Con trai nhà văn Kim Lân giải mã tục thờ chó đá
- 10:36 18-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, con trai của cố nhà văn Kim Lân, là người đầu tiên sưu tầm những tượng chó đá, và cũng là người “nắm giữ” những bí mật ẩn sau những khối đá vô tri đã được các nghệ nhân dân gian thổi hồn.
Vì sao tượng chó đá không bao giờ thè lưỡi?
Mấy chục năm trước, trong một lần tản cư về vùng nông thôn, họa sĩ Đức bắt gặp những con chó đá bị vứt chỏng chơ ở các bờ bụi, mương máng. Có con bị ông chủ nhà hà tiện ném vào lò gạch đang đỏ lửa, để nung vôi lấy vật liệu làm nhà.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức lý giải về những bí ẩn bên trong bức tượng chó đá |
Khuyển mã chi tình, con vật trung thành gắn bó với cuộc sống của người Việt; con vật hiền lành gắn với tuổi thơ của bao thế hệ…
Không chỉ ông Đức, các anh chị của ông, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, họa sĩ Nguyễn Thành Chương… cũng bắt đầu sưu tập chó đá. Đã có thời điểm, đàn chó đá của gia đình các con nhà văn Kim Lân lên tới hàng ngàn con.
Gia đình họa sĩ Thành Chương, Mạnh Đức, Nguyễn Thị Hiền nổi tiếng khắp cả nước bởi số lượng đàn chó đá lên tới hàng ngàn con |
''Thời còn nhỏ, cha mình - cố nhà văn Kim Lân đã "nuôi" mấy con chó đá trong nhà: con đặt ngoài cổng làm nhiệm vụ gác cổng, con gác cửa nhà, một con khác thì đặt trong phòng ngủ, phòng làm việc của cố nhà văn.
Sở thích giản dị của người cha vô tình đã nhen lên trong các con một niềm đam mê như có “gen” di truyền'' - họa sĩ Đức nhớ lại.
Mấy năm trước, quanh ngôi nhà sàn dưới Hà Nội, ông Đức bày biện, sắp xếp cả một bầy chó với đủ các hình khối, kích thước, tư thế khác nhau.
Phần lớn đều ở dạng thô ráp, biểu trưng chứ không có con nào tinh xảo, rõ từng chi tiết, nhưng người vô tâm nhất cũng có thể gọi tên, đó là con chó đá chứ không hề nhầm sang bất kỳ con vật nào.
Bà Hiền “ôm” vào trong Nam, xưởng vẽ của mình 400 con chó đá. Họa sĩ Nguyễn Thành Chương, cũng có hàng trăm con chó đá nhấp nhổm bên trong khu “biệt phủ” ở đất Sóc Sơn…
Con vật hiền lành, gần gũi ngoài đời hóa thân thành một tín ngưỡng tâm linh để bảo vệ cuộc sống tinh thần của người Việt |
Ông Đức dẫn giải: Không bao giờ con chó đá của người Việt, dù là dân tộc nào, lại được đục theo kiểu ngồi thè lè lưỡi. Nó được cách điệu hóa: một cục đá xù xì, thô nhám hình con chó, vừa xem vừa hình dung được tướng mạo, các bộ phận của con chó, nhưng đó là một con vật rất hiền lành, đang làm nhiệm vụ canh gác. Nó không chỉ bảo vệ người, giữ nhà, không cho cái xấu vào bên trong ngôi nhà.
“Con chó thè lưỡi là con chó sống giữa mùa nóng bức, nó thè lưỡi, há mồm ra thở. Tư thế ấy không phải là tư thế canh gác, bảo vệ, cho nên không bao giờ người ta đục tư thế ấy cả”.
Chó đá giàu, chó đá nghèo
Theo họa sĩ Đức, để có được cảm giác an tâm thì họ nuôi con chó để nó giữ nhà. Nhưng con chó bình thường thì chỉ coi giữ được phần dương, còn muốn canh giữ phần âm thì phải "nuôi" chó đá. Do vậy, người ta đẽo một con chó đá và chôn trước cổng hoặc cửa nhà.
Người tạo tác ra chó đá đã thổi hồn vào phiến đá vô tri, cho nó một ý nghĩa biểu trưng sinh động |
Nhiệm vụ của chó đá là xua đuổi tà ma, yêu quái vào nhà quấy nhiễu, xua đuổi bệnh tật, mang đến tài lộc cho gia chủ. Chính vì nó có ý nghĩa như vậy nên một số người am hiểu văn hóa cổ của dân tộc thường tặng nhau con chó đá với ý nghĩa mang lại nhiều tài lộc. Về mặt thẩm mỹ, giới kiến trúc và giới họa sĩ mê chó đá bởi sự giản dị, mang đậm hồn quê...
“Nhìn vào con chó đá ngồi ở cổng là người ta có thể nhận biết gia đình đó là giàu có, sang hèn ra sao. Những nhà giàu, có thế lực thường thuê thợ khéo đục chó đá lớn hơn, nhưng không có con nào bệ vệ, dữ dằn theo kiểu giống cho Tây, chó Ngao ngày nay người ta vẫn nuôi làm cảnh.
100% các tượng chó đá đều ở tư thế ngồi, hai chân chống phía trước, mắt nhìn thẳng, tai vểnh, mõm hướn về phía trước. Đó là tư thế bảo vệ, canh giữ, luôn sẵn sàng chiến đấu'' - lời họa sĩ Đức.
Nhìn bức tượng chó đá, có thể biết chủ nhân của nó đang cất giữ điều gì |
Tượng chó đá bày xung quanh biệt phủ Thành Chương |
Khi xây nhà, người ta thường tự đục đẽo lấy, do vậy, mỗi con chó đá mang một dáng dấp, hình dạng khác nhau. Người đẽo chó đá có tính cách như thế nào thì nó biểu hiện ra con chó đá như vậy. Mỗi gương mặt chó đá có một đời sống khác nhau rất sinh động: con bệ vệ, oai phong, con tham ăn, tham uống, con yếu đuối, hiền lành, con dữ dằn, ma mãnh, con lo âu, sợ hãi, con vui vẻ, hoan hỉ...
"Những con chó đá bình dân này rất tự nhiên, không theo quy ước gì và do vậy nó mang tính cách điệu rất cao. Chó đá gần gũi, đơn giản, gắn với đời thực chứ không thần thánh hóa như những con nghê đá, sư tử đá, rồng đá thường thấy trưng bày ở nhà giàu ngày nay” - ông Đức cắt nghĩa.