Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hàng nghìn người trẩy hội Yên Tử trong sương mù

Ngày mùng 5 Tết thời tiết xấu có mưa kèm sương mù dày đặc, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ về Yên Tử (Quảng Ninh).

 Hội xuân Yên Tử 2018 khai mạc vào ngày 25/2, tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Năm nay hội được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, thuộc dự án khu trung tâm lễ hội Yên Tử (khu vực bến Giải Oan). Đây là dự án được đầu tư xây dựng mới với nhiều hạng mục quy mô, thiết kế theo kiến trúc đời nhà Trần thế kỷ 13 mới hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp khai hội.

Trong những ngày đầu năm, hàng nghìn người đã đi du xuân, cúng lễ ở khu vực Yên Tử.

 Từ ngày 1/1/2018, tỉnh Quảng Ninh thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; việc miễn, giảm phí sẽ được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước. Khi đến Yên Tử nhiều người bức xúc cho rằng việc thu phí là không hợp lý. “Đi lễ chùa cũng phải nộp phí vậy còn gì là tự do tín ngưỡng tâm linh nữa”, chị Loan (38 tuổi, quê Hải Phòng) nói.

 Theo ban tổ chức, tính đến hết ngày 20/2, tức mùng 5 Tết đã có 8 vạn lượt du khách đổ về Yên Tử. Khu vực chùa Hoa Yên chật cứng người. Đây là ngôi chùa to và cổ kính nhất ở Yên Tử, tọa lạc ở độ cao 535 m so với mực nước biển. Chùa được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân. Trên 700 năm trước, chùa Hoa Yên chỉ là một thảo am rất nhỏ - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, khi đó Phật hoàng đổi tên thành Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà đổi tên chùa thành chùa Hoa Yên.

 Khu vực y tế được đặt tại chùa Hoa Yên.

 Lối lên chùa Một Mái.

 Trong chùa Một Mái có mạch nước ngầm theo vách đá chảy xuống hốc nhỏ. Nguồn nước ở đây được ví von như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn. Nhiều người đến đây xin nước để uống với niềm tin “uống nước trong chùa sẽ mát mẻ, mạnh khỏe cả năm”.

 Ngày mùng 5 Tết, ở Yên Tử có mưa kèm theo sương mù dày đặc, nhưng hàng nghìn người vẫn đội mưa để lên đến chùa Đồng. Các mỏm đá ven đường nối lên chùa Đồng là nơi nghỉ dừng chân của nhiều người.

 Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành đầu tháng 12/2013, đúc bằng đồng nguyên khối, cao 15 m, nặng 138 tấn, tọa lạc trên đỉnh An Kỳ Sinh có độ cao 900 m so với mặt nước biển.

 Nhiều người dùng tiền xoa lên đại hồng chuông và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông với hy vọng gặp may mắn.

 Cảnh chen lấn cúng bái tại chùa Đồng. Tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, chùa Đồng được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn.

 Phía sau chùa Đồng, tiền lẻ rải la liệt. Nhiều người còn dùng tiền xoa xung quanh chùa, khiến nhiều vị trí sáng bóng.

 Tiền lẻ được nhét vào các kẽ trên mái chùa Đồng.