Cựu U19 Quốc gia Nguyễn Viết Nguyên - chàng trai từ bỏ giảng đường để đá bóng
- 16:29 15-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không chỉ ở SLNA mà ở cả V.League, hiếm có cầu thủ nào dám từ bỏ giảng đường đại học để theo đuổi nghiệp quần đúi áo số. Với Viết Nguyên – gương mặt trẻ được kỳ vọng và đại diện cho một thế hệ mới ở xứ Nghệ, đó là sự đặc biệt.
Chiều 14/3, trong trận thua của SLNA trên sân Indonesia ở bảng H AFC Cup 2018, nhiều người nhắc đến tiền đạo Viết Nguyên với nhiều sự nuối tiếc. Trong thế trận mà SLNA chơi phòng ngự phản công, Nguyễn Viết Nguyên đã có một số cơ hội nhưng xử lý bóng chậm và bị thay ra sau đó.
Viết Nguyên là tiền đạo chủ lực của U19 SLNA năm 2014. Ảnh: SLNA FC |
Trước khi xuất hiện ở AFC Cup, Viết Nguyên được nhiều người biết đến như là một cầu thủ khá đặc biệt.
Trước khi tham dự Giải bóng đá TN-NĐ cúp Báo Nghệ An năm 2005-2007, Viết Nguyên là tiền đạo chủ lực của đội bóng Trường Tiểu học Lê Lợi. Nổi tiếng bởi “học giỏi, đá bóng hay”, năm nào cậu bé sinh năm 1995 này cũng nhận được rất nhiều bằng khen bên cạnh thành tích học tập đáng nể.
Năm 2007, Viết Nguyên lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch và được gia nhập lò SLNA, tuyển chọn vào đội U13 SLNA. Bóng đá vốn là môn thể thao mang đến nhiều rủi ro, tại VCK U17 QG năm 2011, tai nạn ập đến với Viết Nguyên ngay ở trận đầu ra quân gặp Đồng Tháp. Pha va chạm kinh hoàng với hậu vệ đối phương đã khiến gãy xương mác, phải mất nửa năm điều trị và có thể trở lại tập luyện.
Với một cầu thủ trẻ, đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong những bước đầu của sự nghiệp chơi bóng. Dù vậy, cầu thủ trẻ SLNA vẫn quyết tâm trở lại sân cỏ và trở thành trụ cột của đội U19 SLNA tại VCK U19 QG 2014. Năm đó, Viết Nguyên là cây săn bàn chủ lực của U19 SLNA, cùng với những Văn Khánh, Tuấn Tài, anh góp công lớn giúp đội vào chung kết nhưng không chạm đến đỉnh vinh quang. Màn thể hiện xuất sắc đó đã giúp tiền đạo này được triệu tập vào ĐT U19 Việt Nam cùng với 2 người đồng đội Văn Đức và Tuấn Tài.
Theo nghiệp cầu thủ, cầu thủ này vẫn duy trì việc “mài dùi kinh sử” và có thành tích học tập rất đáng nể. Là con thứ hai trong một gia đình công nhân ở TP Vinh, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng Nguyên được bố mẹ tập trung đầu tư cho việc học từ nhỏ. Những năm học tiểu học, năm nào Viết Nguyên cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những năm học THPT sau đó, dù lịch tập luyện và thi đấu dày đặc, Nguyên vẫn là học sinh khá giỏi rồi thi đậu vào ngành Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Vinh.
Viết Nguyên và Tiến Dũng trong màu áo ĐT U19 Việt Nam. Ảnh: FBNV |
Ngoan ngoãn, chịu khó, thể hình tốt và đam mê chơi bóng, Viết Nguyên được BHL SLNA điền tên vào danh sách tham dự V.League 2016.
Đó là thời điểm mà Viết Nguyên buộc phải đứng giữa 2 sự lựa chọn. Từ bỏ đam mê để đi theo con đường học vấn hoặc phải gác lại việc đèn sách đi theo quả bóng tròn. Được TGĐ Nguyễn Hồng Thanh làm việc với ĐH Vinh để xin bảo lưu kết quả học tập cho Viết Nguyên. Tuy nhiên khi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, điều kiện không cho phép nên Nguyên buộc phải lựa chọn bỏ dở việc học hành.
Cao 1m83, không chiến tốt, dứt điểm khá tinh tế và hiệu quả nhưng hạn chế lớn nhất của Viết Nguyên chính là tâm lý, do những ám ảnh về chấn thương trong quá khứ. Theo như các thầy kể lại, Viết Nguyên đã 5 lần gặp phải những chấn thương nặng ở cả 2 chân và tay. Mặc dù vậy, HLV Quang Trường và HLV Đức Thắng vẫn nhìn ra tố chất của cầu thủ này.
Sau 3 năm lên đội 1 SLNA, mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều đối với Viết Nguyên. Trong màu áo SLNA, Viết Nguyên mới chỉ có vỏn vẹn 7 trận đấu (1 đá chính), không ghi được bàn thắng nào. Thời gian qua, BHL SLNA đã thường xuyên bố trí cầu thủ này tập luyện ở vị trí trung vệ và vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Trận gặp Persija Jakarta, Viết Nguyên đá chính ngay từ đầu và bị thay ra trong hiệp 2 sau màn trình diễn gây thất vọng. Trong 80 phút có mặt trên sân, Viết Nguyên tung ra 3 cú dứt điểm, 1 trúng đích, 35 pha chạm bóng, 18 đường chuyền chính xác và 2 pha tắc bóng phòng ngự. Đó là những thống kê không mấy thuyết phục, nhưng với một cầu thủ đặc biệt như Viết Nguyên, đó có thể xem là một bước tiến mới./.