'Ba có' cho sản phẩm nông nghiệp Nghệ An
- 10:47 21-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với sự đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa, Nghệ An cũng là nơi có các sản vật từ nông nghiệp rất phong phú. Từ các sản vật đó một số đã được chế biến thành các sản phẩm hàng hóa có danh tiếng về chất lượng và sự độc đáo.
Tuy vậy, trong tình hình rất phực tạp hiện nay về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đại bộ phận các sản phẩm hàng hóa từ nông sản của Nghệ An, kể cả các sản phẩm đã được chế biến, trở thành đặc sản như tương, nhút, măng muối khi ra thị trường đều chưa đủ các yếu tố về khoa học, về pháp lý để có thể tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng.
Người mua chỉ biết tin chỗ mình mua là tin cậy, người bán thì cũng chỉ có thể lấy uy tín của mình để “tín chấp” cho các sản phẩm hàng hóa là “thật”, là “sạch”.
Cam Vinh dán tem truy xuất nguồn gốc đắt hàng. Ảnh: P.V |
Hiện nay, ở thành phố Vinh và một số huyện lỵ đã có hàng chục cửa hàng trưng biển là thực phẩm sạch, hoặc thực phẩm an toàn. Thế nhưng, trong đó cũng không phải tất cả các sản phẩm đều có đầy đủ các yếu tố đảm bảo sự an tâm cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm của Nghệ An không có các yếu tố chứng minh xuất xứ, chất lượng, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng làm nhái các đặc sản nổi tiếng đã và đang diễn ra khá phức tạp.
Để giải quyết một cách căn cơ những vấn đề về an toàn thực phẩm đang đặt ra hiện nay, thiết nghĩ đã đến lúc ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan cần hỗ trợ và giúp đỡ nông dân thực hiện ba giải pháp quản lý, mà tôi gọi tắt là “Ba có” đối với sản phẩm của mình.
Trước hết là “Có nhãn hiệu”.
Nhãn hiệu là yếu tố quan trọng nhất trong bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm và cũng là yếu tố được Nhà nước (mà cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ) bảo hộ. Với hàng hóa nông sản có thể xây dựng nhãn hiệu thông thường, do doanh nghiệp, hộ gia đình, hoặc cá nhân đứng ra đăng ký làm chủ sở hữu.
Ở Nghệ An có một số sản phẩm do doanh nghiệp đăng ký đã được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, như “Gạo xứ Nghệ” của Công ty Vĩnh Hòa (Yên Thành), cam Thiên Sơn của trang trại cam Thiên Sơn (Yên Thành); Rượu men lá Lê Đông (Con Cuông), Rượu Mú từn (Công ty Long Ly)... Tuy nhiên, hầu hết các nông sản có danh tiếng ở Nghệ An đều gắn liền với địa danh, như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn; gà ác, khoai sọ Kỳ Sơn; chè Gay (Anh Sơn); măng muối Quỳ Châu... Theo Luật Sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu gắn với địa danh đó phải được đăng ký bảo hộ dưới các hình thức là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.
Cam Vinh được dán tem. Ảnh: Quang An |
Nghệ An đã có chỉ dẫn địa lý Cam Vinh; nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Vạn Phần; nhãn hiệu tập thể Hương trầm Quỳ Châu, nước mắm Phú Lợi (xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai), nước mắm Hải Giang 1 (thị xã Cửa Lò)...
Hiện nay, tùy từng sản phẩm có thể lựa chọn hình thức xác lập nhãn hiệu thích hợp. Ví dụ, thành phố Vinh và một số huyện, thị như Diễn Châu, Anh Sơn, Nam Đàn, Cửa Lò... có thể xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn mang địa danh của mình. Nhãn hiệu chứng nhận này do UBND huyện, thành, thị làm chủ sở hữu và trực tiếp quản lý. UBND huyện, thành, thị có quyền xem xét và cho phép những cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh đủ điều kiện theo quy định sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Hoặc, những người sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm nào đó có thể lập ra hợp tác xã, hội sản xuất kinh doanh để đăng ký bảo hộ sản phẩm mang địa danh của mình dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Còn chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia, chỉ cấp cho những sản phẩm thực sự có danh tiếng và khối lượng lớn. Ngoài Cam Vinh đã được công nhận, hiện nay Nghệ An đang xúc tiến đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn.
Thứ hai là “Có chứng chỉ chất lượng”.
