Nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn bé khi sinh con thuận tự nhiên
- 08:48 15-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên sinh hay còn gọi là phương pháp sinh con Hoa sen (Lotus birth), là sau khi đứa trẻ chào đời, thay vì cắt cuống nhau cho bé, bà mẹ sẽ giữ nhau thai, để nó khô một cách tự nhiên đến khi tự rụng sau 7-10 ngày.
Những người ủng hộ chủ nghĩa thuận tự nhiên tin rằng phương pháp sinh nở này giữ em bé được nối liền với nhau thai lâu hơn, hấp thụ hết toàn bộ dưỡng chất từ nhau thai, giúp bé tăng sức đề khàng, khỏe mạnh, thông minh hơn.
Không cắt dây rốn sau sinh sẽ gặp nhiều nguy cơ với trẻ |
Việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài cũng được tin rằng sẽ diễn ra từ từ hơn, giúp em bé không bị bất ngờ, thích nghi tốt hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh đứa bé "không cắt dây rốn" sẽ có sức đề kháng cao hơn, thông minh hơn những đứa bé sinh thường.
Ngoài ra lo sợ việc giữ lại nhau thai, cuống rốn trong thời gian dài, sẽ gây ra nhiều nguy cơ nhiễm trùng, uốn ván sơ sinh... thậm chí là tử vong cả mẹ lẫn con.
Ở một số nước phương Tây, phương pháp sinh thuận tự nhiên được lựa chọn vì một số nhỏ các bà mẹ vì mắc chứng sợ bệnh viện, hoặc vì lý do nào đó (môi trường, khí hậu…) có thể lựa chọn sinh con tại nhà, nhưng bản thân các cặp cha mẹ đã được học nhiều kiến thức tiền sản trước khi thực hiện việc sinh con không cắt dây rốn này.
Và họ cũng được hậu thuẫn đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị hiện đại, để đảm bảo việc sinh thuận tự nhiên diễn ra tốt đẹp.
Ở Việt Nam, các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng các bà mẹ không nên áp dụng phương pháp sinh thuận tự nhiên, bởi quá trình sinh con luôn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ không thể lường trước.
5 tai biến thường gặp trong sản khoa, gồm băng huyết sau sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung, uốn ván rốn.
Khi sinh không có sự theo dõi của nhân viên viên y tế, bà mẹ và thai nhi sẽ dễ gặp nguy hiểm, như băng huyết, cổ tử cung không tiến triển, sa dây rốn trước ngôi, suy thai, sang chấn cho bé trong quá trình chuyển dạ, rau tiền đạo…
Phụ nữ khi sinh thường có nhiều biến chứng, cần sự theo dõi chặt chẽ từ nhân viên y tế |
Ngày xưa, khi điều kiện còn nhiều khó khăn, phụ nữ thường tự sinh con tại nhà và dẫn tới tỉ lệ chết mẹ, chết con rất cao. Từ đó ông cha ta mới có câu “gái chửa cửa mả” - bác sĩ chuyên khoa sản BV Từ Dũ nói và cho biết, ngày nay khi y khoa phát triển, tỷ lệ biến chứng khi sinh con giảm xuống nhưng vẫn còn.
Các bác sĩ cũng nói rằng không phải cứ sinh ở nhà mới là thuận theo tự nhiên.
Khi thai nhi đủ ngày, đủ tháng, sản phụ sẽ được gia đình đưa tới bệnh viện để chờ sinh, luôn có sự chăm sóc, giám sát của y bác sĩ và sau đó dựa theo tình hình sản phụ để lựa chon phương pháp sinh phù hợp, cũng là thuận theo tự nhiên, mà lại rất khoa học.
Lúc sản phục xảy ra biến chứng khi sinh, bác sĩ sẽ can thiệp ngay, giảm nguy cơ cho cả mẹ, cả con.
Bộ Y tế hiện cũng đã ra văn bản khuyến cáo sản phụ không được sinh đẻ tại nhà. Việc sinh đẻ tại nhà có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con.