Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Một giám đốc bị tố lạm quyền

Không những sắp xếp để vợ và em vợ giữ những vị trí chủ chốt, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Cty TNHH MTV công nghiệp 3/2 (Cty 3/2) Lê Huy Dũng còn tự quyết toàn bộ các hoạt động khác, thậm chí tự ý dùng tiền cơ quan mua bán nhiều tài sản có giá trị.

 Cty TNHH MTV công nghiệp 3/2.

Nhập nhèm cổ phần hóa

Theo phản ánh của cán bộ, nhân viên, công nhân của Cty 3/2 đóng tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An), từ năm 2016, sau khi có chủ trương cổ phần hóa, tại đây xuất hiện những việc làm được cho là “bất minh” của lãnh đạo công ty trong việc thâu tóm cổ phần, để giữ những vị trí chủ chốt sau khi cổ phần hóa. Các vị trí chủ chốt như phó giám đốc công ty, đội trưởng đội sản xuất đều được ông Lê Huy Dũng sắp xếp cho em vợ và vợ đảm nhiệm.

Khi công ty bước vào giai đoạn cổ phần hóa, với quyền lực của mình, cổ phần của những công nhân dù chưa mua nhưng đã được “gom” lại với nhiều hình thức khác nhau. Theo kế hoạch cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ 30% cổ phần tại công ty, cổ đông chiến lược là Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An giữ 25% cổ phần, Công đoàn công ty được ưu tiên mua 1 – 3% cổ phần. Còn lại là các cán bộ, công nhân viên công ty được ưu đãi mua 30% cổ phần với mức giá trị 60%, số còn lại được chào bán trên thị trường.

“Theo cách tính này, cứ mỗi năm công tác, một cán bộ công nhân được mua 100 cổ phần với mức giá ưu đãi chỉ 60% (một cổ phần có giá 10.000 đồng, công nhân được mua ưu đãi với 6.000 đồng/cổ phần). Tuy nhiên khi vừa có danh sách, công nhân lên ký mua cổ phần thì bằng nhiều hình thức khác nhau số cổ phần ít ỏi của họ được “chuyển nhượng” ngay sau đó. Theo quy định, sau khi cổ phần hóa, công nhân mua cổ phần và gắn bó với công ty thì số cổ phần này mới được chuyển nhượng, nhưng có điều lạ là khi chưa được phát hành họ đã ngay lập tức bị ép bán số cổ phần này”- một cán bộ tại đây cho biết.

Liên quan đến nội dung này, ông Lê Huy Dũng thừa nhận: “Ngay sau khi có kế hoạch cổ phần hóa, có một số người đã âm thầm mua bán chuyển nhượng cổ phần. Tôi đang chỉ đạo rà soát, nhiều người mua bán nhưng mình không nắm hết được. Tôi và gia đình không mua, gom cổ phần như người ta phản ánh. Việc bổ nhiệm ông Cao Xuân Hậu (em vợ) làm phó giám đốc công ty là hoàn toàn đúng quy trình. Vợ tôi là Cao Thị Hòa làm Đội trưởng Đội trung tâm kỹ thuật trực tiếp quản lý vườn cam hơn 10 ha cũng được phân công làm nhiệm vụ, mua bán thế nào đều có sự tham gia của phòng kế toán. Tôi thấy việc mình giữ chức giám đốc, em vợ làm phó giám đốc, vợ làm đội trưởng như thế là bình thường vì không liên quan đến kinh tế gì ở đây”.

Thanh lý cao su với giá rẻ

Trong đơn thư phản ánh, cán bộ, nhân viên còn tố cáo lãnh đạo công ty, đứng đầu là ông Lê Huy Dũng đã thanh lý 50 ha cao su với giá rẻ mạt gây thất thoát hàng tỷ đồng. Theo đó, những cây cao su được trồng từ năm 1990 đến nay có đường kính khoảng 40cm được ông Dũng thanh lý với giá chỉ 130.000 đồng/1 cây. Mức giá này được cho là quá thấp với giá thị trường, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Cụ thể, theo Hợp đồng kinh tế số 01/2017/HĐKT ký kết giữa Công ty TNHH một thành viên nông công nghiệp 3-2, Công ty TNHH SXCB và TM Thắng Lợi ký kết ngày 16/1/2017 nêu rõ số lượng cây cao su thanh lý là 20.000 cây, đơn giá là 130.000 đồng/1 cây với quy chuẩn là cây có đường kính từ 20 cm trở lên và không cụt ngọn quá 2m. Mặc dù hợp đồng đã được ký kết từ ngày 16-1-2017 và hai bên đã thống nhất giá cả cho từng cây cao su, nhưng phải sau đó khá lâu 3 biên bản kiểm đếm, đánh giá chất lượng từng cây cao su mới được thống nhất và tổng số cây được thanh lý bị “rớt” chỉ còn lại 13.000 cây.

“Giá bán như thế là quá thấp bởi trên thị trường mỗi cây cao su như vậy có giá giao động từ 500.000 – 600.000 đồng. Bên bán và bên mua chưa có biên bản kiểm đếm, đánh giá chất lượng từng cây nhưng đã thống nhất giá, số lượng cây. Vậy họ lấy căn cứ gì đưa ra mức giá như vậy để ký kết hợp đồng với nhau. Việc thanh lý cũng không qua đấu giá mà được giám đốc công ty tự quyết tất cả”- một cán bộ tại đây bức xúc.

Lý giải vì sao giá thanh lý cây cao su lại thấp, ông Lê Huy Dũng cho biết: Họ mua cây và phải nhổ gốc, trả lại đất cho mình nên giá mới thấp như thế. Có những cây nhỏ, gãy, không đạt chất lượng nên sau khi thống nhất giá, kiểm đếm thì mới còn lại 13.000 cây trên 50 ha, đây là số cây cao su được trồng từ năm 1990. Về việc vì sao hợp đồng được ký kết trước, kiểm đếm và đánh giá chất lượng mặt hàng thanh lý sau; ông Dũng thừa nhận việc này và cho biết, ký kết xong mới kiểm đếm rồi đưa ra đánh giá. Cây nào đạt chất lượng thì họ mua, cây nào không thì mình loại ra.

Tuy ông Dũng nói vậy nhưng thực tế hiện nay tại khu vực nơi công ty thanh lý toàn bộ 50 ha cao su được trồng từ năm 1990 chỉ còn lại một bãi đất trống. Bên lề đường chỉ còn lại một số gốc cây chuẩn bị được chở đi nơi khác, những gốc cây còn lại tại hiện trường đều có đường kính rất lớn từ 40 – 75 cm. Vườn cao su trên gần như đã được thu dọn sạch với một tốc độ chóng mặt sau khi hợp đồng được ký kết.