Cuộc đời truân chuyên của người phụ nữ mắc bệnh lạ
- 09:22 26-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Tỉnh và con gái. Ảnh: Đức Tùy |
Biến cố cuộc đời sau khi bị tai nạn
Đến xã An Viên (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) hỏi thăm nhà chị Phạm Thị Tỉnh (SN 1981, ở địa phương), chúng tôi được người dân tận tình chỉ đường rồi hỏi nhỏ: “Chắc anh lại về tìm hiểu bàn chân to bất thường của chị Tỉnh đúng không? Rõ khổ nhà chị ấy, đẹp người, đẹp nết, hiền lành mỗi tội mắc phải căn bệnh lạ “chân voi” gần 20 năm qua khiến cho cuộc sống vất vả quá. Gia đình chạy chữa nhiều nơi mà vẫn không khỏi”.
Theo lời kể của chị Tỉnh, lúc chào đời, chị cũng như nhiều đứa trẻ khác và không có biểu hiện bất thường. Càng lớn, chị càng xinh đẹp và khỏe mạnh khiến nhiều chàng trai trong thôn, ngoài xã xiêu lòng. Tuy nhiên, chính thời điểm này chị không hay biết biến cố cuộc đời sắp xảy ra đến với mình.
Chị Tỉnh nhớ lại: “Năm đó vừa tròn 20 tuổi, tôi không may bị ngã xe đạp và có một vết thương rách da nhỏ ở mắt cá chân. Cứ nghĩ là bị trầy xước bên ngoài nên tôi không để ý và vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên đến nửa tháng sau thì vết rách ấy lên da non, hai chân sưng đỏ tấy, nóng, bị sốt ly bì mấy ngày. Khi bớt sốt thì chân tôi biến dạng to ra khiến ai nhìn thấy cũng sợ”.
Thấy dấu hiệu bất thường, chị Tỉnh được gia đình đưa đi bệnh viện tuyến huyện để khám, nhưng các bác sỹ cũng không xác định được nguyên nhân chứng bệnh. Thời điểm đó, gia đình không có kinh tế nên chị đành chấp nhận sống chung với hai bàn chân khổng lồ từ bấy đến nay.
Trớ trêu thay, từ khi bị mắc căn bệnh lạ, chị không lao động được và việc đồng áng đành phó mặc, nếu đặt chân xuống bùn thì không thể nhấc nổi lên. Thậm chí có lần chị bị ngã sấp mặt xuống ruộng và phải nhờ người thân kéo lên bờ. Do vậy, chị đành phải làm thuê công việc khác hay đan rế với tiền công thấp để có tiền sinh sống qua ngày.
Mỗi chân của chị Tỉnh có chu vi khoảng 70cm và ước nặng khoảng 20kg. Bàn chân chị gồ lên, cứng và khô khốc, bì ráp, thâm đen. Các ngón chân dính chặt vào nhau, ngón to ngón nhỏ, ngón dài ngón ngắn. Những ngày thời tiết thay đổi, chân chị đỏ rực như quả gấc chín, cơ thể phát nóng, phát lạnh thất thường trong khi da chân tróc ra từng mảng như rắn lột da.
Chị Tỉnh tâm sự: “Trước kia có nhiều người đến tìm hiểu nhưng từ khi thấy tôi mắc bệnh này thì không còn ai ngó ngàng đến nữa và cũng có người xa lánh. Lúc đó, tôi nghĩ tủi thân lắm và chỉ khi trong hoàn cảnh này mới thấy ai là người đến với mình thật lòng. Đến năm 28 tuổi, tôi cũng được một người cùng làng thương và lấy làm vợ”.
Tưởng chừng khi có mái ấm gia tình và tình thương yêu của chồng sẽ giúp số phận chị ấm êm, nhưng không ai nói trước được điều gì, có lẽ số chị sinh ra đã khổ. Năm 2012, thời điểm chị chuẩn bị đến ngày sinh người con thứ hai thì tai họa lại ập xuống khi chồng chị qua đời. Khoảng nửa tháng sau ngày tang chồng thì chị Tỉnh sinh con. Thậm chí, ngày chị sinh, em của chồng cũng gặp tai nạn, trong khi nhà neo người nên chị đành vượt cạn một mình.
Gia cảnh khốn khó
Bàn chân của chị Tỉnh to bất thường, gây khó khăn trong việc đi lại. |
Trong suốt câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, đôi lúc chị Tỉnh lại đưa bàn tay thô kệch gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đen, khắc khổ và mỗi khi nghĩ đến bạn bè cùng trang lứa lành lặn, gia đình con cái đề huề chị lại tủi thân. Đến lúc này, chị Tỉnh vẫn như không thể tin được cuộc đời mình lại chịu nhiều éo le đến vậy. Có những lúc chị nghĩ mình không thể vượt qua được và định mặc cho số phận, nhưng nghĩ đến các con nhỏ, rồi cuộc sống mưu sinh khiến chị không thể gục ngã.
Chồng qua đời là một mất mát quá lớn về tinh thần cũng như trụ cột trong gia đình trong khi các con còn nhỏ và bản thân không thể lao động kiếm tiền sinh sống. Thậm chí, tiền hỗ trợ mai táng phí cho chồng chị không dám ăn, tiêu mà dành lúc sinh nở người con thứ hai và chuyện chị không có cơm ăn phải ăn phần cơm cúng của chồng khiến nhiều người rơi nước mắt, đôi lúc có phần oán trách. Nhưng biết làm thế nào được, nếu không ăn chỗ cơm cúng ấy thì cũng chết vì không có gì để ăn.
Nói về ngôi nhà hiện tại đang ở, chị Tỉnh cho hay, ngày trước chị và các con sống trong ngôi nhà lụp xụp chưa đầy 30m2. Nhưng đến đầu năm nay được sự quan tâm của địa phương, các nhà hảo tâm nên chị cho phá căn nhà cũ xây gian nhà mới để che mưa, che nắng.
Tuy nhiên, đồ đạc phong nhà thì thiếu thốn đủ đường và hiện tại hàng tháng, theo diện người khuyết tật và các chính sách trợ cấp dành cho hộ nghèo, ba mẹ con chị Tỉnh được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, để chi cho tiền thuốc của chị Tỉnh, tiền học của hai con thì số tiền trợ cấp chỉ là muối bỏ biển.
Lãnh đạo UBND xã An Viên cho biết: “Ở địa phương không ai là không biết đến hoàn cảnh khốn khó của gia đình chị Tỉnh cũng như số phận kém may mắn. Mong rằng, nếu có sự đồng hành giúp đỡ của các nhà hảo tâm thì ba mẹ con chị sẽ bớt đi khốn khó và có nhiều động lực trong cuộc sống”. |