Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tên cướp khét tiếng thanh thản bên người vợ tâm thần

Sau gần 20 năm thi hành án về tội trộm cắp tài sản và chống người thi hành công vụ, Trần Văn Nhu (tức Hiền mèo trắng, SN 1958, ngụ xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trở về quê hương. Với khát vọng hoàn lương, Nhu quyết định gắn bó cuộc đời mình với người phụ nữ tâm thần kém 14 tuổi. Giờ, gã vừa chăm vợ nuôi con, vừa tận tụy với công việc quản lý chợ làng.

 Trần Văn Nhu bên người vợ tâm thần và con trai

Bám biển, mót cá để mưu sinh

Trước khi đến với nhau, Trần Văn Nhu từng là một thành viên cộm cán của bang phái “Người không mang họ” một thời đại náo giang hồ. Nhu từng bị kết án tử hình rồi chung thân với nhiều tội danh khác nhau. Khi ra tù, trở về địa phương, Nhu bị gia đình, xã hội chối bỏ.

Vợ Nhu - chị Tô Thị Định (SN 1972) vốn là một người có tiền sử về bệnh tâm thần. Dù cao to, khỏe mạnh nhưng chẳng ai dám gắn bó cuộc đời mình với một người bệnh tật như chị vì sợ rước họa vào thân.

Sau khi ra tù, Nhu quyết định hỏi cưới chị Định làm vợ bởi theo gã, chỉ có những người phụ nữ bất hạnh như chị Định mới chấp nhận lấy một người có quá khứ lầm lỡ như gã. Nhu tự hứa sẽ chăm sóc, chở che cho người phụ nữ này đến cuối cuộc đời.

Nhu kể, gã xuất thân trong một gia đình nghèo khó, nơi mà người dân quanh năm chỉ biết bám biển mưu sinh. Thu nhập chính trông chờ vào những đồng tiền công ít ỏi của người cha sau những tháng ngày vất vả, lênh đênh theo thuyền đánh cá ra khơi. Chưa biết hết mặt chữ cái, Nhu đã phải bỏ học để theo chân mẹ ra ven biển mót cá. Những ngày mót được nhiều cá, Nhu đem ra chợ để đổi lấy mớ sắn, củ khoai về nuôi 6 đứa em nheo nhóc. Rồi trong một lần ra khơi, chiếc thuyền gặp nạn, người cha mãi nằm lại biển khơi. Bảy anh em Nhu mồ côi cha từ đó.

Là con trai lớn trong gia đình nên khi cha qua đời, gánh nặng đè lên vai Nhu. Mới 15 tuổi, gã đã phải bươn chải với cuộc sống từ khuôn vác đến đội cá thuê để kiếm tiền nuôi mẹ và đàn em. Vất vả là thế nhưng gia đình vẫn lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa khiến gã chán nản, theo đám bạn bất hảo trong làng bỏ nhà đi bụi.

Cuối năm 1977, Nhu bị bắt khi đang lấy trộm chiếc đồng hồ treo tường tại ga tàu hỏa Thanh Hóa. Với hành vi trộm cắp tài sản, Nhu phải gánh mức án 18 tháng tù.

Thi hành xong bản án, Nhu không trở về quê mà theo đám bạn tù gia nhập vào bang phái “Người không mang họ” do Trương Hiền (thường gọi là Tọng) cầm đầu, tiếp tục lao thân vào con đường tội lỗi. Dần dần biệt danh “Hiền mèo trắng” cũng được giới giang hồ dùng để gọi Nhu thay cho tên thật.

Bang phái “Người không mang họ” từng một thời đại náo giang hồ, khiến ai nấy nghe đến đều khiếp sợ, chúng có đến 57 thành viên, chuyên cướp giật, trấn lột, hoạt động khắp địa bàn miền Trung (nhất là khu vực huyện Diễn Châu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thời bấy giờ. Khi “hành nghề” chúng thường mang theo vũ khí nóng như súng, dao để uy hiếp và sẵn sàng ra tay nếu đối phương phản kháng.

Theo hồ sơ, chỉ tính trong vòng 6 tháng (cuối tháng 12/1978 đến tháng 5/1979) bang phái của Nhu đã gây ra 40 vụ cướp, cưỡng đoạt hơn 8 triệu đồng, bắn trọng thương 4 người vô tội.

