Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga
- 08:44 15-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
BBC dẫn lời Thủ tướng Theresa May cho biết, nhóm bị trục xuất được xác định là "các sĩ quan tình báo không khai báo". Họ có một tuần để rời đi. Lý do là bởi Moscow từ chối đáp ứng thời hạn chót mà Thủ tướng May đặt ra vào đêm 13/3 phải hợp tác về vụ cựu điệp viên Sergei Skripal.
Sergei Skripal 66 tuổi và con gái Yulia 33 tuổi đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. (Ảnh: EPA/Yulia Skripal/Facebook) |
Cựu điệp viên Skripal, 66 tuổi, cùng con gái ông là Yulia Skripal, 33 tuổi, hiện vẫn đang nguy kịch trong bệnh viện sau khi được phát hiện sụp xuống một chiếc ghế ngày 4/3. Thám tử Nick Bailey cũng đổ bệnh khi phản ứng với vụ việc. Ông hiện đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định, với sức khỏe đang tốt dần lên.
Bà May thông báo một loạt các biện pháp nhằm gửi tới Nga một "thông điệp rõ ràng", bao gồm trục xuất 23 nhà ngoại giao, tăng cường kiểm tra các chuyến bay tư nhân, hải quan và vận tải thủy, phong tỏa các tài sản của Nga, với bằng chứng chúng có thể được sử dụng để đe dọa tính mạng hoặc tài sản của các công dân hoặc cư dân Anh, ngừng mọi tiếp xúc song phương cấp cao đã định giữa Anh và Nga.
Bà May cũng hủy bỏ một lời mời gửi tới Ngoại trưởng Nga, và cho biết Hoàng gia Anh sẽ không dự Cúp Bóng đá thế giới trong năm nay.
Trong khi đó, pPhía Nga khẳng định không liên quan đến âm mưu giết người nhằm vào Sergei Skripal. Đại sứ quán Nga miêu tả quyết định của London trục xuất 23 nhà ngoại giao nước này là "không thể chấp nhận được, vô lý và thiển cận".
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cáo buộc Anh "chơi trò chính trị" và phớt lờ một thỏa thuận quốc tế về vũ khí hóa học. Ông cho biết, Moscow sẽ hợp tác nếu nhận được yêu cầu chính thức làm rõ vấn đề từ Anh theo Công ước Vũ khí Hóa học, mà theo đó thời hạn phải trả lời là 10 ngày.
Theo BBC, Anh sẽ báo cáo vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trước đó, đại diện nước này đã họp với các đồng minh NATO và khối này đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc sử dụng một chất độc thần kinh, khẳng định điều đó "vi phạm rõ ràng các thỏa thuận và tiêu chuẩn quốc tế".