Mùng 6 Tết: Dân công sở uể oải đến văn phòng làm việc sau kỳ nghỉ Tết
- 13:34 21-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Văn phòng làm việc vắng hoe, người đi làm lác đác, nhân viên uể oải bắt đầu công việc là hình ảnh dễ bắt gặp trong những ngày hậu nghỉ Tết. Một tuần lễ "ăn chơi nhảy múa" dường như cũng đã rút cạn sức lực và nhiệt huyết của nhiều người, khiến không khí của nhiều cơ quan, văn phòng có phần trầm lắng, đặc biệt là các cơ quan nhà nước.
Chị Nguyễn Bách Linh - nhân viên văn phòng tại một doanh nghiệp nhà nước chia sẻ, theo quy định thì sáng mùng 6 mọi người phải có mặt đúng giờ để bắt đầu công việc. Nhưng nhiều người lại đến muộn, thậm chí là xin nghỉ đến hết tuần vì chưa "ăn xong Tết". Thế nên văn phòng vắng hoe, lác đác người vào rồi lại ra.
"Những người đến muộn thì bảo là do tắc đường cục bộ vì dân từ các tỉnh đổ về Thủ đô sau Tết. Còn những người không đến thì đã cáo phép xin nghỉ Tết đến hết tuần. Ngày đi làm sau Tết năm nay đúng vào thứ 4, đúng giữa tuần nên nhiều người vẫn chưa quay lại được với nhịp độ công việc sau kỳ nghỉ. Ai cũng tỏ vẻ mệt mỏi, cảm giác như nghỉ Tết chưa đã" - chị Linh cho hay.
Cơ quan vắng hoe người vì nhân viên đến trễ, xin nghỉ Tết hết tuần. |
Bản thân chị Linh cũng thừa nhận mình đến văn phòng làm việc trong tâm thế không thoải mái. Lý do là bởi Tết năm nay thời gian nghỉ ngơi dường như không có, thậm chí còn bận rộn và đau đầu hơn cả ngày thường.
"Mang tiếng nghỉ Tết nhưng bận bịu, mệt mỏi hơn hẳn ngày thường. Ngày 29 bắt đầu nghỉ thì lo sắm Tết, dọn nhà, làm mâm tất niên, tảo mộ mời các cụ về ăn Tết đến 30. Bước sang mùng 1 thì bắt đầu đi chúc Tết sếp, chúc tết cô giáo của các con, về quê thăm hai bên nội ngoại, mãi đến mùng 5 mới trở lại Hà Nội thì mệt rũ cả người. Nói chung mình chả được nghỉ ngày nào, đến mùng 6 cố lên cơ quan đúng giờ nhưng người cứ uể oải, không muốn động đến công việc, ai giao gì làm nấy thôi" - chị Linh bộc bạch.
Nhiều công sở chị em lác đác đến nhưng chưa sẵn sàng tâm thế làm việc. |
Chị Nguyễn Hà Phương - nhân viên kế toán tại một công ty bất động sản cho hay, chị cùng những đồng nghiệp ăn Tết ở Hà Nội đến xông đất văn phòng từ ngày mùng 2 Tết, các thủ tục như chúc mừng, lì xì đầu năm đều đã được thực hiện hết. Vậy nên trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, vì sếp đi công tác chưa về nên nhiều chị em rủ nhau trốn việc đi lễ chùa trong nội thành.
Chị Phương cho hay: "Đầu năm chưa có nhiều việc, chỉ đạo cụ thể cũng chưa có, mọi người đến thì chủ yếu là nói chuyện phiếm, uống chén trà với nhau thôi. Các chị em không bàn luận chuyện làm đẹp, kháo nhau xem thu chi Tết vừa rồi được bao nhiêu thì cũng hẹn nhau đi chùa, đi xem bói. Còn cánh đàn ông thì cũng rủ nhau đi cafe ngoài quán, hát hò, chơi game điện thoại... Có người Tết này đi du lịch cùng gia đình thì nghỉ cũng kĩ lắm, xin nghỉ đến tận Rằm, còn không thì cũng phải hết tuần mới đi làm lại".
Không chỉ mỗi các chị em cảm thấy mệt mỏi sau kỳ nghỉ Tết, ngay cả cánh mày râu cũng có tâm trạng bơ phờ khi bắt đầu năm làm việc mới. Lý do được đưa ra là tiệc tùng quá nhiều khiến dư âm ngày Tết vẫn còn đọng lại.
Anh Phạm Văn Hiệp - kỹ sư công trình của một công ty xây dựng cho hay, 7 ngày nghỉ Tết thì đã có 5 ngày anh phải chạy "sô" tiệc tùng, ngày nào cũng 2 bữa rượu, uống đến ngơ người. Thế nên đến ngày mùng 6 tháng Giêng phải đi làm, anh Hiệp cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Vẫn còn tâm trạng "ngái nghỉ" nên nhiều cơ quan làm việc lâm vào tình trạng đìu hiu trong ngày đầu tiên làm việc. |
"Nghỉ Tết gì đâu toàn thấy rượu bia, không uống thì không được. Nhà mình làm Tất niên mời họ hàng đến phải uống, đi ăn hai bên nội ngoại cũng phải uống, đi họp lớp cũng uống, về nhà khách đến chơi biếu cho chai rượu, làm cơm thiết đãi cũng phải có li rượu...
Người cứ nhừ cả ra, đầu óc cứ quay cuồng, ngày đầu tiên đi làm phải đấu tranh mãi mới quyết định lết đến công sở ngồi cho có lộc. Chứ nhiều người cũng xin nghỉ đến hết tuần mới đi làm, vì thời điểm hiện tại việc cũng chưa nhiều, các sếp cũng đang đi lễ chùa xin lộc nữa" - anh Hiệp chia sẻ tình cảnh.
Thực tế, do thời gian nghỉ Tết kéo dài một tuần nên làm đồng hồ sinh học, thói quen sinh hoạt và làm việc của nhiều người thay đổi. Đặc biệt là tâm lý muốn đi du xuân, lễ chùa đầu năm của các chị em càng khiến thói lười biếng trỗi dậy mạnh mẽ.
Tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho các chị em, gây nhiều ảnh hưởng đến công việc chung. Vậy nên mọi người nên cố gắng tập dần lại thói quen làm việc trước đây, tạm gác những thú vui ngày Tết, động viên nhau nhiều hơn trong công việc để lấy lại khí thế trong năm mới.