Nhớ lại lần bị bắt, Hiền mèo trắng kể lại: Ngày 16/12/1978, theo kế hoạch, tôi cùng 9 người nữa trong bang phái “Người không mang họ” đóng giả làm bộ đội ra ga Si (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) để hành nghề. Tại đây, chúng tôi đã cướp 12 khẩu súng cùng một bao tải bột mỳ 50kg. Trên đường chạy trốn thì bị động, công an ráo riết truy tìm. Tôi cùng đồng bọn lần lượt bị bắt”.

Năm 1980, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh mở phiên tòa xét xử, Hiền mèo trắng bị kết án tử hình vì hai tội danh “trộm cắp tài sản xã hội” và “chống người thi hành công vụ”. Đồng bọn của gã cũng phải gánh nhận bản án tương tự cùng vì tội danh trên.

Nhận bản án, Hiền mèo trắng sợ chết. Gã làm đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ bản án. May mắn, gã có cơ hội sống khi được tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân. Tháng 4/2000, sau 19 năm 18 tháng 11 ngày thi hành án, Nhu được trả tự do vì cải tạo tốt.

Mái ấm bình dị

Buổi chiều đầu Xuân mới, qua những con ngõ ngoằn ngoèo, đất đá lổm chổm, hỏi thăm mãi chúng tôi mới đến được nhà Nhu. Căn nhà cấp 4 của gã giang hồ một thời khét tiếng chỉ cách bờ biển Quỳnh Long một kilomet. Trong ngôi nhà nhỏ là hình ảnh Nhu nhỏ thó, da nhăn nheo, đen sạm, tóc điểm bạc đang ngồi bón từng thìa cơm cho vợ ăn. Gã dỗ dành người vợ tâm thần như dỗ dành một đứa trẻ thơ.

Nhu vừa cười vừa chỉ tay ra phía hiên nhà, nơi cậu con trai đang khom lưng dọn đống bát đĩa vỡ mở lời: “Vừa mới ngồi ăn cơm trưa được một lát thì nhà tôi lên cơn, hắt hết mâm cơm ra sân, vậy là cả nhà nhịn đói. Không ngăn được vợ, tôi chỉ kịp bê nồi cơm điện đi giấu chỗ khác. Thế nhưng khi quay ra đã thấy nhà tôi bê chiếc ti vi ném mạnh xuống nền nhà vỡ toang. Hơn một tiếng đồng hồ vật vã, dỗ dành mãi cô ấy mới chịu ngồi yên để tôi đút cơm ăn”.

 Chính quyền địa phương đã giúp đỡ giao trách nhiệm cho Nhu quản lý khu chợ làng...

42 tuổi, Nhu ra tù. Mang theo khát vọng hoàn lương, Nhu gặp nhiều khó khăn, gã trở nên lạc lõng ngay chính trên quê hương của mình. Không chỉ bị bà con lối xóm xa lánh, Nhu còn bị người mẹ và đàn em của mình chối bỏ vì sợ rước họa vào thân. Chẳng ai chịu cảm thông, chấp nhận một kẻ từng vào tù ra tội như gã. Không có chỗ dựa, Nhu tìm đến các bến cảng, nơi các con tàu vừa cập bến để làm thuê bằng nghề đội cá thuê, kiếm ăn qua ngày.

Sau 6 tháng ra tù, Nhu quyết định hỏi cưới chị Định làm vợ. Ngày gã cưới, chẳng ai tin một kẻ tù tội, khố rách áo ôm như gã lại rước thêm “của nợ” như chị Định vào người.

“Với khát vọng hoàn lương, tôi muốn làm một việc gì đó để cho lòng mình thanh thản hơn, khỏa lấp phần nào tội lỗi trong quá khứ mà tôi từng gây nên. Khi tôi quyết định lấy người điên làm vợ, ai nấy đều can ngăn. Thế nhưng, tôi đã lường trước được mọi việc có thể xảy ra. Hiện tại, dù cuộc sống còn quá nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, lòng thanh thản hơn bên mái ấm của mình” – Nhu nói.

