Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Hàng trăm thầy trò học tập trên nền móng chứa thuốc trừ sâu

Được xây dựng trên nền móng của một hợp tác xã với lượng thuốc trừ sâu lớn chôn phía dưới, khiến cho hàng trăm thầy cô và học sinh lo ngay ngáy khi hằng ngày phải học tập, công tác, đặc biệt là sử dụng nguồn nước tại trường.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/03/06/H__ng_tr__m_th___y_tr___h___c_t___p_tr__n_n___n_m__ng_ch___a_thu___c_tr____s__u.mp4[/presscloud]

Thời tiết thay đổi bốc mùi thuốc sâu

Thời gian gần đây, các thầy cô và học sinh trường THCS xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đang mong mỏi chờ kết quả từ cơ quan chức năng, để xác minh việc nguồn đất và nước tại đây có bị nhiễm thuốc trừ sâu hay không.

Bởi cách đây hàng chục năm, nơi đây là cơ sở của hợp tác xã Nghĩa Bình, trong đó có một dãy nhà để chứa thuốc trừ sâu, phân đạm và một số vật tư dùng cho cây trồng… Sau khi hợp tác xã giải thể, trường THCS xã Nghĩa Bình được xây dựng ngay trên nền cũ.

 Trường THCS xã Nghĩa Bình, nơi xảy ra sự việc.

Thầy Nguyễn Bá Thành, giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường THCS xã Nghĩa Bình cho hay, từ năm 2002 đã bắt đầu về dạy và có khoảng thời gian gần 10 năm sống ở ký túc xá đóng trong trường.

“Thực chất các lớp học không xây dựng trên kho thuốc sâu, mà địa điểm đó dùng để xây dựng dãy phòng cho các thầy cô nghỉ ngơi. Bình thường thì không ngửi thấy mùi gì đâu. Thế nhưng hôm nào thời tiết nắng mưa thất thường, mùi thuốc sâu lại nồng nặc bốc lên”, thầy Thành nói.

Theo thầy Thành, sợ nhất là vào những hôm trời nắng to, hay mưa nhiều, mùi thuốc trừ sâu bốc lên rất khó chịu, khiến nhiều giáo viên nữ bị choáng. Thậm chí, các lớp học cách đó một đoạn vẫn có thể ngửi thấy mùi thuốc này.

Có một thời gian dài vì cứ nghĩ do các hộ dân gần đó bơm thuốc trừ sâu dẫn đến mùi khí đó nên giáo viên và học trò chỉ biết cam chịu. Sau thời gian dài học tập ở đây, do dãy nhà xuống cấp nên tường ẩm ướt, ngấm nước, nền nhà cũng hư hỏng, khiến một số bao bì chứa thuốc trừ sâu bắt đầu lộ rõ.

 Thầy Thành (áo trắng) chỉ nơi chôn thuốc trừ sâu.

“Vào khoảng năm học 2007 - 2008, trong lúc học sinh lao động đào hố rác thì có phát hiện bao bì ghi rõ thuốc trừ sâu 666. Đào sâu xuống thêm thì thấy nhiều xác bao bì nữa, lúc này thuốc đã tan hết chỉ còn cái vỏ nên chúng tôi đã cho học sinh đào hố lấp lại. Biết có thuốc sâu trên nền đất này, các giáo viên đã báo cáo cho Ban giám hiệu và UBND xã”, thầy Thành nói.

Lo lắng cho sức khỏe của các giáo viên và học sinh, nhà trường đã xin chính quyền một phần đất khác xây dựng phòng ký túc xá. Đến năm 2010, các thầy cô được về nơi ở mới, cách xa nền đất thuốc sâu.

Riêng về nguồn nước, Ban giám hiệu cũng đã lắp hệ thống lọc nước để các học sinh dùng cho an toàn. Tuy nhiên, thầy trò vẫn lo ngay ngáy khi phải dạy và học trên nền đất của kho thuốc sâu.

"Sống chung với lũ"

Trao đổi về sự việc, thầy Võ Duy Dũng, trường THCS xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ cho biết trước đây nhà trường sử dụng một giếng cũ gần nơi chôn thuốc sâu, nhưng do thời tiết thay đổi nguồn nước xuất hiện váng lạ nên đã quyết định chôn lấp. Sau đó nhà trường đã khoan một giếng nước sâu khoảng 40 - 50m ngay trước cổng trường để phục vụ cho các học sinh.

“Tôi mới về đây công tác được 3 năm nhưng cũng nghe người dân và thầy cô giáo kể lại là trường được xây dựng trên một hợp tác xã cũ, có chứa thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, tôi đã phải lắp hệ thống lọc nước để các em sử dụng cho an toàn. Khi lấy nước từ giếng lên sẽ qua bể lọc, lắng cặn rồi mới để cho học sinh dùng”, thầy Dũng nói.

Theo thầy Dũng, việc để phát hiện nguồn nước có nhiễm độc hay không thì không nắm chắc, nhưng trước thông tin trên, mọi người vẫn lo sợ ảnh hưởng sức khỏe. Bởi việc phát hiện nguồn nước có nhiễm độc hay không, phải xét nghiệm mới biết, hơn nữa biểu hiện của những tác hại lên sức khỏe không phải ngày một ngày hai mà lâu dài.

Được biết năm học 2017 - 2018, trường THCS xã Nghĩa Bình có 309 em học sinh và 19 giáo viên. Dù biết là có mùi thuốc sâu sẽ ảnh hưởng không tốt, nhưng vì chưa có một kết luận chính thức từ cơ quan chức năng nên các học sinh và thầy cô đành phải “sống chung với lũ”.

 Bể nước mới xây của nhà trường.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình xác nhận, trường được xây dựng trên nền móng hợp tác xã cũ và nơi đây trước đó có để thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xác định được việc ô nhiễm ở mức nào.

“Thực chất người dân sống lâu năm ở đây ai cũng biết, nhưng chủ quan không nghĩ rằng trong lòng đất cũng có thuốc sâu. Ngoài ra, nhà trường đã đổ xi măng, trát nền vì vậy mùi thuốc cũng có giảm hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, vì sức khỏe của các học sinh nên chúng tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện Tân Kỳ về sự việc trên”, ông Bích cho hay.

Thầy Phạm Tân Phương, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ cho biết đã nắm được thông tin trên, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra biện pháp để giải quyết.

“Phòng chỉ có thể cấp cho trường ít ngân sách để lọc nước giếng khoan, còn việc di chuyển trường thì hơi khó vì liên quan đến nhiều ban ngành, tính ổn định của việc dạy học và đặc biệt là tài chính. Chỉ riêng vấn đề chuyển địa điểm mới cũng phải được UBND xã đồng ý mới có, nhưng việc này lại phải chờ kết quả xét nghiệm môi trường”, thầy Phương nói.

Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin sự việc!