Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tết đong đầy nỗi nhớ của người Việt ở Mỹ

Dù ở nơi có không khí đón Tết tưng bừng hay kém náo nhiệt, người Việt ở Mỹ đều mang chung tâm trạng bồi nhớ quê hương.

 Chị Tiểu Vân vui mừng vì chuẩn bị được nhiều đồ đón Tết. Ảnh: NVCC.

Những ngày sát Tết Mậu Tuất, chị Tiểu Vân, một người Việt sống ở thành phố San Jose, bang California, thêm bận rộn chuẩn bị đồ ăn và trang hoàng nhà cửa để đón năm mới.

Nhờ các khu chợ Việt có đầy đủ nguyên liệu nên chị cố gắng sửa soạn mâm cỗ có các món đặc trưng như bánh chưng, bát tét, dưa, giò thủ, giò lụa. Đặc biệt, ba ngày Tết của gia đình không thể thiếu món thịt kho, là món "tủ" của chị Vân, được ông xã và các con hưởng ứng nhiệt tình. Mâm ngũ quả có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, mang ý nghĩa "Cầu sung vừa đủ sài", dù giá mãng cầu khá đắt đỏ, khoảng 20 USD một kg.

Công việc chị Vân thích nhất là cùng chồng cắt tỉa những cành đào từ ba cây to bự trồng ngay trước cửa nhà. Với ba màu hồng đậm, hồng nhạt và trắng, chị Vân vừa dùng đào để trang trí vừa đem tặng họ hàng và bạn bè. Trong khi đó, giá đào ngoài chợ hay trung tâm thương mại dao động từ 20 USD đến 38 USD một bó 10 cành.

"Tôi thích nhất là Tết được diện áo dài, đi chùa ai cũng mặc trang phục đó khiến tôi rất bồi hồi. Tiếng pháo rộn ràng cũng thấy mình như đang ở Việt Nam", chị Vân chia sẻ. Tết cũng là dịp chị Vân được nghe trẻ em ríu rít nói tiếng Việt, vì chúng được người lớn khuyến khích "nói tiếng mẹ đẻ mới được mừng tuổi".

Không khí đón Tết ở San Jose, nơi có khoảng 200.000 người Việt Nam sing sống, rất náo nhiệt. Các trung tâm thương mại lớn có đủ loại hàng hóa, hội chợ cũng được tổ chức nhiều nơi. Tại Little Sài Gòn, trong khu Vietnam Town, rất đông người Việt tập trung để xem đám thanh niên đốt những dây pháo dài, xác pháo hồng phủ ngập lối đi. Cảnh sát thành phố và xe cứu hỏa được huy động túc trực để đề phòng sự cố. Không gian này khiến nhiều người Việt là du khách ở nơi khác đến có cơ hội tham gia vào những hoạt đông mang đậm truyền thống quê nhà và cảm nhận được sự ấm áp.

Ở thành phố Honolulu, Hawaii, Huỳnh Anh Đào cũng háo hức vì đã sắm được cả cành đào và cành mai để đón Tết. Đây là đồ trang trí chủ đạo của gia đình mà cô luôn ưu tiên, chiều theo ý thích của mẹ. Là chủ một nhà hàng Việt Nam nên Anh Đào rất bận rộn trong những ngày này. Cô làm bánh tét để phục vụ những người có nhu cầu nhưng cũng không làm nhiều, vì lá chuối tươi dùng để gói giá khá cao, khoảng 6 USD một kg.

Việc chuẩn bị đón năm mới ở Hawaii không náo nức như ở California vì phần lớn mọi người bận đi làm. Tuy nhiên người Việt ở đây cũng tổ chức hội chợ vào hai ngày cuối tuần 11-12/2. Anh Đào dự định đi chùa và và tổ chức một bữa cơm mời bạn bè đến nhà vào ngày mùng ba Tết. Cô gái Việt không khỏi "thèm" mặc áo dài vì ở đây "mặc xong không biết đi đâu".

"Khi nhìn trên Facebook, nhắc lại ngày này năm trước tôi và gia đình ăn Tết ở Việt Nam, tôi chỉ muốn được về luôn", Anh Đào nói. Vì thế, cô mong ước năm mới công việc kinh doanh gặp thuận lợi để sang năm có thể về lại Việt Nam ăn Tết.

 Anh Đào, thứ hai từ trái sang, cùng gia đình đón Tết ở Việt Nam năm ngoái. Ảnh: NVCC.

Cuối năm là thời điểm Bùi Hòa, sống ở Dallas, bang Texas, vừa bận học và bận đi làm nên cô không có thời gian chuẩn bị nhiều đón Tết. Hòa và một nhóm bạn lên kế hoạch tụ tập và làm một số món như gỏi gà, thịt kho, rồi đi chùa. Bánh chưng thì có thể mua ở ngoài chợ.

"Tôi không có gia đình ở đây nên cũng thấy nhớ nhà, nghe những bài hát mừng xuân mới mà không khỏi bùi ngùi", Hòa nói. Đã ba năm không về Việt Nam ăn Tết, cô nhớ nhất là cảm giác được diện quần áo đẹp và được lì xì. Từ nơi xa, Hòa mong bố mẹ luôn dồi dào sức khỏe và mọi chuyện với gia đình đều suôn sẻ.

Là người định cư ở California 20 năm nay, chị Tiểu Vân mong muốn người Việt vẫn giữ truyền thống đón Tết Nguyên đán. Nếu như một số người cho rằng nghỉ Tết dài ngày ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước thì có thể rút bớt ngày lại cho cân bằng. Tết là thời khắc quan trọng để mọi người nhìn lại năm cũ và đón chào năm mới.

"Tôi có rất nhiều mơ ước, mong cho mọi người không gặp thiên tai hay khủng bố gì, mong kinh tế khá hơn và mong cả đám trẻ ở San Jose nói tiếng Việt giỏi hơn", chị Tiểu Vân nói.