Chiếc thang không thể di chuyển ở thánh đường Jerusalem
- 07:33 28-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm bên dưới một trong những cửa sổ vòm của nhà thờ Mộ Thánh (Church of the Holy Sepulchre) ở phố cổ Jerusalem, một chiếc thang gỗ cũ dựng dựa vào tường. Mới nhìn, nhiều người nghĩ nhà thờ đang phải sửa chữa và một công nhân nào đó đã đặt cầu thang ở đấy. Tuy nhiên chiếc thang đã nằm đó lâu hơn bạn tưởng rất nhiều.
Chiếc thang ở bên phải trong bức hình chụp nhà thờ Mộ Thánh năm 2017. Ảnh: Gary Bembridge/Flickr. |
Mọi người có thể phát hiện ra chiếc thang kỳ lạ đó ở những bức ảnh chụp nhà thờ Mộ Thánh vào nhiều thời điểm khác nhau. Ảnh chụp có thể cách cả 10 năm tới vài chục năm trước nhưng chiếc thang vẫn chỉ nằm ở một vị trí.
Thực tế chiếc thang xuất hiện ở mỗi bức ảnh chụp nhà thờ. Trước cả khi có nhiếp ảnh, nó còn có mặt trong những bức phác thảo, tranh vẽ và tranh khắc gỗ. Thực sự chiếc thang đã là một phần của tòa nhà ít nhất 3 thế kỷ nay.
Không ai biết chắc làm sao chiếc thang được đem lên đặt ở đó và khi nào. Những gì mọi người có thể tìm hiểu và biết được là nó ở đó khoảng năm 1728 - từ dữ liệu của một bức tranh khắc gỗ cổ về nhà thờ Mộ Thánh.
Tài liệu viết đầu tiên nhắc tới chiếc thang lại không có nhiều, và chỉ có từ khoảng 30 năm trước. Nhiều người cho rằng chiếc thang được đặt ở đó bởi một thợ nề làm việc sửa chữa nhà thờ. Tuy nhiên, họ lại đặt ra câu hỏi, tại sao không mang chiếc thang xuống khi đã xong việc?
Hình chụp năm 1987. Ảnh: Barbara Ann Spengler/Flickr. |
Ở vùng đất Thánh này các tôn giáo khác nhau như Hồi giáo, Do Thái giáo hay Kito giáo cùng tồn tại. Việc quyết định tôn giáo nào cai quản khu vực nào là nguyên nhân diễn ra hàng loạt xung đột trong nhiều thế kỷ qua ở Jerusalem.
Vào thế kỷ 18, thời đế quốc Ottoman do vua Sultan Osman III trị vì đã buộc phải thỏa hiệp và ra lệnh ai đang kiểm soát một địa điểm nhất định sẽ tiếp tục kiểm soát nơi đó vô thời hạn. Tuy nhiên nếu nhiều tôn giáo cùng muốn kiểm soát một nơi thì họ phải đồng thuận với các thay đổi dù là nhỏ nhất. Ban đầu Jerusalem do Hồi giáo kiểm soát, tiếp tới Do Thái giáo nhưng phần lớn vùng đất này nằm dưới sự ảnh hưởng của Kito giáo. Dù có nhiều đổi thay về chính trị ở đất Thánh Jerusalem, tình trạng này vẫn duy trì.
Nhà thờ Mộ Thánh mang ý nghĩa rất quan trọng đối với những người theo Kito giáo. Nó được xây dựng vào cuối thế kỷ 4 tại nơi được cho là Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá, được mai táng và sau đó là sống lại. Mỗi tín đồ Kito giáo đều muốn khẳng định điều này. Khi đó có nhiều nhóm Kito giáo đều muốn giành quyền kiểm soát nhà thờ nhưng họ không thể nhất trí được việc làm gì với chiếc thang trên nhà thờ.
Theo nhiều nguồn tin khác, những khung cửa thuộc về những người Armenia nhưng nơi chiếc thang được đặt lại thuộc về Chính thống giáo Hy Lạp. Người Armenia thường đặt thang dưới cửa sổ để ra phía gờ tường bên ngoài xem những buổi lễ ở quảng trường phía trước nhà thờ. Người Armenia cũng dùng gờ tường để kéo dây đựng thức ăn, đồ tiếp tế gửi đến cho họ. Điều này lại xúc phạm tới người Hy Lạp, tuy nhiên họ không biểu tình vì tình trạng đã được thiết lập và chiếc thang đã được đặt tại đó.
Một bức ảnh cũ chụp nhà thờ Mộ Thánh vào khoảng 1895. Ảnh: Amusing. |
Ngày nay, chiếc thang đã không còn tác dụng gì. Nó chỉ là một biểu tượng về những thay đổi kéo dài và sự phân chia trong Kito giáo. Nhiều người cho rằng chiếc thang khiến mọi người nhớ lại nhà thờ Mộ Thánh từng thuộc về các tôn giáo khác nhau chứ không chỉ của riêng ai. Với số khác, chiếc thang chỉ là một biểu hiện về hành động ngu ngốc của con người.
Trong vài chục năm trở lại đây, có nhiều nỗ lực được thực hiện để cố di chuyển chiếc thang đi. Năm 1981, một người đã ăn cắp chiếc thang và nó biến mất một thời gian ngắn. Cảnh sát địa phương đã sớm tìm thấy chiếc thang và trả nó lại vị trí cũ, mà thủ phạm không thể tìm ra. Vào năm 1997, chiếc thang bị mất tích khoảng vài tuần trước khi tìm thấy. Năm 2009, nó lại bị di dời, lần này là để nhường chỗ cho giàn giáo trong thời gian cải tạo tháp chuông của nhà thờ Mộ Thánh.