Nữ đại gia vượt Hillary Clinton, vợ 'trùm' cafe Trung Nguyên khởi nghiệp đáng nể
- 06:21 20-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lên tầm quốc tế
Năm Đinh Dậu chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của các nữ doanh nhân Việt. Trong một bảng xếp hạng của tạp chí Forbes hồi cuối năm 2017 vinh danh những “nữ tướng” nổi bật toàn cầu, CEO Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Bà Thảo cũng là người Việt Nam duy nhất lọt bảng xếp hạng này (vị trí 55) và là một trong 4 người tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh những cái tên Angela Merkel, Thủ tướng Đức (ở vị trí số 1), Theresa May, thủ tướng Anh - người đang giúp nước này vượt qua giai đoạn Brexit, vụ chia tay EU.
Trong bảng xếp hạng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vượt trên bà Hillary Clinton và tiếp tục bỏ xa cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ nhờ vào khối tài sản tăng không ngừng khi VietJet liên tục báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng và Ngân hàng HDBank của nhà bà Thảo lên sàn.
Cập nhật tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đến ngày 28/1/2018 |
Tính tới cuối 1/2018, bà Phương Thảo được Forbes đánh giá có tài sản trị giá khoảng 3,3 tỷ USD, xếp thứ 728, cao hơn cả vị trí của đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump (3,1 tỷ USD, vị trí 774).
Trong khi bà Thảo nổi tiếng với hãng hàng không có hơn 5 năm bay thương mại, chiếm hơn 40% thị phần và các đơn hàng mua hàng trăm máy bay Boeing và Airbus, thì nữ doanh nhân khác đang sở hữu một thương hiệu lớn nhất Việt Nam: Vinamilk của bà Mai Kiều Liên.
Bà Mai Kiêu Liên nằm trong top 50 nữ doanh nhân châu Á quyền lực nhất do Forbes bình chọn. Bà là Tổng giám đốc Vinamilk, doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam với hơn 13,1 tỷ USD.
Bà Liên đã chèo lái đưa thương hiệu sữa 40 tuổi của Việt Nam tới hơn 40 nước trên thế giới và tiến tới mục tiêu lọt top 50 công ty sữa lớn toàn cầu. Bà cũng chính là người đưa Vinamilk lên niêm yết trên TTCK năm 2006.
Trên TTCK, giới đầu tư còn biết đến bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ. Bà Dung dẫn dắt PNJ trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lịch vực bán lẻ trang sức và rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước.
Hay bà Trương Thị Lệ Khanh - chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Vĩnh Hoàn - nổi tiếng tại nhiều thị trường và lọt top 10 người giàu nhất TTCK năm 2016.
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeaBank, cũng là một doanh nhân tầm cỡ quốc tế. Bà Nga hiện sở hữu chuỗi khách sạn cao cấp trong đó có 2 cái mang thương hiệu Hilton.
|
Trong khi đó, bà Lê Hồng Thủy Tiên, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn, nữ doanh nhân hàng đầu tại Việt Nam. Mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà nắm giữ 59% cổ phần IPPGroup, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, ghi dấu ấn đặc biệt của bà Lê Hồng Thủy Tiên. Doanh nghiệp nhà bà Thủy Tiên phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex,... và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts,... với doanh thu hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây sự chú ý với hình mẫu nữ doanh nhân thành đạt với tư cách là Chủ tịch và CEO của thương hiệu King Coffee tại Việt Nam. Sản phẩm cà phê hòa tan của công ty này đã bước chân vào 60 thị trường quốc tế.
Nâng tầm thương hiệu Việt
Mặc dù rất bận bịu với trăm công ngàn việc của người phụ nữ, nhiều nữ doanh nhân Việt đang rất thành công với công việc kinh doanh của mình, thậm chí còn nâng các thương hiệu Việt lên tầm quốc tế.
Chia sẻ tại APEC CEO Summit 2017, nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo nói về tham vọng dẫn đầu với tầm nhìn toàn cầu. Theo đó, VietJet sẽ cho phép khách hàng bay khắp thế giới chứ không chỉ các chuyến quốc tế ngắn.
Mặc dù vẫn phải lo các công việc trong gia đình như bao phụ nữ khác nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chính là người đã tạo nên một thương hiệu hàng không phát triển nhanh chưa từng có trong khu vực và tạo ra một xu thế đi lại mới tại Việt Nam.
|
Hơn một thập kỷ thành lập, 5 năm trên bầu trời, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở thành một hiện tượng trong ngành hàng không thế giới, phổ cập dịch vụ hàng không trong nước. Bà là nữ tỷ phú đô la đầu tiên, duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á theo xếp hạng của Forbes.
Thương hiệu Vinamilk của bà Mai Kiều Liên cũng đã đến tới với rất nhiều thị trường. Bà là người xây dựng, quản trị và điều hành thương hiệu lớn nhất Việt Nam với những quyết định mang tính bước ngoặt như đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm (đầu những năm 90), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), niêm yết VNM trên TTCK (2006)...
Với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, trong hơn 2 thập kỷ gắn với cà phê, bà là người mở những quán cà phê tại Singapore, mang các sản phẩm thơm ngon ở trong nước đến với quốc tế.
Sau thương hiệu Trung Nguyên, bà Diệp Thảo đang đổ tâm huyết vào hiện thực hóa ước mơ gây dựng nên một thương hiệu cà phê “Made in Vietnam” King Coffee được biết đến trên thị trường quốc tế.
Các nữ doanh nhân Việt nổi tiếng trên thế giới có người trẻ tuổi, mới nổi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, có người lãnh đạo từ thời bao cấp, song hành với các doanh nghiệp từ thời kỳ Nhà nước sang tới thời kỳ cổ phần như bà Mai Kiều Liên, Nguyên Thị Mai Thanh (REE),... Mỗi người một vẻ nhưng đều rất năng động, nhân hậu và trí tuệ. Họ chính là người xây dựng, quản trị và điều hành những thương hiệu lớn hàng đầu Việt Nam và nâng tầm các thương hiệu này sánh vai với các thương hiệu quốc tế.