Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bến… không chồng

Định kiến 'không chồng mà chửa' vẫn còn khá khắc nghiệt ở một số địa phương, buộc nhiều cô gái phải trốn gia đình tìm đến các nhà tạm lánh. Nhiều năm qua, nơi đây như bến đỗ an toàn của họ.

 Chuẩn bị bữa cơm chiều ở nhà tạm lánh Mai Tiến (ảnh: Lam Ngọc)

Chiều tàn, con hẻm nhỏ bên hông giáo xứ Tây Hải (KP.4, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vắng tanh. Đi qua một khúc đường vắng, hai bên là những nấm mộ hài nhi bị bỏ rơi được người từ tâm nhặt về chôn cất, chúng tôi mới tới được nhà tạm lánh Mai Tiến.

Khu nhà đơn sơ khoảng hơn chục phòng, có bếp chung, khu sinh hoạt cá nhân, ít tiếng chuyện trò. Đây là bến tạm của gần 30 phụ nữ “không chồng mà chửa”. Ở đây, họ cùng chia sẻ nỗi đau, giúp nhau vượt qua tủi hờn. Không ít cô gái đã mạnh mẽ vươn lên làm lại cuộc đời ngay bến tạm đó.

Làm mẹ từ thuở… 13

Nghe tiếng người lạ, nhiều phụ nữ ôm bụng bầu vượt mặt tìm chỗ núp. Sau một hồi ngấp nghé, chắc chắn những người đến không có ai quen, họ mới trở lại công việc dang dở là bọc vỏ kẹo lấy tiền nuôi thân. Một số khác lặt rau, chuẩn bị bữa cơm chiều. Nguyễn Thị Xuân (17 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) là người trẻ nhất ở đây. Xuân có bạn trai 16 tuổi.

Vì không có kiến thức tránh thai nên đôi trẻ đã để có bầu, khi vỡ lở cái thai trong bụng em đã ở tháng thứ 6. Nếu phá sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên cô bé được gia đình gửi vào nhà tạm lánh Mai Tiến để chờ sinh. Dù sắp làm mẹ nhưng gương mặt Xuân vẫn còn rất ngây thơ, em nói: “Mẹ con bảo sinh xong sẽ cho đứa bé vì không có ba, sau này nó cũng khổ; vả lại con còn phải lấy chồng. Nếu họ biết có con riêng thì cuộc sống sẽ rất khó khăn”.

Mới tới nhà tạm lánh hơn một tháng, cùng ăn, ở và chứng kiến nhiều bà mẹ khác dằn vặt, đau khổ Xuân thấy sợ. Em bảo, sau này có thế nào thì những ngày tháng sống ở đây cũng khó xóa được trong ký ức của mình.

Trước Xuân, nhà tạm lánh Mai Tiến từng tiếp nhận những bà mẹ ở tuổi 13 - 14. Ông Nguyễn Văn Tịch (Trưởng ban Bảo vệ sự sống giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai) vẫn nhớ như in câu chuyện của T. (13 tuổi). Em bị chú ruột và ông nội hiếp dâm dẫn đến có bầu.

Khi xét nghiệm DNA, đứa bé được xác định là của ông chú nhưng cô bé lại nói là của ông nội. Trong khi những người lớn còn đang đùn đẩy tội lỗi cho nhau thì cái thai trong bụng cô bé ngày càng lớn. Không có ba mẹ bên cạnh bởi họ đã ly hôn và có tổ ấm mới, gia đình ông nội là nơi em ở đã chẳng còn an toàn. Giải pháp cuối cùng là T. phải vào nhà tạm lánh. Tại đây, dù được mọi người giúp đỡ cả về tâm lý và sức khỏe nhưng em hoàn toàn thiếu vắng sự săn sóc của những người thân.

Làm mẹ ở tuổi 13 nên T. chưa thể quyết định vận mệnh của đứa con do mình sinh ra bởi ngay chính bản thân em cũng chưa biết tương lai sẽ thế nào. Ông Nguyễn Văn Tịch cho biết: “Khi T. nhìn con rõ ràng đó là ánh mắt của một người mẹ, chan chứa tình thương và rất nhiều cảm xúc. Dù vậy cuối cùng vẫn phải cho đứa trẻ vì em không đủ điều kiện nuôi nó”.

 

Cuộc chạy trốn lúc 3 giờ sáng

Từ nhiều vùng miền đất nước, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung nguyện vọng là muốn giữ lại đứa con trong bụng.

