Tăng đột biến ca cấp cứu do uống thuốc độc dịp Tết
- 08:00 21-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày Tết vừa qua có 37 người được chuyển đến cấp cứu thì có tới 13 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy paraquat. Cao điểm có ngày 3 ca nhập viện vì chất diệt cỏ nguy hiểm này.
“So với Tết năm ngoái và so với ngày thường, đây là con số tăng đột biến”, TS Dũng thông tin.
Một ca ngộ độc đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai |
Mới nhất, trưa nay, Trung tâm tiếp nhận nam thanh niên 19 tuổi (Quốc Oai, Hà Nội) uống nửa lọ thuốc diệt cỏ tự tử do cãi nhau với người yêu. Trước đó, có nam bệnh nhân 31 tuổi uống paraquat do làm ăn thua lỗ, nhiều trường hợp khác do mâu thuẫn gia đình...
Sau 1-2 ngày điều trị, nhiều trường hợp nặng, gia đình đã xin về nên BV chưa thống kê được tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên TS Dũng cho biết, từ thực tế điều trị, trên 70% bệnh nhân tử vong sau uống paraquat, tuỳ theo lượng uống. Tỉ lệ này ở những trường hợp uống trên 50ml là 100%.
“Khi đến viện, gia đình và bệnh nhân đều mong muốn được cứu sống, chúng tôi cũng rất nỗ lực nhưng thường tỉ lệ thành công rất hạn chế”, TS Dũng chia sẻ.
Những năm qua, số ca chuyển vào BV Bạch Mai cấp cứu do uống paraquat không ngừng tăng, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca năm 2015, 450 ca năm 2016.
TS Dũng cho biết, paraquat là chất kịch độc, bệnh nhân đau đớn, vật vã và tỉnh táo cho đến lúc chết do suy hô hấp, suy gan, suy đa tạng. Hầu hết những người uống đều không ý thức được mức độ nguy hiểm của loại hoá chất này. Đa phần người bị ngộ độc đều đang ở độ tuổi lao động, ít người già và trẻ em.
“Trong năm vừa qua, chúng tôi từng chứng kiến ca bệnh rất đau lòng khi một phụ nữ mang thai uống paraquat. Cuối cùng không chỉ mẹ chết mà cháu bé trong bụng cũng tử vong”, TS Dũng chia sẻ.
Hiện nay, cả Việt Nam và thế giới chưa có cách điều trị triệt để với các bệnh nhân uống parquat. Cách khử độc là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế.
Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5-7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp.
Đặc biệt, các bệnh nhân ngộ độc paraquat không thể thở oxy, nếu dùng sẽ sản sinh ra chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.
Bộ NN&PTNT đã có quyết định cấm sử dụng paraquat nhưng phải đến tháng 2/2019 mới bị cấm sử dụng hoàn toàn.
“Chúng tôi mong muốn càng sớm càng tốt vì mỗi năm Việt Nam có ít nhất 1.500 ca tử vong vì loại chất độc này”, TS Dũng nói.