Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tổng thống Hàn Quốc đối mặt bài toán giữ lửa với Triều Tiên hậu Olympic

Duy trì quan hệ nồng ấm mới nhen nhóm với Triều Tiên là nhiệm vụ khó khăn mà ông Moon Jae-in phải thực hiện sau Olympic.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự lễ bế mạc Olympic Mùa đông ngày 25/2. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực rất nhiều để làm tròn trọng trách của một người hòa giải tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018, đưa đoàn vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành trong lễ khai mạc Olympic, cố gắng không mệt mỏi thúc giục các quan chức đến từ Bình Nhưỡng và Washington đối thoại.

Nhưng Thế vận hội đã kết thúc vào tối qua, tinh thần phấn chấn Olympic dần hết, Tổng thống Moon giờ đây chắc chắn sẽ phải đối diện hàng loạt khó khăn nhằm giữ lửa cho mối quan hệ mới chớm nồng ấm với Triều Tiên, theo New York Times.

Khó khăn đang bủa vây Tổng thống Moon khi ông cố gắng hiện thực hóa hai mục tiêu quan trọng: Xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên hậu Olympic, đồng thời ngăn chặn nguy cơ rạn nứt liên minh với Mỹ, bên vẫn tiếp tục duy trì chiến lược gây sức ép tối đa buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.

Tổng thống Hàn Quốc có thể nhìn thấy cơ hội hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên từ đề nghị bất ngờ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhưng để thực hiện được chương trình nghị sự này, ông Moon phải vượt qua thách thức khó khăn là thuyết phục Mỹ cho ông một cơ hội. Hình ảnh Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và cô Kim Yo-yong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, không nhìn mặt nhau tại lễ khai mạc Olympic dù chỉ ngồi cách nhau vài hàng ghế là minh chứng rõ nhất cho thấy khoảng trống ngờ vực quá lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng.

 Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Mỹ, hôm 24/2 ngồi cùng Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook theo dõi trận chung kết bộ môn trượt ván tuyết của Olympic. Ảnh: New York Times.

Hôm 24/2, tại cuộc gặp với Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Moon đã bày tỏ ông muốn cải thiện quan hệ "song song" với nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định khi Olympic kết thúc, ông Moon sẽ rơi vào cảnh bồn chồn chờ đợi xem đến lúc nào cái gọi là đòn tấn công quyến rũ của Triều Tiên kết thúc.

"Hàn Quốc và Triều Tiên dùng Olympic để tác động lẫn nhau", ông Yoo Dong-ryul, giám đốc Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc có trụ sở ở Seoul, nhận xét. "Hàn Quốc khao khát xoa dịu căng thẳng. Triều Tiên muốn làm mềm hình ảnh và làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế. Bài toán khó nhất dành cho Tổng thống Moon là khi Olympic kết thúc".

Không có bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên "cuối cùng sẽ trở lại chế độ khủng hoảng như trước Olympic", ông Yoo nói.

Đến nay, Washington và Bình Nhưỡng dường như vẫn không thể nói chuyện. Phái đoàn Triều Tiên từng hủy cuộc gặp với Phó tổng thống Mỹ vào phút chót vì lời chỉ trích của ông nhằm vào Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân và nhân quyền.

Theo giới quan sát, Triều Tiên muốn thế giới công nhận họ là một cường quốc hạt nhân và giành được những nhượng bộ về kinh tế để đổi lấy việc không tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. Nhưng Mỹ khẳng định sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ cuộc thảo luận nào với Triều Tiên cũng như không nới lỏng trừng phạt nếu Bình Nhưỡng chưa từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Quan điểm khác biệt với Mỹ

Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Trump thông báo về lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt nhất nhằm vào Triều Tiên và cảnh báo nếu chúng không phát huy tác dụng, Mỹ sẽ bước vào "giai đoạn hai", ám chỉ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.

Sự cứng rắn của Mỹ trái ngược hoàn toàn với những cử chỉ mang đầy tính hòa giải từ Hàn Quốc.

David Straub, cựu nhà ngoại giao Mỹ hiện công tác tại Viện Sejong, Hàn Quốc, cho rằng Washington đang ngày càng thất vọng với Seoul vì Tổng thống Moon "rõ ràng đi ngược lại nỗ lực của chính quyền Trump nhằm gây 'áp lực tối đa' lên Triều Tiên".

"Nó có thể dẫn tới một mối bất đồng nghiêm trọng giữa hai nhà lãnh đạo đồng minh", ông Straub bình luận. "Nếu chính quyền Trump hay chính quyền Moon không thay đổi chiến lược cơ bản, bất đồng sẽ tiếp tục gia tăng và mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng xấu đi".

Nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự, Tổng thống Moon đã dùng Thế vận hội Pyeongchang để xây dựng cái mà một số nhà phân tích gọi là "lệnh ngừng bắn Olympic".

Nỗ lực ấy "làm giảm đáng kể căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thay thế những vụ thử nghiệm vũ khí và lời đe dọa bằng các cuộc gặp trực tiếp, đồng thời khôi phục lại vị thế của Seoul như một tiếng nói chính trong cuộc chơi", ông John Delury, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, nhận định.

Theo ông, câu hỏi đặt ra là chính quyền Trump sẽ sẵn sàng để Hàn Quốc thực hiện vai trò người hòa giải với Triều Tiên ở mức độ nào, đặc biệt khi những mong đợi ở Washington rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân đã giảm xuống.

Các quan chức chính quyền Trump cho hay Mỹ đã chấp nhận rằng Hàn Quốc đang duy trì tốt một kênh ngoại giao hữu hiệu với Triều Tiên và tìm cách để sử dụng nó cho các mục tiêu của Mỹ. Nhưng bước đầu tiên là phải truyền đi được thông điệp nhất quán.

 Ivanka Trump đứng trước ông Kim Yong-chol, thành viên phái đoàn Triều Tiên tới Hàn Quốc, trong lễ bế mạc Olympic Pyeongchang 2018 hôm qua. Ảnh: AP.

Giới chức Nhà Trắng cũng phải quyết định nên phản ứng như thế nào nếu mối quan hệ ngoại giao liên Triều được cải thiện. Chính quyền Trump đã kiên quyết không nhượng bộ Triều Tiên, nhưng nếu phản ứng quá mạnh, việc làm này chỉ khiến Tổng thống Moon tin rằng người Mỹ sẽ không bao giờ đi chung con đường với họ. Khi đó, ông Moon có thể tính đến việc xa rời khỏi Mỹ, một trong những đồng minh quan trọng nhất, và xích lại gần hơn với Trung Quốc.

Đối với cả Washington và Seoul, cuộc thử lửa đầu tiên sẽ là cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn chuẩn bị diễn ra từ ngày 9 đến 18/3. Triều Tiên từng đe dọa tiếp tục thử tên lửa, hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc nối lại tập trận.

Yeon Ju-lee, 21 tuổi, người có mặt nơi khán đài theo dõi trận đấu của đội khúc côn cầu trên băng liên Triều trong khuôn khổ Olympic Mùa đông, chia sẻ cô cảm thấy nhẹ nhõm vì việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội đã góp phần làm dịu nỗi lo sợ về chiến tranh. Tuy nhiên, theo Yeon, để đạt được mục tiêu thống nhất "còn phải mất một thời gian dài nữa".

Một người khác, ông Lee Hae-man, 62 tuổi, cho hay những bước phát triển gần đây khá hứa hẹn nhưng nếu Triều Tiên nối lại việc thử nghiệm tên lửa, ông sẽ thấy "mình như bị phản bội".