Tối 15.12.2017, hàng chục người ở nhà tạm lánh Mai Tiến lặng lẽ thu xếp cho mẹ con chị Phan Thu Hà (21 tuổi, ngụ Đồng Nai)… đi trốn. Lý do là người nhà bắt chị bỏ thai và đã phát hiện ra nơi ở của chị. Họ đe dọa nếu chị không bỏ thai, họ sẽ lên tận nhà tạm lánh quậy phá. Vì muốn giữ lại đứa con nhưng sợ ảnh hưởng tới những thành viên khác nên chị và đứa con mới sinh chưa rụng rốn được đưa lên xe chạy về một địa chỉ khác lánh nạn. Chị Hà tâm sự: “Con tôi mới sinh vài ngày, lại sinh non nên rất yếu. Khi ôm con vào lòng tôi đã nghĩ không cần chồng, chỉ cần có nó tôi sẽ có đủ nghị lực sống tốt để bảo vệ con”.

Cũng trong ngày chúng tôi đến, chị Trần Thị Nguyệt vẫn còn vẻ mặt phờ phạc mệt mỏi đang đút cho con ăn. Chị là một trong những thành viên đặc biệt nhất nhà tạm lánh Mai Tiến bởi chị mắc chứng động kinh từ nhỏ, ngày nào cũng phải uống thuốc. Khi phát hiện có thai, bạn trai chị “quất ngựa truy phong” bỏ mặc chị với cái bụng bầu và những cơn động kinh hành hạ. Nhiều người khuyên chị bỏ thai, nhưng với chị đứa con là cả tình yêu và cũng là tài sản duy nhất chị có. Bởi thế, chị trốn vào nhà tạm lánh.

Cũng nhờ sự cương quyết đó mà giờ chị Nguyệt có một cậu con trai kháu khỉnh, trí não hoàn toàn bình thường. Trong hai năm ở lại nhà tạm lánh, mỗi ngày trôi qua với chị là cả một thử thách bởi khi phát bệnh chị không kiểm soát được bản thân. Hiện tại, mẹ chị đã lên ở cùng để đỡ đần chị nuôi con. Lúc tỉnh, chị nhìn con âu yếm: “Con là tương lai duy nhất mà tôi có”.

Mong được chấp nhận

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý làm mẹ đơn thân nhưng nhiều cô gái vẫn nuôi hy vọng gia đình nghĩ lại, người yêu chấp nhận đón họ quay về. Gương mặt héo hon vì bầu bì ở tháng thứ 7, chị Võ Hồng Quỳnh (29 tuổi, quê Đắk Lắk) đượm buồn: “Chuyện sinh con một mình bây giờ cũng không hiếm nhưng ở quê tôi điều đó vẫn luôn là nỗi xấu hổ. Vì sợ ba mẹ không còn mặt mũi khi con gái “chửa hoang” nên tôi tới đây nương nhờ”. Dù vẫn luôn tỏ ra lạc quan nhưng thực tâm chị vẫn mong một ngày người từng yêu chị sẽ nghĩ lại: “Hôm trước anh ấy gọi điện bảo bỏ thai thì anh ấy sẽ xuống đón về nhưng tôi từ chối. Anh ấy bảo cho anh thời gian và tôi vẫn đang đợi”.

Trên thực tế, nhờ sự kiên trì, quyết tâm giữ lại đứa con là kết quả của tình yêu thật sự, nhiều cô gái đã hái được quả ngọt. Lê Thị Cúc (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) phải chạy trốn để không bị ép bỏ thai. Trong thời gian đó cô vẫn liên lạc với ba của chàng trai đã làm cô mang bầu. Cuối cùng niềm vui đã đến, sau bốn tháng sống tạm bợ, cô được gia đình bạn trai lên tận nơi đón về và làm đám cưới. Cô nói: “Con tôi giờ đã hai tuổi. Bé là cháu đích tôn của gia đình chồng. Nếu ngày đó tôi yếu lòng nghe theo người yêu bỏ đi đứa con thì có lẽ bây giờ tôi và cả anh sẽ phải ân hận”.

Chữa lành vết thương lòng 

Cùng cảnh ngộ, nên chị Nguyễn Mai Hoa (37 tuổi, quản lý nhà tạm lánh Mai Tiến) rất thông cảm và tận tình giúp đỡ chị em. Mỗi cô gái tới nhà tạm lánh đều được chị xoa dịu tư tưởng, giúp họ yêu bản thân và không tự trách mình.

Phương châm của nhà tạm lánh là bằng mọi cách vận động để mẹ giữ lại con. Đứng trước một cô gái trẻ muốn cho con, chị không cản mà chỉ nói: "Em hãy bế con, nếu không có tình cảm thì giao cho chị. Còn nếu có thì cứ ở với con vài ngày rồi suy nghĩ kỹ”. Sau vài ngày bén hơi, nhiều cô gái đã quyết định giữ lại con.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)