Vợ Nhu những lúc bình thường, không lên cơn tâm thần vẫn hạnh phúc cùng chồng làm lụng, chắt chiu, gây dựng cuộc sống. Thỉnh thoảng, sau một cơn điên loạn, mọi thứ bỗng chốc trở thành đống đổ nát.

Suốt 16 năm nên nghĩa vợ chồng, Nhu đã quá quen thuộc với cảnh vợ gào thét, đập phá vật dụng trong nhà. Thậm chí, gã còn bị vợ đánh sưng đầu, mẻ trán, gãy tay... Thế nhưng, chẳng bao giờ nghe gã than phiền, trách mắng vợ. Điều quý giá nhất lúc bấy giờ là có người sát cánh bên gã, đồng hành cùng gã trong cuộc đời.

Năm 2002, niềm hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng Nhu đón chào con trai đầu lòng. Khi con được 6 tháng, Nhu gửi cả vợ lẫn con nhờ bố mẹ vợ chăm sóc để theo thuyền ra khơi đánh cá, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chỉ thỉnh thoảng thuyền cập bến, gã mới được ghé thăm vợ con một vài ngày rồi lại ra đi. Thế rồi gã chết hụt trong một lần xẩy chân rơi xuống biển. Sau lần ấy, ám ảnh về cái chết của người cha, gã không dám ra khơi nữa.

Trở về nhà, không biết làm gì nuôi sống vợ con, Nhu mạnh dạn tìm đến chính quyền xã Quỳnh Long bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, rất may được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo công ăn việc làm bằng cách giao trách nhiệm cho Nhu quản lý khu chợ làng.

Cũng từ đó, hàng ngày, Nhu bận rộn với công việc giữ an ninh trật tự, thu phí tại chợ làng. Tới buổi, người dân lại thấy gã tay xách nách mang trên chiếc xe đạp cọc cạch về nhà lo cơm nước, tắm giặt cho người vợ tâm thần, chở cậu con trai đi học. Đến nay, con trai Nhu đã học lớp 7. Dù là con một trong gia đình nhưng sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, Trần Xuân Hoàn (tên con trai Nhu) tỏ ra là một cậu bé thông minh, ngoan ngoãn. Ngoài giờ học, cậu còn giúp cha chăm sóc mẹ và làm việc vặt trong gia đình. Năm 2010, được sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình Nhu đã có căn nhà mới, đủ để cả gia đình sinh hoạt.

Hiện tại, công việc quản lý chợ cho thu nhập 3 triệu đồng/tháng, để có tiền trang trải cuộc sống, Nhu kiêm đủ nghề tay trái như xe ôm, bơm vá xe đạp, xe máy, thu nhặt phế liệu.

Nhắc đến quá khứ lầm lỗi, Nhu thở dài: “Tôi không bao giờ quên được những lần đôi tay mình nhuốm bẩn. Lần tôi dùng gậy đánh gãy chân một hành khách khi vừa bước xuống tàu vì cố dằng lại chiếc túi xách tôi cướp được. Lần tôi dí súng vào đầu một đứa trẻ khoảng 13 tuổi để đe dọa, cướp tiền của cha mẹ nó. Lần tôi bắn trọng thương một vị khách vừa bước xuống tàu vì hô hoán khi tôi cướp hành lý của họ… Tất cả như mới vừa xảy ra ngày hôm qua... Rất may tôi đã bị bắt, được ngồi tù mới tỉnh ngộ và được như ngày hôm nay.”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xăng (Phó công an xã Quỳnh Long) cho biết. “Sau khi ông Nhu ra tù, thực hiện kế hoạch giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Phía chính quyền địa phương đã giao nhiệm vụ quản lý khu chợ làng cho ông Nhu. Tại địa phương, ông Nhu được biết đến là người thật thà, thẳng thắn, sống hòa đồng, luôn đứng ra giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong việc mua bán. Ông không bao giờ thu phí một cách tùy tiện. Ông còn được biết đến là một người chồng, người cha có trách nhiệm với gia đình. Một mình ông nuôi vợ tâm thần, con ăn học. Dù đã từng sa chân vào lầm lỗi nhưng ông Nhu biết đứng lên, vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời”…