Ép cô giáo quỳ: Do xót con thì ít mà vì sĩ diện thì nhiều
- 13:50 13-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TS Trần Thành Nam |
Mấy ngày qua, vụ việc cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh quỳ gối đã khiến các giáo viên tranh luận không ngừng. Dư luận “nổi sóng” và không ít người bất bình vì cô đã làm mất đi hình ảnh người thầy trong mắt học sinh.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
PV: Gần đây, việc cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ làm dư luận “dậy sóng”? Là người làm trong ngành giáo dục, ông có suy nghĩ gì về vụ việc này?
TS Trần Thành Nam: Tôi cảm thấy thật ngấm sự đau và buồn. Với những người làm trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã thấm thía việc “yêu cho roi cho vọt” mang lại hậu quả gì chưa? Với nhóm phụ huynh trừng phạt cô giáo, bản thân họ đã nhận ra mình “làm gương” gì cho con chưa?
Và cuối cùng tất cả chúng ta đều đã bị tổn thương. Không chỉ những người trong cuộc, những vụ việc như thế này đang làm xói mòn niềm tin của xã hội về vị thế và phẩm chất của nhà giáo; làm giảm đi sự gắn bó và yêu nghề của những giáo viên giỏi khi nguy cơ bị phụ huynh tấn công trong ngay môi trường làm việc và không thể được bạo vệ bởi lãnh đạo nhà trường là có thật.
PV: Tất cả vụ việc xoay quanh một chữ “quỳ”, là cách để làm nhục nhau, phá nát nhân cách và lòng tự trọng của nhau để đạt một mục đích. Học sinh sẽ học được gì từ nền giáo dục bạo lực này, thưa ông?
Trong vụ việc này, tất cả mọi người đều sai. Nhưng vì bạo lực sẽ tiếp tục sinh ra bạo lực nên thay vì sử dụng bạo lực xã hội chỉ trích giáo viên và phụ huynh, hãy cảm thông và rút ra những bài học cho riêng mình.
Cá nhân tôi cho rằng, chính cô giáo, nhóm phụ huynh có lẽ cũng là sản phẩm của những hình thức giáo dục bằng bạo lực trước kia. Hành vi ứng xử sai của họ có thể bắt nguồn từ niềm tin rằng mình đã lớn lên với cách thức giáo dục như thế nên sử dụng lại những hành vi này bình thường và có thể chấp nhận được.
Tôi cũng đồng cảm rằng, hiện có nhiều nguyên nhân làm giảm khả năng kiểm soát và mắc sai lầm của giáo viên. Đó là áp lực công việc, phải đáp ứng kỳ vọng từ nhiều phía, vấn đề sức khỏe cá nhân, trục trặc trong hôn nhân, áp lực chăm sóc con cái hay phải đương đầu với nhiều vấn đề hành vi của học sinh.
Trong vụ việc trên, tôi cho rằng hình phạt của cô giáo chỉ là hệ quả sau một loạt những hành vi không chịu làm bài tập của học sinh, có thể bao gồm những thái độ lời nói thách thức của một số học sinh VIP dưới sự ủng hộ của bố mẹ.
Tôi cũng có thể hiểu nhiều phụ huynh khi thấy con bị đánh, bị bắt nạt thì thường dậy con “sao mày không đánh lại, sao mày không gấu lên để chúng nó không bắt nạt nữa”. Cách hành xử của nhóm phụ huynh phạt quỳ cô giáo chính là minh họa sinh động nhất cho việc các anh chị đã được giáo dục theo phương cách như thế.
Mỗi lớp học đều có những phụ huynh quyền lực?
PV: Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, hiệu trưởng lại bỏ đi. Hành động này nói lên điều gì, thưa ông?
Phản ứng rút lui của lãnh đạo nhà trường trước phụ huynh cũng phản ánh rằng ở trong mỗi nhà trường, mỗi lớp học đều có những phụ huynh quyền lực, có quan hệ và có thể tác động đến các cấp quản lý. Phạt cô giáo quỳ do xót con thì ít mà vì sỉ diện bản thân thì nhiều. Ý nghĩ đằng sau hành động phạt quỳ là “Cô không biết tôi là ai, đang làm chức vụ gì à? Cô không biết tôi có thể thay đổi mọi thứ nếu muốn à, mà sao cô dám bắt con tôi phải quỳ…”
PV: Việc trừng phạt nhau và bạo lực ở môi trường học đường như thế này sẽ tạo ra những học sinh như thế nào, thưa ông?