Chất lượng là yếu tố quan trọng nhất của sản phẩm, đặc biệt vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc đã được luật hóa đối với hàng hóa thực phẩm. Rất nhiều nông sản hàng hóa của Nghệ An đã có danh tiếng về chất lượng, nổi tiếng thơm ngon, hoặc có yếu tố độc đáo như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn; cam Vinh; nước mắm Quỳnh Dị; rượu men lá; măng muối Quỳ Châu...
Tuy nhiên, về vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như các sản phẩm của ta đều chưa quan tâm đến các chứng chỉ chứng nhận. Nhiều nơi chính quyền đã chi ngân sách hàng tỷ, chục tỷ đồng để quy hoạch, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ giống, phân, bảo vệ thực vật, kỹ thuật cho dân trồng rau an toàn, thế nhưng lại quên mất yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Rút cục sản phẩm của những dự án hàng tỷ đồng lại thiếu đi các chứng chỉ VSATTP, mà chi phí để cấp nó chỉ tính bằng triệu hoặc hàng chục triệu đồng.
Nghệ An lần đầu tiên dán tem truy xuất nguồn gốc cho ổi lê. Ảnh: P.V |
Thứ ba là “Có tem truy xuất nguồn gốc”.
Đây là một yếu tố mà người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Theo quy định của pháp luật trên bao bì của sản phẩm đã phải ghi rõ xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, tuy nhiên trên thực tế khi tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa được triệt tiêu thì bao bì chưa thể tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, đã có những giải pháp kỹ thuật cho việc chống hàng giả (như tem chống hàng giả) và truy xuất nguồn gốc (như mã số mã vạch). Đặc biệt gần đây giải pháp tem truy xuất nguồn gốc điện tử đã nhanh chóng dành được sự quan tâm và tin cậy của người tiêu dùng. Người ta chỉ cần dùng điện thoại thông minh có cài phần mềm tương ứng, quét lên tem điện tử là có thể biết được các thông tin cần thiết về sản phẩm đó. Chi phí cho việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc là không đáng kể.
Nếu số lượng sản phẩm là hàng chục ngàn thì tính ra mỗi chiếc tem như vậy chỉ có giá trên dưới 200 đồng. Việc thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho quả cam Vinh hiện nay đã chứng tỏ giải pháp này hết sức hiệu quả, tạo độ tin cậy rất cao cho người mua hàng.
Có thể nói nếu thực hiện nghiêm túc “Ba có” như đã nói ở trên thì sản phẩm sẽ dành được sự tin tưởng của người tiêu dùng, do đó người ta sẵn sàng mua nó với giá cao hơn các sản phẩm khác cùng loại.
Mặc dù không thật khó khăn và tốn kém, nhưng đối với các hộ nông dân đơn lẻ và ngay cả với các hợp tác xã, trang trại, thậm chí một số doanh nghiệp nông nghiệp, họ có thể rất thành thục về sản xuất, nhưng những khái niệm về “nhãn hiệu, thương hiệu”, “chất lượng”, “truy xuất nguồn gốc” lại đang rất xa lạ. Người nông dân nói chung hầu như không thể tự mình làm được nhãn hiệu, đăng ký chất lượng hay tem truy xuất nguồn gốc.
Cam Vinh dán tem truy xuất nguồn gốc đắt hàng. Ảnh: P.V |
Chính vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến trên truyền thông, chính quyền các cấp rất cần thiết phải có đề án và chính sách cho việc thực hiện “Ba có”. Mỗi huyện, thành, thị, mỗi xã nên xác định một số sản phẩm nhất định, để hỗ trợ cho người dân và hợp tác xã hoặc doanh nghiệp thực thi đồng bộ cả ba giải pháp quản lý: Nhãn hiệu; chứng chỉ chất lượng và tem truy xuất nguồn gốc. Ước tính mỗi sản phẩm chỉ cần đầu tư, hỗ trợ trên dưới 100 triệu đồng là có thể giải quyết căn bản các yêu cầu “Ba có”. Ngoài ra, từ nay các dự án, các mô hình đầu tư vào nông nghiệp nên lưu ý yêu cầu “Ba có”. Tránh tình trạng đầu tư hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng vào hạ tầng, vào công nghệ mà quên mất dăm ba chục triệu đồng cho đăng ký nhãn hiệu, chất lượng hoặc dán tem truy xuất nguồn gốc.