Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


“Kỳ phúc” cho làng Quỳnh

Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) là xã duy nhất ở tỉnh Nghệ An có lễ hội truyền thống này hàng trăm năm vào những ngày đầu tháng Giêng.

Thế nhưng qua các thời kỳ kháng chiến và nhiều nguyên nhân lễ hội không còn duy trì. Sau hơn nửa thế kỷ bị thất truyền, năm 2012 xã Quỳnh Đôi đã khôi phục Lễ hội Kỳ Phúc đặc sắc, một lễ hội vừa mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa tâm linh vừa có tính thời đại.

 Đền Thần Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Ảnh: Phan Văn Toàn

Theo sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, NXB Văn học ấn hành năm 2006, từ trang 81 đến 86 nói về lễ hội Kỳ Phúc khá chi tiết. “Lễ hội Kỳ Phúc nguyên là Tế Kỳ Phúc - một lễ tế phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ nước ta. Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ Xuân, Thu có một tuần đại tế gọi là Tế Kỳ Phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an…”

Chữ Kỳ được hiểu là việc làm định kỳ, thường niên vào thời gian nhất định. Chữ Phúc có nghĩa là "điều tốt lành" hoặc "việc may mắn".

Lễ hội Kỳ Phúc ở Quỳnh Đôi cầu mong cho người người may mắn, hạnh phúc trong năm mới, sâu xa hơn là sự đồng tâm hợp lực, đoàn kết cộng đồng. Lễ hội được tổ chức tại đền Thần và sân đình làng với hai hoạt động chính gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm 6 lễ: Lễ khai quang - lễ cáo yết, lễ rước kiệu, lễ tạ, lễ cầu an, lễ dâng hương, lễ tất. Lễ tế tổ chức trang nghiêm, thành kính thực hiện theo nghi lễ truyền thống giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa. Lễ rước từ đền Thần về đình làng diễn tả nét đẹp phong tục tập quán truyền thống của quê hương, biểu dương sức mạnh cộng đồng.

 Ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng Mậu Tuất 2018, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, quê hương Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương tổ chức lễ hội Kỳ Phúc lần thứ 3 gắn với lễ kỷ niệm 640 năm thành lập làng. Ảnh: Phan Văn Toàn

Văn tế lễ Kỳ Phúc tại đền Thần năm 2012 có đoạn: “Hôm nay đất nước đổi mới, quê hương Quỳnh Đôi no ấm thanh bình nhớ ơn công đức trời biển của người xưa, con cháu Quỳnh Đôi xin nguyện tâm theo lời dạy của tổ tiên giữ gìn di sản văn hóa để tiếng thơm làng Quỳnh được lưu truyền mãi mãi về sau, phát huy truyền thống hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo để Quỳnh Đôi sánh vai cùng các địa phương làng, xã làm rạng danh đất nước”.

Nét đặc sắc của phần lễ chính là nội dung diễn xướng treo thư họa danh ngôn đặc sắc ca ngợi về Quỳnh Đôi. Đặc biệt, phần diễn xướng treo chữ “Quỳnh” nhắc tới truyền thống hiếu học, lịch sử đỗ đạt và nghề làm thầy của làng Quỳnh. Phần hội vừa mang tính dân gian vừa có tính hiện đại, các tầng lớp nhân dân, du khách đều có thể tham gia như các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian.

Những ngày diễn ra lễ hội truyền thống của làng, nhân dân trong xã cũng như con em của quê hương đang học tập, công tác, làm việc khắp mọi miền đất nước và du khách thập phương có điều kiện về hội tụ bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ cha ông đã có công khai cơ lập làng. Sau Lễ Kỳ Phúc của làng, từ ngày mùng Mười đến Rằm tháng Giêng, hơn 40 dòng họ trong làng sẽ lần lượt tổ chức Lễ Tế đầu xuân mới tại các nhà thờ họ. Lễ tế họ sớm nhất vào sáng ngày mồng 10 là họ Phan mà cụ tổ là con rể của cụ Hồ Hân.

 Rước kiệu lễ hội Kỳ Phúc quanh làng. Ảnh: Phan Văn Toàn

Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi - ông Phan Đình Hiền cho biết: “Sau hơn 50 năm bị thất truyền (1952 đến 2011), từ năm 2012, xã Quỳnh Đôi được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam giúp đỡ đã tổ chức thành công phục dựng Lễ hội Kỳ Phúc vào ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng. Từ đó lễ hội này duy trì 2 năm 1 lần và lễ rước kiệu từ đền Thần về đình làng thực hiện thường xuyên hàng năm”.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đi lên từ văn hóa. Lễ hội Kỳ Phúc độc đáo đầu xuân ở Quỳnh Đôi là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong xã và du khách thập phương, hướng tới xây dựng thành điểm du lịch văn hóa làng xã trên địa bàn này.