Hậu Tết, dân công sở thi nhau "nhảy việc" tới tấp
- 10:21 23-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cứ ngỡ chỉ có những khu công nghiệp, sản xuất mới lo thiếu hụt nhân lực sau Tết vì người lao động "nhảy việc", bỏ về quê quá nhiều. Nhưng các công ty, văn phòng cũng đang lo sốt vó vì tình trạng nghỉ việc, "nhảy việc" của nhân viên sau kỳ nghỉ Tết.
Chị Phạm Hải Dương - trưởng phòng quản lý nhân sự tại công ty thiết kế nội thất trên đường Yên Lương (Hà Nội) cho hay, sau kỳ nghỉ Tết, đã có khoảng 3 nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc để thuyên chuyển sang công ty khác.
Chị Dương chia sẻ: "Cứ sau Tết là tôi lại đau đầu vì xử lý đơn xin nghỉ việc của nhân viên. Nhiều người đã tìm được việc làm trước đó rồi nên đưa xong đơn nghỉ việc là nghỉ luôn, chả quan tâm đến cơ chế của công ty hay bàn giao công việc gì cả. Vì thiếu hụt nhân sự nên tôi phải đăng tuyển nhân viên liên tục, đưa ra nhiều cơ chế hấp dẫn để thu hút người đến phỏng vấn. Trong khi đầu năm mới có rất nhiều dự án cần triển khai, bộ máy công ty cần được hoạt động trơn tru, không thể để xảy ra tình trạng công việc dồn đống không ai xử lý".
Chị Dương cho hay, bản thân chị mặc dù là trưởng bộ phận quản lý nhân sự, nhưng vì bộ phận kế toán thiếu người nên chị cũng thường xuyên đảm nhận công việc sổ sách, chờ người mới nhận việc mới có thể bàn giao lại.
Cũng theo chị Dương, lý do nghỉ việc được đưa ra là vì môi trường làm việc không phù hợp, công việc có nhiều bất đồng với năng lực hoặc lương thưởng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ảnh minh họa |
Chị Mỹ Hạnh - nhân viên phòng media tại một trung tâm thương mại lớn ở quận Long Biên, Hà Nội cho hay, sau kỳ nghỉ Tết, chị cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc để chuyển sang một công ty bất động sản. Theo chị, đãi ngộ ở Trung tâm thương mại này khá tốt, môi trường làm việc cũng thân thiện nhưng vì lý do cá nhân nên phải nhảy việc.
"Lúc trước, mình ở nhà trọ gần với Trung tâm thương mại nên đi lại dễ dàng. Khoảng cuối năm 2017, vợ chồng mình mua nhà ở Cầu Giấy nên mình phải vượt qua quãng đường dài 15 cây số mới đến được nơi làm việc. Ngày nào cũng đi đi về về, phải chen chúc trên con đường tắc cứng, vì phải chấm công đúng giờ nên mình dậy đi làm rất sớm, không có thiếu thời gian để chuẩn bị cơm nước. Mình vốn muốn chuyển việc ngay sau khi chuyển nhà, tìm nơi nào làm việc gần nhà để tiện đi lại, nhưng vì lúc đó đã cuối năm, nếu nghỉ việc sẽ không được tiền thưởng nên cũng cố làm hết năm sau Tết mới chuyển" - chị Hạnh cho hay.
Chị cũng cho biết, một số bạn bè của chị cũng đã có ý định chuyển việc trong năm 2017, nhưng vì nghĩ đến khoản tiền thưởng Tết hơn chục triệu thì đều cố "bấm bụng" ở lại làm việc đến hết Tết, sau khi ăn một cái Tết "ấm no" thì mới chuyển đi nơi khác.
"Dù sao cũng là công sức của mình cống hiến cho công ty cả năm trời, nếu mình nghỉ giữa chừng rồi chuyển đi thì thiệt quá. Hơn nữa, cuối năm nhiều việc, mình xin nghỉ thì công ty cũng khó tuyển thêm được người. Mình ở lại cũng là để làm tròn nghĩa vụ của mình với công ty" - chị Hạnh nhận định.
Khác với chị Hạnh, chị Phúc Lâm - nhân viên hành chính tại một công ty đồ gỗ cho hay, chị quyết định xin nhảy việc là vì quá thất vọng với chế độ thưởng Tết của công ty dành cho nhân viên, chưa kể cấp trên cũng mới thay người khác, thường xuyên thể hiện quyền hành với nhân viên cũ.
"Làm việc ở công ty 2 năm trời nên tôi rất gắn bó và hết lòng vì công việc. Nhưng cuối năm ngoái, sếp cũ đột ngột thay đổi sang một người khác, vị sếp mới này thường xuyên thị uy với nhân viên, có nhiều yêu cầu hết sức quá đáng. Đợt nghỉ Tết vừa rồi, thưởng của nhân viên bị cắt mất 20% so với mọi năm, chưa kể đầu năm công ty cũng bỏ luôn chế độ lì xì cho anh em.
Ảnh minh họa |
Lý do được đưa ra là công ty đang đầu tư vốn cho dự án mới nên phải cắt giảm ngân sách chế độ. Thấy môi trường làm việc quá sức ngột ngạt, sếp mới thường xuyên hạch sách, chế độ đối với nhân viên cũng không được như cũ nên tôi quyết định nhảy việc" - chị Lâm cho hay, khi chị nộp đơn xin nghỉ, có khá nhiều anh em công ty cũng lục tục làm đơn để nghỉ việc theo.
"Tôi vẫn đang nộp CV đến nhiều công ty khác để tìm việc làm, trong thời gian chờ đợi phỏng vấn tôi vẫn làm việc tại công ty cũ, vì theo quy định, trước khi nghỉ chính thức phải tiếp tục làm việc nửa tháng tiếp theo để công ty tìm được người thay thế vị trí" - chị Lâm chia sẻ.
Cần sẵn sàng những gì trước khi quyết định nhảy việc?
Nhiều người cứ ngỡ "nhảy việc" là đơn giản, chỉ cần nộp đơn xin nghỉ việc rồi tìm công việc mới là xong, nhất là khi vừa được hưởng một cái Tết "ấm no" từ công việc cũ. Tuy nhiên, các chị em cần hết sức chú ý, nếu "nhảy việc" không có sự chuẩn bị kỹ càng cả về tư tưởng, vật chất thì rất dễ thành thất nghiệp, nếu tìm được công việc cũng có thể hết sức tạm bợ và không được như ý.
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi "nhảy việc" dù đang ở bất cứ thời điểm nào trong năm, là trước Tết hay sau Tết. Nên chuyển việc khi bạn không còn niềm đam mê với công việc nữa để việc chuyển đổi công việc này trở nên tích cực hơn.
|
Trước khi chuyển việc, nên kiểm kê lại những khoản tích trữ của mình, liệu có đủ để bạn sống tốt cho những ngày tìm việc làm? Tốt nhất, nên tìm được một công việc ưng ý trước khi quyết định xin nghỉ việc tại công ty cũ. Tuy nhiên, đừng bao giờ thể hiện sự "cạn tàu ráo máng" với công ty cũ khi nộp đơn nghỉ việc, vì đây cũng từng là nơi sinh kế, mang đến cho bạn nhiều niềm vui công việc. Hãy hỗ trợ hết mình, hoàn thành nghĩa vụ của một nhân viên để công việc được chuyển giao trôi chảy.