Nửa thế kỷ chăm 12 gốc cây, lão nông đổi đời không ngờ
- 10:36 19-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
12 cây vải làm thay đổi cuộc đời
Ngồi trước căn nhà mái bằng đã nhuốm màu thời gian vì rêu phong nhưng bên trong khá tiện nghi, ông Giáp Văn Thành - Tổ trưởng Tổ sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết, ông có 300 gốc vải, một diện tích nhỏ trồng cam và bưởi, với tổng diện tích hơn 1ha mỗi năm cho lãi 0,5 tỷ đồng.
Ông Thành tâm sự, năm nay ông đã hơn 60 tuổi. Tuy đã già, cháu nội, cháu ngoại cũng đã học gần hết cấp hai, thế nhưng hai vợ chồng ông vẫn tự tay chăm sóc vườn vải thiều. Bởi, ông cả cuộc đời ông đã gắn bó với đồi vải này.
Ông kể, hồi mới 5-6 tuổi, ông đã biết đến cây vải thiều dù khi ấy, vải chưa được trồng nhiều. Đến khi lớn lên, lập gia đình và ra ở riêng, ông dành một khoảng đất sau vườn trồng 12 cây vải thiều khi xin được giống từ một người quen.
Ông Thành đứng bên cạnh cây vải mà ông đã trồng trong vườn từ những năm 1986 - cây trồng đã giúp gia đình ông đổi đời (ảnh: B.Hân) |
“Không nhớ chính xác nhưng hình như vào năm 1985 hay 1986 thì phải. Trồng 12 cây vải ấy cũng chỉ vì thích, vì ấn tượng với vị ngọt thơm của quả vải thôi chứ tôi không nghĩ là trồng lấy quả để bán”, ông nói.
Ông Thành cho biết, lúc đó gia đình ông khá nghèo khó, ở trong ngôi nhà bé tí teo đủ chỗ chui ra chui vào bởi trồng lúa, khoai, sắn không đủ ăn. Trong khi đất vườn nhà rộng, khoảng vườn sau nhà để không cũng chẳng làm gì nên ông xin cây vải về trồng lấy bóng mát, đến mùa lại có quả ăn đỡ đói.
Song không ai có thể ngờ được, 4 năm sau đó, 14 cây vải bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, sai trĩu cành. Bất ngờ hơn, vải thiều được thương lái đến tận nhà mua với giá cao. Thế là hái được bao nhiêu vải trong vườn, ông đem bán hết lấy tiền.
Mấy năm sau, giá vải càng ngày càng tăng, thương lái tranh nhau mua nên có thời điểm, vải có giá 34.000 đồng/kg. Trong khi, cây vải cứ vụ sau lại sai quả hơn vụ trước nên khoản tiền thu được từ bán vải cũng ngày càng nhiều.
Đến năm 1994, sau 5 vụ thu hoạch, ông Thành đã xây được căn nhà mái bằng 1 tầng với chi phí lên tới 80 triệu đồng, sắm được một chiếc xe máy giá 10 triệu đồng. Không nhớ giá lúa hồi đó là bao nhiêu, nhưng ông chắc chắn là đất mặt đường quốc lộ giá 1 suất 30 m2 chỉ 8 triệu đồng.
Ngoài khoản tiền lãi từ 300 gốc vải trong vườn, mỗi năm, ông Thành còn thu gần 100 triệu từ bưởi ngọt (ảnh: B.Hân) |
Đến giờ, 12 cây vải ông trồng từ những ngày đầu vẫn còn nguyên. Ông kiên quyết không chặt bỏ.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn, 12 cây vải đang xanh tốt. Nhìn chúng đã khá già cỗi nhưng theo ông Thành, mỗi năm, những gốc vải này vẫn cho quả đều đặn, với 3 tạ quả/gốc. Chúng đã giúp ông đổi đời, xây được căn nhà kiên cố, có được chiếc xe máy đầu tiên trong đời và đặc biệt là giúp gia đình ông thoát đói nghèo.
