Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


TS Võ Trí Thành: Cần bỏ suy nghĩ 'giàu là nhờ gì đó bất thường'

Cho rằng nên mừng với sự xuất hiện của các tỷ phú, ông Võ Trí Thành tin những doanh nhân này sẽ biết cách đóng góp, chia sẻ của cải với tầng lớp nghèo.

Quan điểm này được Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu khi trao đổi với VnExpress.

 Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM. Ảnh: T.L

- Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới và Việt Nam có thêm 2 tỷ phú mới lọt vào danh sách này, đều ở lĩnh vực sản xuất. Ông nghĩ gì khi số lượng tỷ phú đang tăng nhanh chóng những năm gần đây?

- Tôi cho rằng con số tỷ phú USD ở Việt Nam chắc chắn không dừng lại ở số 4 như được ghi nhận, mà vẫn còn rất nhiều đại gia ẩn danh không muốn lộ diện. Xã hội ngày càng phát triển, sự xuất hiện của giới nhà giàu không phải là điều xa lạ. Tương tự với Việt Nam – một quốc gia đang phát triển, số lượng tỷ phú, đại gia tăng nhanh… cùng với tốc độ phát triển kinh tế là tín hiệu tích cực. Điều này phần nào thể hiện sự phồn vinh, phát triển của một quốc gia.

- Sự xuất hiện ngày càng nhiều người giàu ở Việt Nam là tín hiệu tích cực, song vẫn có sự phân cực giữa giàu - nghèo. Ông suy ngẫm gì về điều này?

- Xã hội phát triển nào cũng cần sự góp mặt của người giàu, nếu không xã hội khó đi lên. Ngược lại, người giàu cũng phải hiểu nếu để xã hội phân cực quá mạnh thì họ cũng khó phát triển được. Tốc độ gia tăng người giàu phải đi liền với xoá hố sâu ngăn cách ấy trong xã hội và thay đổi quan điểm "giàu là nhờ gì đó bất thường".

Thứ nhất, sự xuất hiện người giàu cũng đi liền với bất bình đẳng thu nhập giữa giàu, nghèo. Quan điểm của tôi bất bình đẳng đôi khi tốt nhưng cũng lại là rất tồi. Ở đây không phải là khoảng cách bất bình đẳng mà nguyên nhân đằng sau nó. Các doanh nhân, tỷ phú nắm bắt thông tin, cơ hội kinh doanh là đương nhiên, nhưng nếu họ tận dụng những cơ hội này cho mục đích tìm kiếm đặc quyền đặc lợi, thậm chí tham nhũng thì lại là vấn đề.

 Click vào ảnh để xem thêm chân dung 4 tỷ phú USD Việt Nam. Đồ họa: Tiến Thành.

Thứ hai là sự đóng góp của người giàu cho xã hội. Sự giàu có sẽ không bền vững nếu đại đa số dân chúng còn nghèo. Chúng ta hoan nghênh sự xuất hiện của những đại gia, tỷ phú ở Việt Nam và cũng cần cổ động họ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia. Sẽ có ích hơn khi của cải của đại gia, ngoài phục vụ lợi ích, nhu cầu cá nhân, quay trở lại phục vụ xã hội, chia sẻ với tầng lớp còn nghèo đói. Vì thế ngoài tập trung nguồn lực vào đầu tư, tiêu dùng…, người giàu có thể đóng góp cho cộng đồng thông qua việc rót vốn vào các lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế, nông nghiệp...

- Ông nghĩ sao về việc đã tới lúc xã hội nên có cái nhìn thiện cảm hơn với giới đại gia, tỷ phú, thay vì cái nhìn khắt khe như lâu nay?

- Tôi có nhớ lời một cựu quan chức từng nói, xã hội luôn quan niệm người giàu là người có "quyền". Cách nhìn của xã hội với người giàu cũng có cái lý của họ, mọi sự đều có nguyên nhân của nó.

Đằng sau sự giàu có, khoảng cách thu nhập, bất bình đẳng như tôi đề cập ở trên, thì đâu đó lối sống, cách sống của một số người giàu đôi khi khiến họ nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm, thậm chí phản cảm từ xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đã tới lúc xã hội cũng nên bớt khắt khe hơn.

- Vậy cần làm gì để kích thích sự đóng góp nhiều hơn của các đại gia, tỷ phú Việt vào sự thịnh vượng quốc gia?

- Trải qua hơn 30 năm phát triển, doanh nhân Việt Nam đã bước sang thế hệ thứ 5, có bước đi đáng kể cùng với nỗ lực cải cách của Chính phủ và coi kinh tế tư nhân là khu vực nòng cốt, quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Vài chục năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, nhưng lớn thực sự và đúng nghĩa thì tôi cho rằng vẫn chưa.

 Ông Võ Trí Thành cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có "danh", có vai trò nhưng vẫn trong giai đoạn "tập lớn". Ảnh: Nhật Minh.

Doanh số, lượng lao động lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách hàng năm… rất cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ để đánh giá doanh nghiệp đó đã “lớn”. Theo tôi, doanh nghiệp “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng lưới phân phối. Đây là những tiêu chí quan trọng đánh giá một doanh nghiệp đã trưởng thành, “lớn” thực sự hay chưa, hay chỉ đang trong giai đoạn “tập làm người lớn”.

Vì thế, doanh nghiệp Việt cần 3 điều, trước tiên là cách tạo lập các đơn hàng. Kế tiếp là phải được hỗ trợ một cách hợp pháp và cuối cùng là tính kết nối những doanh nghiệp sáng tạo khi mà mối liên kết này giữa các doanh nghiệp còn rất yếu.

Tôi vẫn nói rằng, có nhiều tiền thì tốt nhưng chưa chắc đã làm được lớn. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã có danh, có vai trò, nhưng câu chuyện sắp tới còn nhiều ngổn ngang.

Ở góc độ thể chế, dù đã có những thay đổi căn bản nhưng vẫn cần nỗ lực hơn từ tất cả các phía, bộ, ngành để chính sách đưa ra phù hợp với cam kết quốc tế và giúp họ tăng khả năng cạnh tranh…

- Ông nghĩ sao về các tỷ phú nói rằng không háo danh tỷ phú, không làm mọi thứ để nhận được danh xưng này?

- Tôi cho rằng phát biểu này rất chân thật và đáng trân trọng. Doanh nhân, đại gia họ làm giàu trước hết cho bản thân mình, nhưng xa hơn họ muốn đóng góp cho xã hội, giúp đất nước phát triển hơn. Vì thế nên có những tỷ phú khi đã thành công, họ đầu tư tiền vào các lĩnh vực phi lợi nhuận như giáo dục, y tế, nông nghiệp… Những mảng kinh doanh này có thể không giúp đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp, thậm chí thâm hụt, song họ vẫn làm bởi khát vọng “muốn làm gì đó cho xã hội, đất nước”.

Cốt lõi ở đây chính là sự chân thành. Soi vào giới doanh nhân, đại gia hay tỷ phú ở Việt Nam, mỗi người có quan điểm khác nhau, quan trọng là cách thể hiện bản thân qua lối sống, cách sống ra sao khiến họ được tôn vinh, tôn trọng. Đây là bài toán nghệ thuật không đơn giản và tất nhiên còn rất nhiều việc cần làm.