Nhân viên 'hốt' 245 tỷ của khách: Ngân hàng giật mình, cho kiểm soát từ xa
- 08:16 03-03-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - nơi khách hàng Chu Thị Bình mới bị mất 245 tỷ đồng - vừa bổ sung dịch vụ thông báo biến động số dư tiền gửi, tiết kiệm có kỳ hạn qua tin nhắn SMS. Đại diện Ngân hàng Eximbank cho biết, dịch vụ này sẽ giúp khách gửi tiền kiểm soát số dư tiết kiệm trên từng tài khoản và phát hiện kịp thời các giao dịch bất thường.
Trước đó, sau vụ hàng loạt sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỷ đồng “bốc hơi” tại một chi nhánh ở Hải Phòng hồi năm ngoái, Ngân hàng Đại dương (OceanBank) cũng có động thái cho phép người gửi tiền tra cứu sổ tiết kiệm từ xa. Theo đó, khách hàng đã gửi sổ tiết kiệm tại OceanBank được ngân hàng khuyến cáo nên chủ động kiểm tra tình trạng sổ tiết kiệm của mình qua dịch vụ tin nhắn.
Không chỉ các ngân hàng đã xảy ra sự cố mất tiền mới tận dụng lợi thế công nghệ để bổ sung tính năng kiểm tra số dư sổ tiết kiệm mà nhiều nhà băng khác cũng chủ động bổ sung tính năng theo dõi sổ tiết kiệm từ xa.
Khách hàng có thể theo dõi tài khoản tiết kiệm của mình tại nhà mà không phải đến trực tiếp ngân hàng |
Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã công bố phương thức kiểm tra sổ tiết kiệm trực tuyến mới áp dụng cho những khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và không sử dụng ngân hàng điện tử. Theo đó, bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào, khách hàng chỉ cần truy cập vào website của Maritime Bank là có thể nắm rõ mọi thông tin cập nhật của sổ.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa thông báo cho phép khách tra cứu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến bằng tiện ích mới từ ngày 1/3. Người gửi tiền chỉ cần đăng ký thủ tục một lần tại bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng hoặc đăng ký trực tuyến trên trang web của Sacombank, rồi tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web.
Trước đó, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng đã triển khai dịch vụ cho phép quét mã QR code để tra cứu thông tin sổ tiết kiệm. Theo đó, mỗi sổ tiết kiệm TPBank phát hành sẽ gắn một mã QR mà khi tra cứu có thể đưa ra thông tin về tình trạng sổ tiết kiệm. Đây là dịch vụ dành cho khách hàng không sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet Banking hay Mobile Banking, SMS Banking,...
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, với việc điện thoại đã phủ sóng khắp nơi thì người dân nên sử dụng dịch vụ SMS Banking. Hoặc người dân cũng có thể sử dụng Internet Banking nếu thường xuyên làm việc trên máy tính.
Những sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’ Khách hàng khi gửi tiền ngân hàng nên tránh những sai lầm sau để cuốn sổ tiết kiệm không bị “bốc hơi” đáng tiếc: 1. Ký sẵn chứng từ 2. Không mở sổ tiết kiệm tại quầy 3. Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau 4. Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ 5. Thay đổi chữ ký liên tục |