“Giờ làm vải xuất khẩu đi Mỹ, đi Úc mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng nhưng tôi vẫn muốn giữ căn nhà này, không nỡ phá để xây nhà mới to đẹp hơn. Bởi, gắn với nó là kỷ niệm, là dấu mốc để thấy rằng nhờ cây vải thiều mà gia đình tôi thoát nghèo, có được cuộc sống sung túc như bây giờ”, ông chia sẻ.
Ông Thành tiết lộ, ở thôn của ông có 270 hộ dân, đến nay 20 hộ đã mua ô tô, những hộ khác cũng dư dả tiền nhưng họ không thích vì mua xe cũng không đi đâu. Nhìn quanh đâu cũng là nhà tầng, có hộ xây 3 tầng nhìn như biệt thự giữa vườn vải.
Giấc mơ quả vải xuất ngoại khắp thế giới
Cũng là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lục Ngạn, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - tự hào cho biết, vùng đất đồi núi nơi ông sinh ra giờ vải thiều bạt ngàn. Dân Lục Ngạn giờ giàu có, sung túc với nhà lầu, biệt thự, xe hơi, có của ăn, của để.
Ngoài vải thiều, hy vọng các loại quả khác sẽ được sản xuất theo chuỗi, được chế biến thay vì xuất bán tươi như hiện nay (ảnh: B.Hân) |
Vui hơn là mấy năm nay, vải thiều thương hiệu Lục Ngạn, ngoài cung cấp cho thị trường nội địa và xuất sang Trung Quốc còn xuất hiện ở những hệ thống siêu thị của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Campuachia,... đem lại thu nhập khá cho người trồng. Đặc biệt, nơi đây còn trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất miền Bắc khi mở rộng diện tích trồng các loại quả khác như cam, bưởi, táo, nhãn,... doanh thu hàng năm lên tới trên 3.000 tỷ đồng.
Dân Lục Ngạn giờ xác định kinh doanh vườn chứ không chỉ làm vườn. Thế nên, họ làm theo chiều sâu, tạo dựng thương hiệu, chất lượng. Đó cũng là lý do, ở vùng cây ăn quả khác gần đây gặp tình trạng được mùa mất giá, ế ẩm phải kêu gọi giải cứu hay đổ bỏ, thì với dân Lục Ngạn, dù được mùa hay mất mùa thu nhập vẫn không đổi. Đó là nhờ thị trường ổn định, nhờ chú trọng đến chất lượng chứ không chạy theo sản lượng.
Song, với ông Thành và người dân Lục Ngạn, thành công đó chỉ là bước đầu. Họ vẫn đang nỗ lực để hoàn thành giấc mơ xây dựng thương hiệu quốc gia cho quả vải và xuất khẩu các các loại quả ở vùng đất này ra toàn thế giới.
Người dân Lục Ngạn hy vọng tới đây các loại cây ăn quả đều có thương hiệu riêng (ảnh: B.Hân) |
Ông Bình cho hay, vải Lục Ngạn đã có thương hiệu riêng, hiện đã được đưa vào chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, người dân cũng đang cố gắng làm chuẩn hơn để đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của các nước châu Âu. Điều đó có nghĩa là, trong tương lai không xa, vải thiều sẽ được xuất khẩu đi toàn thế giới.
Tương tự, dù mới trồng được vài năm, nhưng với các cây ăn quả khác, huyện ủy và người dân cũng đã chọn cách thức làm chuẩn ngay từ ban đầu để tiến tới bảo hộb chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh, táo ngọt,...
Trong khi đó, ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, kỳ vọng sẽ thay đổi từ mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, đặc biệt với quả vải, thay vì chỉ xuất vải tươi, vải sấy, tương lai không xa sẽ có thêm nhiều sản phẩm được chế biến từ quả vải Lục Ngạn nhằm nâng cao giá trị, giúp cây vải và những cây ăn quả khác phát triển bền vững hơn.