Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tình hình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Các bác sĩ vẫn đang tích cực điều trị cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ngày 25/2, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam cho biết, các bác sĩ vẫn đang tích cực điều trị bệnh cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Hiện nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với sự theo dõi và chăm sóc của các y, bác sĩ hàng đầu.

 Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTXVN

GS.TS Phạm Gia Khải, từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, thông tin thêm rằng, ông được biết, trước đó nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã sang Singapore điều trị, ông bị viêm phổi nặng, sau đó chuyển về nước điều trị.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm nay 85 tuổi. Ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam từ tháng 9/1997. Tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình một năm.

Trong những năm làm Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã để lại ấn tượng nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, người gắn bó thân thiết với ông Phan Văn Khải từ khi ông là Phó Thủ tướng cho đến khi ông làm Thủ tướng trong vai trò phiên dịch, đánh giá trên tạp chí Nhà đầu tư:

"Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một chính khách Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên những nhà lãnh đạo kỹ trị của Việt Nam. Ông là một trong các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam được đào tạo bài bản nhất thời bấy giờ và rất tự tin khi tham gia các hoạt động đối ngoại.

Ông còn là một chuyên gia sâu về kinh tế, đã kinh qua nhiều cương vị khác nhau, có lý luận và kinh nghiệm thực tế của cả nền kinh tế tập trung, bao cấp và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở cả địa phương và Trung ương".

Dưới thời của ông Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA), đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước.

Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hoá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó".

Nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu nhớ lại kỷ niệm sâu sắc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC vào ngày 12/9/1999. Khi ấy, ông Châu thấy ông Khải không vui.

"Tôi biết lúc đó trong lãnh đạo ta vẫn chưa thống nhất về việc ký Hiệp định BTA. Văn kiện đã đàm phán xong và chờ chỉ thị của Bộ Chính trị để ký nhân dịp hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa kỳ gặp nhau lần đầu tiên trong lịch sử tại Hội nghị Các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Auckland, New Zealand. Trong đoàn đi có các bạn ở Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao, sẵn sàng nghiên, mực, bút ấn cho lễ ký.

Tôi hỏi ông và ông cho biết đã gặp các đồng chí chủ chốt trong Bộ Chính trị để thuyết phục và bây giờ chỉ trông cậy vào sự phù hộ của Bác Hồ. “Bây giờ chỉ biết vái Bác Hồ thôi”, ông nói và lần đầu tiên tôi thấy ông "tâm linh" đến vậy.

Trong suốt chuyến bay dài hơn mười mấy tiếng đó, tôi đã nghe được lời cầu nguyện thì thầm của ông. Lời cầu nguyện cho điều tốt lành nhất đối với đất nước, cho Hiệp định BTA được ký kết để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn, cho quá trình bình thường hoá toàn diện quan hệ giữa hai nước vốn là cựu thù được hoàn tất để hai nước bước sang trang sử mới, khép lại quá khứ hướng đến tương lai.

Khi chuyên cơ đến Auckland, đoàn nhận được chỉ đạo từ nhà cần thương lượng lại một số điểm. Điều đó có nghĩa sẽ không có lễ ký Hiệp định BTA Việt Mỹ và hai nhà lãnh đạo sẽ không gặp chính thức như dự kiến.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã không hề nản lòng mà tận dụng cơ hội ngồi cạnh Tổng thống Clinton trong Dạ tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo tham dự APEC 1999 để thúc đẩy quan hệ hai nước.

Sự chân thành và thân thiện của ông đã làm Tổng thống Clinton xúc động và mở lòng chia sẻ về bức thư của người bạn rất thân đã gửi cho ông hai tuần trước khi chết tại chiến trường Việt Nam vào năm 1968.

Vào thời điểm đó khi mà nước Mỹ còn bị chia rẽ về cuộc chiến ở Việt Nam, khi mà Tổng thống Clinton còn bị chỉ trích về tội trốn quân dịch, chỉ có sự ấm áp của Thủ tướng Phan Văn Khải mới đủ mạnh để Tổng thống Clinton sống lại cảm xúc của 30 năm trước trong nước mắt. Và tôi thật bất ngờ vì lần đầu tiên thấy được giọt nước mắt của một vị Tổng thống Hoa kỳ.

Cũng trong cuộc tiếp xúc đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã mời Tổng thống Clinton sang thăm Việt Nam. Ông Clinton đã nhận lời mời và hơn một năm sau, ngày 13/11/2000 ông đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một tổng thống Hoa kỳ đến nước Việt Nam thống nhất.

10 tháng sau cuộc tiếp xúc lịch sử đó, Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ được ký kết vào ngày 14/7/2000, chính thức khép lại quá trình bình thường hoá quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, đưa kim ngạch thương mại từ 1,2 tỷ năm 2000 lên 55 tỷ năm 2017, tăng gần 50 lần.

Mãi cho đến lúc đó tôi mới thực sự hiểu thế nào là “ngoại giao công tâm” của Thủ tướng Phan Văn Khải", nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu nhớ lại.