Bạo lực “di truyền” theo cơ chế xã hội. Bạo lực học đường hiện nay có thể bị ảnh hưởng do có thời kỳ chúng ta coi môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục lối sống là những môn phụ và dạy nó chủ yếu là hình thức. Vì thế nên có thể cô giáo bắt học sinh phạt quỳ vì trước đây thầy của cô giáo đã bắt cô quỳ trên gai mít. Phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ vì trước đây được bố mẹ dạy rằng khi ai đánh con thì tự mà đánh lại, chẳng ai ở đó để giải quyết hộ đâu.
Bây giờ đến lượt họ tiếp tục truyền niềm tin, giá trị cho thế hệ sau. Cô giáo đã ngầm dạy cho học sinh rằng khi chúng ta tức giận, ta có thể hạ nhục người khác. Hành vi của bố mẹ ngầm dạy cho con là “cái mình muốn chỉ có thể đạt được bằng bạo lực, bạo lực là bình thường, nếu người khác sử dụng bạo lực với mình thì mình phải dùng bạo lực khốc liệt hơn để trả thù”. Với nội dung giáo dục như vậy, bạo lực học đường trở thành vấn nạn cũng không có gì là khó hiểu.
PV: Theo ông, chúng ta cần làm gì để không còn những hành vi phản giáo dục cũng như phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn trong đội ngũ giáo viên?
Trên phương diện vĩ mô, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng và xin ý kiến xã hội về các bộ chuẩn giáo viên, bộ chuẩn Hiệu trưởng. Tôi cho rằng thực hiện tự đánh giá nghiêm túc theo bộ chuẩn sẽ là phương cách hữu hiệu để phát hiện phòng ngừa những hành vi lệch chuẩn giáo dục trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Trong các bộ chuẩn đều có các tiêu chí đánh giá về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn xây dựng môi trường giáo dục và tiêu chuẩn quan hệ xã hội trong đó phải xây dựng được mối quan hệ với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và các tổ chức xã hội khác.
Việc đánh giá giáo viên hay hiệu trưởng đạt chuẩn không chỉ dựa vào việc cá nhân tự báo cáo đánh giá mà còn dựa vào các bên liên quan như đồng nghiệp, cấp trên/cấp dưới, phụ huynh và chính học sinh. Những giáo viên, lãnh đạo thường xuyên không nhận được sự ủng hộ của các bên liên quan sẽ không đạt chuẩn và cần chuyển sang công việc khác.
Ở cấp độ Nhà trường, để hạn chế những vụ việc như thế này xảy ra, tôi thiết nghĩ mỗi nhà trường cần công bố 1 quy trình tiếp nhận và xử lý những hành động phản giáo dục ở những nơi dễ thấy trong nhà trường và gửi đến từng phụ huynh và học sinh. Có quy định này, phụ huynh an tâm vấn đề của con họ sẽ được xử lý. Lãnh đạo Nhà trường cũng có cơ sở để ngăn chặn những hành vi quá khích của phụ huynh.
Ở cấp độ giáo viên và môn học. Cần thay đổi thái độ môn phụ với các môn học Giáo dục công dân, Giáo dục lối sống, Giáo dục Kỹ năng sống – Giá trị sống. Giáo viên dạy những môn này không chỉ truyền dạy cho học sinh biết cần làm gì mà phải hướng đến năng lực hành vi làm như thế nào vào lúc nào, bối cảnh nào cho phù hợp. Họ cũng cần phải là những người thực hành đạo đức, là người làm gương. Họ cũng phải là người kết nối các bài học trên lớp với phụ huynh, với môi trường sống của học sinh.
Các tổ chức nghề nghiệp cần có những chế tài để bảo vệ quyền lợi người giáo viên. Những hành vi “luật rừng” của những phụ huynh “hổ báo cáo chồn” cần phải được ngăn chặn và xử lý phù hợp.
Xin cảm ơn ông!