Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phía sau manh áo mới cha mang về ngày 30 Tết

“Khác với những năm trước, 30 Tết năm đó, bố tôi đưa về cho chúng tôi mỗi người một cái áo, một cái quần. Số quần áo đó còn rất mới nhưng lại rộng thùng thình…”- Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ nhớ về kỷ niệm ăn Tết trong những năm bao cấp.

Sinh ra ở Hưng Nguyên - một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, cho biết, ông đã từng trải qua những cái Tết vô cùng thiếu thốn.

“Tết đến, những đứa trẻ mong được ăn, được mặc quần áo mới nhưng nhà tôi đông anh em nên bố mẹ thường không mua được quần áo mới cho chúng tôi.

 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ. Ảnh: Nhật Linh

Năm 1970, bố tôi làm việc ở công ty Kim khí tỉnh. Công ty này có một xưởng nhuộm quần áo. 30 Tết năm đó, bố tôi đưa về cho chúng tôi mỗi người một cái áo, một cái quần để mặc Tết.

Đó là những cái áo, cái quần không hề vừa với chúng tôi nhưng mới hơn rất nhiều so với những bộ quần áo mà mấy chị em tôi vẫn mặc thường ngày. Vì thế chúng tôi sung sướng lắm… Không ngờ sau Tết, bố tôi về lại công ty và mang số quần áo đó đi. Chị tôi và tôi rất bất ngờ còn em tôi thì gào khóc mãi”, ông Hùng Vỹ xúc động nhớ lại.

Hóa ra vì thương con, ông cụ đã nói dối. Khách hàng mang quần áo đến xưởng để nhuộm. Ông cụ nhận và cũng đã nhuộm xong từ trước Tết. Tuy nhiên ông cụ không trả khách mà nói dối với khách. Sau đó, cụ âm thầm mang về nhà để các con có quần áo mới mặc Tết.

 Đường phố Hà Nội những ngày Tết xưa. Ảnh: Tư liệu

“Lúc đó, tôi học lớp 6. Sau khi hiểu được hành động của bố tôi, tôi không dám giận bố. Tuy nhiên tôi chợt nghĩ, thế ra, chị em mình được mặc quần áo mới thì một cậu bé, cô bé nào đó lại không có quần áo mới để mặc. Vì thế tôi cứ trăn trở và thấy thương những đứa trẻ đó mãi...”, ông Vỹ nhớ về cái Tết không vui trọn vẹn của mình.

Hàng chục năm sau đó, những cái Tết đủ đầy vẫn là mong ước của ông Vỹ và rất nhiều người sống cùng thời với ông.

Ông Vỹ kể, Tết đến, mọi người phải xếp hàng mua từng chiếc lá dong. Sau đó, không đủ gạo nếp để gói bánh chưng người dân quê ông còn phải đi nhổ sắn rồi nạo thành sợi mỏng trộn lẫn với gạo để gói.

“Lớp trẻ thời nay không phải ăn cơm độn sắn và cũng chưa từng ăn bánh chưng nấu lẫn với sắn nên họ không thể hiểu. Ngay như trong nhà tôi, mỗi lần tôi kể chuyện ăn bánh chưng độn sắn, các con tôi còn bảo, sao bố mẹ ngày xưa sướng thế? Vì bây giờ, sắn là món ăn ưa thích và sắn cũng đắt ngang như gạo” - nhà nghiên cứu văn hóa sinh năm 1955 hóm hỉnh khi nhắc về kỷ niệm xưa.

 Cảnh xếp hàng mua vải thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu

Theo nhà nghiên cứu sinh năm 1955, trước và trong những năm bao cấp, phần lớn người dân đều vô cùng thiếu thốn. Có những gia đình nông thôn, cả năm chỉ được ăn thịt vào ngày Tết. Vì thế già trẻ, trai gái đều mong đến Tết để được một miếng ăn ngon.

Riêng những giáo viên như ông, hàng tháng vẫn được chế độ tem phiếu để mua thịt. Tuy nhiên số lượng thịt mua được không đáng bao nhiêu nên nhà trường phải tăng gia để có thêm thịt cho các nhân viên đón Tết.

“Tết đến, mỗi giáo viên được chia thêm 1 kg đến 1,2 kg thịt lợn. Tôi là người đứng ra chia thịt cho anh em”, ông Vỹ nhớ lại.

Sau khi chia thịt xong, có giáo viên đến nhận ngay nhưng cũng có những người bận việc, nửa buổi sau mới đến lấy. Vì thế ông phải bảo quản bằng cách treo thịt lên. Thế nhưng tiết trời gần Tết hanh hao khiến thịt bị khô, người đến lấy thịt mang theo cân nên thấy hụt nên ông Vỹ lại phải cắt thịt ở phần của mình để bù vào…

“Thiếu thịt nên nhân bánh chưng nhà tôi toàn sử dụng hành củ và hành lá thế mà luộc bánh lên, cả nhà ăn miếng nào cũng tấm tắc ngon…”- ông Vỹ cười nói.

Bây giờ, thực phẩm không còn quá thiếu thốn, cái Tết của mỗi gia đình cũng sung túc và đủ đầy hơn. Nhiều người nói, họ muốn quên đi những năm đói kém và cả những cái Tết với vài miếng thịt mỏng trên mâm.

Tuy nhiên với ông Vỹ, ký ức về những cái Tết nghèo đói vẫn luôn đong đầy bởi ông bảo, có đi qua những khó khăn, đau khổ ông mới thấy thêm yêu những hạnh phúc, đủ đầy sau này...