Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sinh nhật tuổi 18 của con trai ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa

Công việc buôn bán phát đạt, mỗi ngày xuất đi hàng trăm lượng vàng nhưng ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa luôn chú trọng rèn các con tính tự lập.

Xem video: Ông Ngọc Giao chia sẻ về biệt thự hơn 70 năm của gia đình

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2018/03/01/sinh_nhat_1_3_18.mp4[/presscloud]

Vào những năm 40 của thế kỷ trước, người dân Hà Nội nói chung và người Hàng Bạc nói riêng đều biết đến công việc buôn bán tấp nập của một hiệu vàng có tên Vàng Sư Tử.

Tại đây, có giai đoạn, ông Phạm Ngọc Giao (SN 1941) - con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng cho biết, mỗi ngày, gia đình ông đóng gói hàng trăm lượng vàng để xuất khẩu và bán buôn cho các chủ hàng ở Hà Nội.

 Căn nhà vườn ở phố Hàng Bạc là nơi ở của gia đình ông chủ hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng Hà Nội một thời.

Chính vì công việc buôn bán đắt khách nên bố mẹ ông Giao từng được biết đến là những người có của ăn của để ở khu phố.

“Giúp việc cho gia đình tôi là 10 gia nhân. Bố tôi có ô tô riêng và chúng tôi được sử dụng điện thoại, tủ lạnh từ những năm 40” - ông Giao kể về sự giàu có một thời của bố mẹ mình.

Tuy nhiên, theo lời ông Giao, cuộc sống của bố mẹ ông khá giả là vậy nhưng các cụ luôn rèn cho các con tính tự lập để có thể đứng vững trước mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

“Mỗi dịp lễ Tết, sinh nhật hay khi các con đạt được thành tích cao trong học tập, bố mẹ đều dẫn chúng tôi đi chơi và cho chúng tôi được chọn mua món đồ mình thích. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được chọn tối đa 2 món vì bố mẹ tôi quan niệm, 2 là số nhiều. Và con người thì không được tham. Nếu muốn mua nhiều hơn 2 món, tôi phải tự kiếm tiền để mua”- ông Giao cho biết.

Chính vì quan điểm đó của bố mẹ nên ngay từ những năm học cấp 2, cấp 3 ông Giao đã phụ giúp bố mẹ công việc kinh doanh. Ngoài ra, ông Giao nói, ông còn đi đóng gạch thuê để kiếm tiền. Số tiền kiếm được, bố mẹ để ông tự ý sử dụng theo nhu cầu và tính toán của bản thân.

“Đến năm thi đại học, bố mẹ cũng để chúng tôi được tự do lựa chọn chuyên nghành mà mình yêu thích. Trước khi đi thi, ông cụ dạy tôi phải có bản lĩnh, giữ tâm thế thoải mái lúc bước vào kỳ thi. Ông cụ nói, ông cụ cho phép chúng tôi được thi hai lần. Nếu sau 2 lần vẫn không đỗ thì chúng tôi phải đi làm, kiếm tiền rồi tự tìm cách học lên. Thế nhưng chúng tôi đều chỉ thi 1 lần là đỗ”- ông Giao nhớ lại.

 Ông Phạm Ngọc Giao nhớ lại những kỷ niệm của gia đình

“Sinh nhật năm 18 tuổi - độ tuổi đánh dấu sự trưởng thành cũng là lúc tôi phải thể hiện tính tự lập của mình rõ nhất”- ông Giao nói tiếp.

Theo lời ông Giao, trong ngày sinh nhật đó, bố ông đưa ông ra hiệu phở. Sau đó, ông cụ cho phép ông được uống 1 cốc cafe phin rồi đưa ông đi mua 1 chiếc mũ, 1 chiếc áo mưa.

“Mua xong, ông cụ nhìn chiếc xe đạp đã cũ của tôi rồi lại nhìn tôi và bảo: “Bố sẽ mua cho con một cái mới thay cái này. Từ mai trở đi, con đã là người trưởng thành. Con phải cố gắng thi vào trường con chờ đợi. Nếu con không thi đỗ thì con hãy đi làm. Kiếm được tiền, con nhớ đưa về cho mẹ 18 đồng đóng tiền cơm, còn bao nhiêu con cứ để lại chi tiêu. Và từ nay về sau, con phải dùng tiền con kiếm ra được đó để mua sắm, bố không sắm thêm nữa đâu” - ông Giao chia sẻ.

Sau đó 1 thời gian, bố mẹ ông Giao không bán vàng nữa. 8 anh chị em của ông đều theo nghiệp riêng. Ông Giao thi đỗ đại học Bách Khoa, rồi theo nghành Hệ thống điện. Nhiều năm sau, ông học thêm nghề y và trở thành thầy thuốc.

“Cuộc đời của tôi và các thành viên trong gia đình đều đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn đứng vững để phát triển và giữ được tâm thế an bình bởi bố mẹ đã dạy cho chúng tôi bản lĩnh và cách sống tự lập.

Vậy nên, khi có con, tôi cũng dạy các con những đặc tính này. Nếu đứa trẻ bị ngã, tôi muốn cháu phải tự đứng dậy chứ không thể ỷ lại vào người khác. Có như vậy, các cháu mới có thể đứng vững giữa những giông bão của cuộc đời” - ông Giao trải lòng…