Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông bố đơn thân ở Hải Dương quyết định hiến tạng sau biến cố hôn nhân

Anh Tạ Tuấn Anh 27 tuổi đăng ký hiến tặng những bộ phận trên cơ thể mình sau khi qua đời.

Sáng mùng 8 Tết, Tuấn Anh đưa một người bạn thân từ Đà Nẵng đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép mô tạng ở Bệnh viện Việt Đức để làm thủ tục đăng ký hiến tạng. Là người đi trước, anh tỏ tường đường đi nước bước. Chỉ mất vài phút hướng dẫn, người bạn của anh đã có tấm thẻ đăng ký hiến mô tạng trên tay để kịp chuyến bay về quê nhà.

Bước khỏi cửa Trung tâm, Tuấn Anh nói vậy là anh đã có "lộc" đầu năm. "Lộc" của anh chính là góp phần mang lại sự sống cho nhiều người khác.

Công việc tài xế của Tuấn Anh vốn vất vả, chẳng có nhiều thời gian rảnh. Thế nhưng, ông bố này vẫn dành ra 5 phút sau bữa sáng, 10 phút trước giờ ngủ hay tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ làm việc để chia sẻ những việc làm ý nghĩa, những hoạt động của câu lạc bộ thiện nguyện mà anh tham gia để vận động mọi người hãy hiến tạng.

"Thay vì để thân xác mục rữa hay thành một đống tro khi chết đi, thì tôi sẽ lựa chọn hiến thân xác cho mọi người để họ có cơ hội sống", Tuấn Anh nói.

 Tuấn Anh (phải) đưa bạn thân đi đăng ký hiến mô tạng. Ảnh: T.A.

Quyết định hiến tạng của Tuấn Anh đã có từ rất lâu. Từ khi hôn nhân đổ vỡ, một mình gà trống nuôi con 4 tuổi, anh càng thấm thía tình yêu thương giữa con người với con người. Đặc biệt, tham gia câu lạc bộ "sẻ chia sự sống" ở Hà Nội, được anh Lê Trung, người sáng lập câu lạc bộ truyền lửa, cùng thực hiện các công việc thiện nguyện. Những chuyến đi đến Trại phong Đá Bạc nấu cơm cho các cụ già, thăm cô nhi nhi viện Thánh Tâm, Tết ấm tình thương..., giúp anh càng thấu cảm được những việc làm thiện nguyện của bao người. Mong muốn góp một phần trong bao việc lớn lao ấy, Tuấn Anh quyết định đến Trung tâm điều phối quốc gia để đăng ký hiến mô, tạng.

Ngồi đối mặt với bố mẹ và chị gái, Tuấn Anh chia sẻ quyết định ấy của mình. Cha mẹ anh ngồi trầm ngâm sau câu nói "con sẽ hiến tạng sau khi chết". Một lúc sau, mẹ anh nhìn anh đáp: "Con làm gì mà bản thân cảm thấy đúng đắn và sau này không hối hận là được. Con đã làm bố, đủ trưởng thành để quyết định cuộc đời mình. Bố mẹ luôn ủng hộ con".

Được gia đình ủng hộ, ngay hôm sau anh cùng cậu con trai nhỏ đến Trung tâm điều phối quốc gia để làm thủ tục đăng ký hiến tạng. Nhìn cậu con ngây ngô khi nghe bố nói chuyện, anh biết nó còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của việc này. Nhưng, anh tin rằng, khi lớn lên con sẽ tự hào về việc làm của bố và chắc chắn bố sẽ là nguồn cảm hứng để cậu bé noi gương.

Ông bố đơn thân đã tích vào tất cả các mục có thể hiến được như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... sau khi chết não. "Tôi đã quyết định từ lâu rồi, nên đến làm thủ tục rất nhanh và ký tên ngay mà chẳng phải suy nghĩ gì thêm", Tuấn Anh chia sẻ.

Cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay, Tuấn Anh không quên truyền lửa cho người khác. Một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Tuấn Anh mong muốn mọi người thấu hiểu và cùng vận động nhiều người khác tham gia thực hiện công việc ý nghĩa này.

Khó khăn nhất trong ghép tạng đối với các bác sĩ Việt Nam không phải kỹ thuật mà là nguồn hiến tạng khan hiếm. Hiện nay, cả nước khoảng 5.000 người có nhu cầu ghép thận và hàng nghìn người chờ ghép gan, tim. Theo số liệu của Hội Gan mật Việt Nam, một năm có hơn 20.000 người chết vì ung thư gan và viêm gan. Thế nhưng mỗi năm các bệnh viện lớn chỉ có thể thực hiện ghép được khoảng 100 ca thận và tim, còn ca ghép gan thì đếm trên đầu ngón tay.

Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).