Thương vụ 1.300 tỷ: Cơn say mới Bầu Hiển
- 13:38 15-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông tin kết quả IPO Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty TNHH MTV (Vinafood 2) cho thấy, thêm một vụ bán vốn nhà nước nữa thành công. Một doanh nghiệp làm ăn không thực sự hiệu quả nữa sẽ được tái cơ cấu qua hình thức kêu gọi vốn và trí tuệ từ trong cộng đồng.
Toàn bộ 115 triệu cổ phần (22,97% vốn điều lệ) đã được bán hết trong ngày IPO với giá bình quân 10.101 đồng/cp, gần như ngang bằng với giá khởi điểm đưa ra chào bán: 10.100 đồng/cổ phần.
Khoảng gần 1,2 ngàn tỷ đồng đã được thu về cho Nhà nước và điều quan trọng hơn là hình thức doanh nghiệp đã được thay đổi. Và theo kế hoạch, Vinafood 2 sẽ bán 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, dựa trên mức giá IPO. Nhà nước nắm 51%, còn lại bán cho người lao động và công đoàn.
Mức giá bán thành công trong phiên IPO được xem là khá hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược với tầm nhìn dài hạn.
Theo thông tin trước đó, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là doanh nghiệp duy nhất nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinafood 2. Với mức giá này, Bầu Hiển sẽ phải bỏ ra gần 1,3 ngàn tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp nông sản này.
|
Như vậy, nếu không có gì thay đổi trong kế hoạch của T&T, thì đại gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Đỗ Quang Hiển sẽ dấn thêm 1 bước nữa vào trong lĩnh vực nông nghiệp đầy tiềm năng của Việt Nam.
Vinafood 2 được biết đến là doanh nghiệp có vị thế lớn trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản với hệ thống phân phối bao phủ khắp các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính và khả năng mở rộng thị trường.
Trong vài năm gần đây, sau khi thành công với Ngân hàng SHB và cú tái cấu trúc ngoạn mục được ghi danh trong giới tài chính khu vực, Bầu Hiển đã lặng lẽ tấn công vào nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Không ít người cho rằng, mục đích của Bầu Hiển là đất vàng tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhìn về tổng thể có thấy được một chiến lược đầu tư vào thế mạnh nông nghiệp của ông Bầu kín tiếng này.
Trong vài năm trước, giới đầu tư cũng đã thấy những thương vụ T&T mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), một công ty kinh doanh nông sản và là thành viên của Hapro…
Với tình hình kinh doanh theo chiều đi xuống trong thời gian gần đây của Vinafood 2 cũng như sự kém mặn mà của các nhà đầu tư khác trong thương vụ đăng ký làm cổ đông chiến lược, có thể thấy “mục tiêu đất vàng” dường như không hợp lý.
Sâu chuỗi một loạt các động thái gần đây, có thể thấy, chiến lược của Bầu Hiển có lẽ không gì khác là tấn công vào lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam: nông nghiệp, sau khi đại gia này đã thành công và có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực ngân hàng tài chính.
Trong thời gian gần đây, hàng loạt các ngân hàng trong đó có SHB của Bầu Hiển đã phát triển mạnh trở lại sau một thời gian khó khăn. Hầu hết các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã và đang tăng trưởng bứt phá và là động lực chính kéo thị trường liên tiếp lập các đỉnh cao mới.
Nhiều doanh nghiệp lớn trên TTCK cũng mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp và có không ít thành công.
Trên các sàn giao dịch chứng khoán, trong phiên giao dịch liền trước, cặp đôi cổ phiếu SHB và SHS hút dòng tiền rất mạnh. Hai cổ phiếu này tăng vọt. Một số cổ phiếu trong lĩnh vực nông nghiệp và có mảng nông nghiệp gần đây tăng trưởng mạnh như PAN Group, HPG, HAGL, GTN, Vingroup…
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 14/3, VN-index tăng 4,78 điểm lên 1.138,09 điểm; HNX-Index tăng 0,77 điểm lên 130,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,04 điểm lên 61,29 điểm. Thanh khoảng đạt 345 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 8,8 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.