Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xuyên đêm đi vận động đồng bào giao nộp vũ khí

Những ngày giáp Tết nhưng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi vẫn tích cực xuyên đêm đến từng bản vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật nổ nhằm hạn chế tai nạn, đảm bảo ANTT trong những ngày Xuân.

Sát Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trời rét căm căm, tổ công tác của Đồn Biên phòng Na Ngoi (BĐBP Nghệ An) vẫn tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lượng liên quan đến vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ tại bản Phù Khả 1 (xã Na Ngoi, Kỳ Sơn). Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

 Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào giao nộp vũ khí tại các điểm bản. Ảnh: Hùng Phong

Xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn có 19 bản, trong đó có 1 bản người Khơ Mú, 1 bản người Thái, còn lại 17 bản đồng bào dân tộc Mông. Đồng bào sinh sống trên địa bàn xã từ lâu đã quen dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng. Nhưng cùng với đó, nhiều hệ lụy đã phát sinh trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí vật nổ trong dân.

Mở đầu buổi vận động, cán bộ tổ công tác nêu lên những tác hại của việc tàng trữ vũ khí, vật nổ; các quy định của luật pháp về tàng trữ vũ khí, vật nổ đồng thời vận động dân bản tự giác giao nộp vũ khí, vật nổ hiện có.

Có ý kiến đơn lẻ rằng, việc sở hữu súng là thể hiện sức mạnh và theo truyền thống mỗi gia đình phải có 1 khẩu súng kíp. Tuy nhiên, già bản Vừ Nỏ Chùa cho rằng, ngày nay thú dữ trong rừng cũng sắp hết, việc bảo vệ mùa màng, nương rẫy đã có Bộ đội Biên phòng, có cán bộ lo cho nên dân bản ta cũng không cần cất trữ vũ khí nữa, dân bản ta hãy tự giác giao nộp cho cán bộ đi thôi.

  Người dân tự giác giao nộp vũ khí. Ảnh: Hùng Phong

Nghe theo lời nói phải, sự phân tích có lý, có tình, ngay sau đó, dân bản Phù Khả 1 đã tự giác giao nộp cho tổ công tác 8 khẩu súng kíp, 2 nòng súng kíp và 2 khẩu súng bắn cồn…

Ông Mùa Do Thái - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi chia sẻ: Việc người dân còn tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật nổ một phần xuất phát từ tập quán xa xưa của đồng bào. Tuy nhiên, qua tuyên truyền vận động cơ bản người dân vẫn hiểu rõ được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Việc Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp địa phương tiến hành tuyên truyền vận động đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào. Quan trong nhất là giữ gìn sự bình yên của các bản làng biên giới.

Trước Tết nguyên đán, mặc cho thời tiết mưa rét, nhiều công việc phải lo toan song bước chân Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi và cán bộ địa phương vẫn cần mẫn đến 19/19 bản làng kiên trì truyên truyền vận động.

Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín nên đồng bào đã tự giác giao nộp cho đơn vị được 40 khẩu súng kíp, 10 nòng súng kíp, 10 khẩu súng bắn cồn, 20 kíp nổ.

Bên cạnh đó, 100% hộ dân còn ký cam kết với nội dung: “Sẽ không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vât liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật. Nếu cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ gia đình chúng tôi xin chịu mọi hình thức xử lý trước pháp luật”.

 Số vũ khí người dân tự nguyện giao nộp. Ảnh: Hùng Phong

Đại úy Nguyễn Bá Kỷ - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Ngoi khẳng định rằng, trong dịp Tết nguyên đán sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân.

"Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tiến tới chấm dứt tác hại do việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật nổ, công cụ hỗ trợ… để đồng bào vui Tết, đón Xuân yên bình”, Đại úy Kỷ cho biết thêm.