Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nỗi buồn khó nói của những người đi giúp việc nhà ngày Tết

Làm đến ngày thứ hai thì chủ nhà bị mất 10.000 USD, chị Hạnh bị kiểm tra túi xách và mời lên công an phường lấy lời khai.

7 giờ tối ngày 26 Tết, người đã thấm mệt sau ba ca làm, chị Hạnh (44 tuổi, quê Nghệ An) vẫn phải vội vàng đến nhà gia chủ ở quận Bình Thạnh (TP HCM) để tiếp tục công việc dọn dẹp nhà cửa cho họ. Vừa thấy chị ngoài cổng, nữ chủ nhà mừng quýnh, nhanh chóng hướng dẫn việc cụ thể rồi đưa các con đi siêu thị. Nhìn căn nhà rộng thênh thang, chén bát, đồ dùng, khăn trải bàn, rèm cửa… ngổn ngang, chị Hạnh ngán vô cùng, chỉ muốn bỏ về nghỉ, nhưng lỡ đồng ý với người ta thì phải giữ lời hứa.

11 giờ khuya, chị Hạnh mới hoàn thành đống việc ở nhà khách. Cứ như thế, những ngày giáp Tết này, ngày nào chị cũng đi làm từ sáng sớm đến tận khuya. Trở về nhà, người mệt nhoài, chỉ kịp tắm rửa, ăn bát cơm nguội rồi lăn ra ngủ. Như hiểu được vất vả của vợ, anh Thành lo làm hết việc nhà, chăm sóc các con, tự sắm đồ, chuẩn bị mâm cỗ cúng ngày Tết.

“Nhìn ba cha con tự lo cho nhau thấy tội nghiệp lắm, nhưng biết làm sao được, công việc của tôi chỉ có mấy ngày này là bận, lương cao gấp đôi. Còn ngày thường, tôi chỉ làm cho hai gia đình đã ký hợp đồng từ mấy năm trước”, chị Hạnh nói.

 Dịp Tết, nhu cầu thuê giúp việc nhà của các gia đình tăng cao nhưng người làm không đáp ứng đủ. Ảnh minh họa: vhservices

Chị cho biết, từ quê vào Sài Gòn làm nghề giúp việc theo giờ đã hơn 10 năm. Thời gian đầu, phải thông qua các công ty môi giới chị mới có việc. Mấy năm trở lại đây, với sự thật thà, ngăn nắp, biết giúp đỡ người khác, chị được nhiều gia chủ quý, họ cứ gọi chị đến làm rồi giới thiệu cho bạn bè, nhất là những ngày cuối năm. Thế nhưng, được như ngày hôm nay, chị Hạnh phải trả bằng nước mắt, sự hờn tủi, bỏ qua những mặc cảm, tự ti và cái tôi của mình.

Nhớ lại kỷ niệm cười ra nước mắt của một ngày giáp Tết 8 năm trước, chị Hạnh không giữ được cảm xúc. Được một người vợ Hàn Quốc lấy chồng Việt (quận 2) thuê với mức lương 60 nghìn đồng một giờ, bao gồm dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, rửa chén bát, giặt quần áo… nếu làm tốt sẽ ký hợp đồng lâu dài, chị mừng lắm, bụng nghĩ, đây là hợp đồng tốt vì có cơ hội làm việc với người nước ngoài, thu nhập lại cao.

Ngày đầu tiên, công việc của chị diễn ra tốt đẹp. Chủ nhà và người giúp việc vô cùng ăn ý. Vậy mà, hôm sau, chị vừa đến cổng đã bị kiểm ra túi xách, yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân và mời lên công an phường để lấy lời khai. Bất ngờ và không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng chị vẫn nhẹ nhàng hợp tác. Cho đến khi, gặp nữ chủ nhà, ánh mắt giận giữ, tay chỉ vào mặt nói lớn bằng tiếng Việt “đồ ăn cắp”, chị Hạnh mới ngớ người.

Hóa ra, nữ chủ nhà bị mất 10.000 USD và cho rằng người giúp việc mới lấy nên trình báo công an. Dù chị Hạnh khẳng định mình bị oan nhưng chẳng ai tin. Phải đến ngày làm việc thứ ba, công an mới tìm ra thủ phạm là người giúp việc trước, mới nghỉ trước khi chị Hạnh đến một ngày.

“Tôi chấp nhận lời xin lỗi, họ cũng hứa bồi thường khoản tiền lớn, nhưng tôi không thể nhận và tiếp tục công việc được nữa. Mất tài sản ai cũng xót, nhưng cách người ta nhục mạ, đổ lỗi cho mình khi chưa có bằng chứng thì buồn quá”, chị kể. Thế nhưng, đó cũng là tình huống giúp chị nhận ra, dù làm bất cứ việc gì cũng đừng nên dối trá, lọc lừa mà hãy biết trân trọng và hết mình vì nó.

Tết năm nay, bà Đức (60 tuổi, quận 2) sẽ ở nhà nấu ngô mang đến các hội chợ, đường hoa, các khu vui chơi bán cho khách. Công việc hiện tại dù vất vả, phải thức khuya dậy sớm nhưng lại cho bà tự do, ngày nào cũng có thu nhập.

Những năm trước, công việc của bà là giúp việc nhà theo giờ. Vì sống một mình nên Tết đến, ở nhà buồn, bà đi làm cho khuây khỏa. Một ngày, bà làm cho 2-3 nhà, mỗi nhà 3 giờ, với mức lương 70 nghìn đồng một giờ. Từ sáng đến tối cứ phải luôn tay với những công việc, lau nhà, rửa chén bát, giặt giũ, tưới cây, chăm sóc động vật…, về đến nhà chân tay bà lúc nào cũng ê ẩm, lưng đau nhức, nhưng nghĩ đến số tiền thu lao sẽ được nhận gấp đôi, bà như quên đi tất cả, cố gắng mưu sinh. Vậy mà, chủ nhà không những tự ý bớt xén còn hết lần này đến lần khác khất lương. Đó cùng là nguyên nhân bà quyết định chuyển việc. “Thu nhập của công việc hiện tại chỉ bằng một phần khi đi giúp việc, nhưng ngày nào cũng có và nó là của mình”, bà Đức nói.

Nữ giám đốc một công ty giúp việc nhà tại TP HCM cho biết, rất nhiều người đi giúp việc gặp những tình huống như trường hợp của chị Hạnh và bà Đức. Bà còn nhớ trường hợp của Hương (quê Hà Tĩnh) là sinh viên, không có tiền về quê ăn Tết nên đăng ký đi giúp việc nhà theo giờ kiếm thu nhập. Chủ nhà Hương đến làm là một phụ nữ lớn tuổi, khó tính. Quá ức chế với giọng nói địa phương của cô, bà lớn tiếng quát mắng, xét nét từng chút một. Không chịu nổi, Hương cãi lại, vậy là hợp đồng chấm dứt.

Nữ giám đốc cho biết, đi làm giúp việc, gặp được gia chủ thân thiện, dễ chịu, thoải mái là một may mắn, còn không thì rất bi hài. Họ xét nét đủ chuyện, không vừa í là mắng chửi, xem người làm chẳng ra gì. Vì thế, để làm tốt công việc thì người làm phải bỏ qua tự ái, cái tôi cá nhân, nếu không thì rồi cứ thế mải miết đi tìm chỗ mới.