Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ ám sát "rửa nhục" Trân Châu Cảng gây tranh cãi của người Mỹ

Đô đốc Isoroku Yamamoto - người lên kế hoạch cuộc tấn công Trân Châu Cảng đã bị Mỹ phục kích để trả thù. Vụ ám sát này đã dấy lên tranh cãi trong suốt hơn 60 năm qua.

 Trân Châu Cảng được coi là nỗi "ô nhục" đối với người Mỹ.

68 năm trước khi đội đặc nhiệm Mỹ phục kích thành công và giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden, Mỹ từng nổi tiếng với một nhiệm vụ ám sát khác.

Khi đó, mục tiêu của Mỹ không phải là khủng bố mà là một chỉ huy cấp cao của kẻ địch: Đô đốc Nhật Bản đã lên kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Động cơ của Mỹ rất đơn giản: trả thù cho cuộc tấn công lén của Tokyo.

Vào đầu năm 1943, Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng tư lệnh Hải quân Nhật, là một trong những người đàn ông bị ghét nhất nước Mỹ. Ông được mô tả như một “con quỷ châu Á” trong lốt đồng phục hải quân, kẻ phá hoại sự bình yên trong lúc nước Mỹ đang say ngủ.

Và khi người Mỹ nhìn thấy cơ hội trả thù vào tháng 4/1943, họ không hề do dự. Chiến dịch Báo thù được chính thức triển khai, theo National Interest.

Vào mùa xuân năm 1943, Nhật Bản rơi vào tình thế rối ren khi tàu chiến và máy bay nước này bị tổn hại nặng nề, trong lúc người Mỹ chiếm được đảo Guadalcanal.

Giữa tâm điểm chỉ trích về việc chỉ huy cấp cao không đến thị sát tình hình, Đô đốc Yamamoto quyết định có chuyến thăm tới đơn vị không quân, hải quân đóng trên đảo Bougainville, Nam Thái Bình Dương.

Ngày 13/4/1943, thông tin về lộ trình chuyến thăm của Đô đốc Yamamoto kèm theo số máy bay hộ tống được gửi tới các đơn vị liên quan qua tín hiệu radio quân sự để thực thi công tác hậu cần.

Tuy nhiên phía Mỹ dễ dàng giải mã tín hiệu radio mã hóa của Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đầy một ngày. Đô đốc Chester Nimitz, chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương chính thức ra lệnh thực hiện chiến dịch bắn hạ máy bay của Đô đốc Yamamoto.

Mặc dù vậy, đây không phải là nhiệm vụ hoàn toàn dễ dàng. Ngay từ lúc đầu, Mỹ đã băn khoăn trong việc lựa chọn thành phần tham gia chiến dịch. Các loại máy bay chiến đấu như F4F Wildcat và F4U Corsair đã bị loại bỏ do có tầm hoạt động ngắn, trong khi căn cứ không quân Mỹ gần đảo Bougainville nhất là hơn 600km,.

Chiến đấu cơ duy nhất đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ là Lockheed P-38G Lightning. Tuy nhiên ngay cả những chiếc P-38 cũng chưa phải là lựa chọn hoàn hảo nhất. Thậm chí còn tệ hơn khi Lightning không có hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm hoặc radar trên đất liền để định vị mục tiêu.

Ngoài ra, sẽ không dễ dàng cho bất kỳ chiếc máy bay nào lang thang đến Bougainville giữa các căn cứ quân sự dày đặc của Nhật Bản. Do đó, Mỹ sẽ chỉ có thể tấn công máy bay của Yamamoto khi đang có mặt ở một nơi nào đó theo lịch trình.

Bằng cách tính toán tốc độ của máy bay ném bom G4M Betty chở Yamamoto, tốc độ gió, đường bay được lựa chọn, và giả định rằng chiếc máy bay chở Đô đốc Nhật Bản sẽ đến đúng giờ, các cố vấn Mỹ ước tính kế hoạch đánh chặn sẽ diễn ra lúc 9h35 sáng.

Người Mỹ đã huy động 16 chiếc P-38 cho nhiệm vụ này, trong đó nhóm 4 chiến đấu cơ sẽ tập trung tấn công máy bay chở Yamamoto, trong khi những chiếc còn lại sẽ trấn áp đội bay hộ tống phíaNhật Bản.

 Đô đốc Isoroku Yamamoto.

Người Mỹ đến sớm trước thời gian ấn định chỉ một phút, lúc 9h34. Trong khi máy bay Nhật Bản đến đúng như dự định. Hai chiếc oanh tạc cơ Betty bay ở độ cao 1.300m gồm một chiếc chở Yamamoto và một chiếc còn lại chở Phó Đô đốc Matome Ugaki. Hai nhân vật này được hộ tống bởi tổ đội sáu máy bay A6M Zero.

12 chiếc Lightning có nhiệm vụ phong tỏa đội hộ tống vào vị trí và bay lên độ cao 5400m. 4 chiếc còn lại bắt đầu áp sát hai chiếc Betty, tuy nhiên phi công Mỹ vẫn không thể xác định được chiếc nào chở theo Yamamoto.

Máy bay Mỹ bắt đầu nã đạn vào chiếc Betty đầu tiên. Máy bay của Nhật nổi tiếng là dễ bị bắn cháy nên ngay sau đợt đạn đầu, động cơ bên trái bị hư hỏng và loạng choạng rơi vào rừng. Sau đó, chiếc Betty thứ hai, bị tấn công bởi ba chiếc P-38 cũng không thoát khỏi số phận bốc cháy và rơi xuống nước.

May mắn cho người Mỹ khi chiếc Betty đầu tiên đầu tiên rơi xuống rừng chở theo Yamamoto và toàn bộ phi hành đoàn lẫn đô đốc của Nhật đều thiệt mạng. Phó Đô đốc Ugaki ngồi ở chiếc Betty rơi xuống nước vẫn sống sót.

Một nhóm tìm kiếm người Nhật đã tìm thấy chiếc máy bay của Đô đốc Yamamoto. Sau đó, thi thể của Đô đốc và những người khác được hỏa táng và tro cốt được đưa trở về nhà.

Hài cốt của Yamamoto đã được đưa trở lại Nhật Bản vào tháng 5/1943 và một đám tang cấp nhà nước đã thu hút cả triệu người viếng thăm.

Đối với người Mỹ, sau sự phấn khích và hài lòng khi trả được mối thù đau trong quá khứ là cuộc tranh cãi kéo dài hàng chục năm về việc phi công nào là người bắn hạ máy bay của Yamamoto: Thomas Lanphier Jr. hay Lx. Rex Barber?

Vụ ám sát Yamamoto vẫn còn gây tranh cãi cho tới ngày nay. Nhưng nhiều nhà quan sát coi đây là hành động “hợp pháp” theo luật chiến tranh. Yamamoto bị giết chết khi Mỹ đang thực hiện một chiến dịch quân sự thuần túy.

Quân đội Mỹ coi đây là một chiến dịch quân sự thông thường mà không cần sự chấp thuận của tổng thống hay của Bộ Tư pháp. Đô đốc Nimitz đã cho phép bắn hạ và mệnh lệnh đã được thông qua bởi chỉ huy quân sự.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu trong thời đại ngày nay,không phải trong tình trạng chiến tranh, việc Mỹ ám sát một chỉ huy hàng đầu của một quốc gia đối nghịch sẽ gây ra một tình trạng căng thẳng quân sự lẫn ngoại giao nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến xung đột.