Nghệ An: Mở lớp "chống trượt" tốt nghiệp thi THPT quốc gia 2018
- 10:20 09-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy chất lượng học sinh đầu vào thấp, nhưng bằng các giải pháp phụ đạo học sinh yếu kém, ôn thi tốt nghiệp thì tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cao hơn mức trung bình của tỉnh.
Một trong những giải pháp mà ngôi trường này xác định tập trung là mở những lớp phụ đạo miễn phí để bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém. Những lớp chống trượt tốt nghiệp này sẽ bắt đầu sau khi kết thúc học kỳ 1 của lớp 12. Các thầy cô sẽ đăng ký tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh.
Ông Lê Đăng Việt, Phó hiệu trưởng nhà trường |
Ông Lê Đăng Việt, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Ngoài những lớp mũi nhọn đáp ứng tốt thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì có tới gần một nửa số học sinh của khối 12 nằm trong diện cần chống trượt.
Căn cứ vào điểm thi thì Toán và Ngoại ngữ là 2 môn mà tỷ lệ có học sinh điểm liệt rất cao. Nhà trường đã lập ra 3 lớp chống trượt miễn phí. Sau khi thực hiện xong chương trình học chính khóa, học thêm đăng ký theo lịch thì những học sinh nằm trong diện này qua các đợt khảo sát sẽ được tập hợp lại. Các thầy cô cũng được tự nguyện đăng ký, từ ban giám hiệu đến các tổ trường, nhóm chuyên môn”.
Theo ông Việt, qua thống kê triển khai thì tỷ lệ học sinh “dính” điểm liệt là không còn. “Năm ngoái nhà trường chỉ 3 em bị trượt tốt nghiệp nhưng do gặp sự cố trong quá trình thi, còn lại đều vượt được tốt nghiệp. Năm nay nhà tường tiếp tục phát huy và xác định là một trong những biện pháp mang tính đặc thù với nhà trường”.
Qua quá trình theo dõi đánh giá từ đầu mỗi năm và trong kiểm tra thường xuyên cùng định kỳ, nhà trường sẽ phân loại và tách lớp. “Lớp chống trượt này tập hợp những học sinh các lớp khác nhau trong trường. Qua đánh giá của các giáo viên bộ môn để xác định nội dung dạy. Nhà trường xác định với những lớp này, ví dụ môn Toán chỉ xác định tập trung kiếm chắc 3-4 điểm để tốt nghiệp. Tức trong xây dựng quá trình ôn tập, giáo viên tập trung dạy đúng đối tượng, làm sao cố gắng để học sinh lấy chắc từng đó điểm, không mơ mộng ở những phần 8-10 điểm”.
Các lớp học này của trường sẽ diễn ra sau các tiết học thêm buổi chiều của toàn trường, thời gian học của lớp phụ đạo từ 16h20 đến 17h20. Học sinh sẽ đăng ký tự nguyện và phải được sự đồng ý của phụ huynh và hoàn toàn không phải đóng góp kinh phí nào từ phụ huynh, học sinh.
“Hình thức lớp chống trượt được bắt đầu thực hiện từ năm ngoái, khi đó trung bình mỗi lớp cũng có khoảng 30 học sinh. Thường lớp chống trượt bước vào giai đoạn cuối của ôn thi. Năm nay sau khi tiến hành thi thử THPT quốc gia lần 2 vào 31/3, có kết quả đối chiếu với kết quả lần 1 và đánh giá của từng giáo viên, sẽ thành lập các lớp chống trượt. Năm nay số học sinh thuộc diện cần tham gia các lớp chống trượt khoảng 100 em trên tổng số 252 học sinh khối 12.
Hiệu trưởng Đặng Đình Kỳ Trường THPT Nghi Lộc 5 (tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng đó là một trong những yếu tố giúp cho học sinh trường luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp từ 99,5-99,7%. Thậm chí, năm học 2016-2017, Trường THPT Nghi Lộc 5 là 1 trong 15 trường của Nghệ An không có học sinh trượt tốt nghiệp.
Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 (tỉnh Nghệ An) |
“Có thể có một số trường THPT cho rằng nếu một trường khi một trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 98-99%, hay trượt khoảng 5- 10 em có thể là chuyện bình thường. Nhưng chúng tôi xác định, với nhà trường tỷ lệ trượt tốt nghiệp đó không đáng là bao song xét ở góc độ một gia đình chỉ có 1 học sinh thì khác. Nếu các em trượt ảnh hướng đến danh dự, uy tín và tâm lý, lòng tự trọng và khiến tương lai bị chậm trễ. Vậy phải làm sao đó bằng mọi cách để động viên, dạy dỗ các em đạt được kết quả cao nhất”.
Hiện, trường đã khảo sát xong những học sinh trong diện có nguy cơ bị trượt tốt nghiệp bằng cách giao cho các giáo viên tập hợp danh sách, từ các giáo viên bộ môn. “Sau khi có danh sách đó, trong kế hoạch ngay trong đầu tháng 3 này, chúng tôi sẽ tổ chức phụ đạo thêm cho các em có nguy cơ trượt. Với những lớp chống trượt này, chúng tôi dạy hoàn toàn miễn phí cho các em theo kế hoạch hướng dẫn của các thầy cô. Tuy nhiên, trường cũng quy định các em phải tham gia đầy đủ như học chính khóa, những trường hợp vắng học nhà trường vẫn liên hệ thông tin tới gia đình để phối hợp”.
Theo ông Kỳ, số lượng khảo sat trung bình mỗi môn mỗi lớp năm nay từ 5 đến 10 em.
Với một giáo viên dạy 3 lớp, mỗi lớp 10 em thì có thể tạo nên lớp chống trượt tốt nghiệp 30 em. Sau đó cúng tôi gom lại lên lịch cụ thể phân công cho các giáo viên.
“Yêu càu chúng tôi đặt ra là những học sinh này không bị điểm liệt, sau đó nếu được có thể là giúp các em nâng cao điểm lên. Năm nay chúng tôi cũng xác định đề thi sẽ khó hơn nhiều so với năm ngoái. Những năm trước chỉ thi kiến thức lớp 12 đã có học sinh trượt tốt nghiệp thì năm nay thêm chương trình lớp 11 thì khó hơn.
Năm nay, Trường THPT Nghi Lộc 5 lên kế hoạch cho học sinh thi thử 4 lần. Trường đã thi thử lần 1 vào ngày 24-25/1. Và thực tế vẫn có những em bị trượt. “Chúng tôi đã xác định 6-7 em có nguy cơ trượt tốt nghiệp tức là thi thử có môn từ 2 điểm trở xuống, báo động nguy cơ dính điểm liệt là từ 1 trở xuống. Trên cơ sở thi thử đó nhà trường biết được thực trạng để điều chỉnh việc dạy và học cho hiệu quả”, ông Kỳ nói.