người dân quê. Họ chân chất và hiền lành nên cách ứng xử cũng hòa nhã hơn”, chị Hoa cho biết.
Theo lời chị Hoa, ở cổng bệnh viện, chị gặp nhiều người, ăn mặc cũ kỹ và trong ví không có nổi 50 nghìn đồng. Tuy nhiên họ vô cùng sòng phẳng và nói năng dễ chịu.
“Tôi rất ấn tượng về một vị khách quê Tuyên Quang ở bệnh viện Việt Đức. Chị này đi chăm sóc bố đang nằm viện. Vì nhà nghèo nên không có tiền ăn cơm. Nhiều lần, chị ta phải mua ngô của tôi để ăn trừ bữa. Đến 1 ngày, bố chị ấy khỏe, muốn ăn một bắp ngô nhưng thời điểm đó, trong túi chị ấy không có tiền.
Chị ấy đến chỗ tôi, quanh quẩn mãi không dám nói. Cuối cùng, tôi phải hỏi thì chị ấy mới mở lời. Tôi đã đồng ý tặng chị ấy 2 bắp ngô và không lấy tiền. Tuy nhiên sáng hôm sau, nhận được viện trợ từ người thân, chị ta lại cầm tiền rồi tìm tôi để trả lại”, chị Hoa kể.
“Trong khi đó, ở đất phồn hoa đô thị, có nhiều người giàu có nhưng cư xử lại không hề đẹp mắt, ưng tai”, chị Hoa nói tiếp.
“Gần điểm tôi đứng bán ngô có một cửa hàng ăn. Mỗi ngày tôi đi qua, bà chủ cửa hàng đều bắt tôi chọn cho 2 bắp thật ngon. Tuy nhiên bà ta không bao giờ trả tiền ngay mà bắt tôi ghi sổ.
Đến lúc số nợ đã lên đến tiền triệu, tôi quyết định vào cửa hàng đòi thì bà ta quát nạt. Sau đó, bà ta khất lần và cuối cùng là lấy cớ vỡ nợ rồi tuyên bố không trả tiền”, chị Hoa bức xúc nhớ lại.
Theo chị Hoa, sau khi tuyên bố vỡ nợ, cửa hàng ăn cũng đóng cửa, sau đó thay thế bằng một chủ khác. Vì thế số tiền của chị cũng đã tan biến theo dấu vết của người chủ này.
“Bị mất tiền, ai cũng xót nhưng vì bà ta vỡ nợ, phải bỏ trốn khỏi đất làm ăn nên tôi cũng không thể làm gì. Nhưng với những người sống trong nhà cao cửa rộng, quần là áo lượt và nói toàn lời vàng ngọc, cuối cùng lại quỵt tiền của một người bán ngô thì không chấp nhận được”, chị Hoa chia sẻ.
Trong quá trình làm nghề, chị Hoa đã từng gặp rất nhiều vị khách "củ chuối". |
Vị khách mà chị Hoa kể là người phụ nữ đứng trước căn biệt thự rộng lớn ở Tây Hồ, Hà Nội.
“Chị ta gọi tôi lại để mua 15 bắp ngô. Lúc mua, chị ta khiến tôi rất ấn tượng bởi gương mặt đẹp như hoa hậu, cách nói chuyện nhẹ nhàng, phong cách ăn mặc sang trọng. Chị ta nói, chị ta đang nghén, thèm ăn ngô nên nghe tiếng rao, chị ta chạy vội ra mà chưa kịp cầm theo tiền. Chị ta chỉ cho tôi căn biệt thự phía sau lưng - nơi chị ta sống và dặn tôi đứng chờ. Tuy nhiên, tôi chờ cả chục phút không thấy đâu. Gọi cổng biệt thự thì một người đàn bà khác ra đuổi” - chị Hoa bức xúc kể.
Theo chị Hoa, những người làm nghề bán ngô dạo như chị phải nhặt nhạnh và ky cóp từng đồng bạc lẻ. Hàng ế ẩm họ phải ăn trừ bữa. Vậy nhưng đã chọn nghề thì chị không muốn than phiền chuyện vất vả. Chị chỉ mong, trong quá trình làm nghề, chị không gặp phải quá nhiều những vị khách như người đàn bà trước căn biệt thự kia …