Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bóng đá Việt Nam mơ World Cup: Cần giải thoát tư duy kiểu ‘ao làng’!

Bóng đá Việt Nam luôn tồn tại một nghịch lý là các ĐTQG chơi rất hay ở sân chơi châu lục nhưng tư tưởng vẫn chưa bao giờ thoát khỏi chuyện "ao làng"...

Từ chuyện của người Thái

Ở sân chơi khu vực, bóng đá Việt Nam có thể gọi là “ám ảnh” bởi người Thái. Nguyên nhân là chúng ta nhiều lần thua Thái Lan trước cửa vinh quang, trừ chức vô địch AFF Cup 2008.

Thế nên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng bóng đá Việt Nam cần phải thắng Thái Lan để khẳng định sự tiến bộ. Nhưng có một nghịch lý là bóng đá Việt Nam đang cho thấy được sự thành công nhất định ở sân chơi châu lục, đến nỗi người Thái cũng phải ước ao.

Với những chức vô địch ở AFF Cup và SEA Games trong các năm qua, Thái Lan luôn muốn tiến xa hơn với mục tiêu vươn tầm châu Á. Họ muốn thành công ở châu lục để thoát hẳn “tư duy” thống trị ở sân chơi Đông Nam Á.

 Ở Đông Nam Á, Thái Lan là “ông kẹ” của Việt Nam.

Chuyện HLV Kiatisak chia tay ĐT Thái Lan là một ví dụ, dù huyền thoại này giúp cho bóng đá Thái Lan trở lại tư thế “ông Vua” Đông Nam Á với các chức vô địch AFF Cup và SEA Games. Khi tham vọng của Thái Lan muốn tiến ra châu Á và thắp ước mơ sẽ dự World Cup trong tương lai.

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam thất bại ở sân chơi Đông Nam Á nhưng đang cho thấy sự tiến bộ rất lớn ở châu lục. Năm 2018, Việt Nam có 6 ĐTQG dự sân chơi châu lục là một ví dụ thiết thực.

Năm ngoái, U20 Việt Nam dự U20 World Cup. Đầu năm nay, U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á. Đó là những tiếng vang mà Thái Lan thực sự phải ngưỡng mộ Việt Nam, bởi họ chưa bao giờ làm được như thế.

 U20 Việt Nam từng tham dự U20 World Cup

Thậm chí, sau thành công ở U23 châu Á của U23 Việt Nam thì người Thái và Đông Nam Á đang xem thầy trò HLV Park Hang Seo là tấm gương để phấn đấu.

Có thể nói bóng đá Việt Nam thành công đang trở thành nỗi “ám ảnh” cho chính người Thái, với giấc mơ vươn tầm châu lục sau những thành công dễ dàng ở Đông Nam Á.

Đến giấc mơ World Cup trong tư tưởng “ao làng”

Bóng đá Việt Nam sau những tiếng vang ở sân chơi châu lục thường có thói quen tập trung về Đông Nam Á, với giấc mơ vô địch những AFF Cup và SEA Games.

Năm 2007, ĐTVN vào đến tứ kết ASIAN Cup. U23 Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng Olympic 2008, đây cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam thời điểm ấy vẫn hướng về SEA Games 2007 diễn ra vào tháng 12. Mục tiêu cao nhất là giành HCV SEA Games, chứ không phải tự hào vì thành tích ở vòng loại Olympic 2008.

 Sau bao nhiêu năm, bóng đá Việt Nam vẫn mơ tưởng “ao làng”.

Hành trình xuyên suốt của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng cũng là ví dụ điển hình. ĐTVN trở thành “sân sau” để cho các cầu thủ trẻ, thậm chí những người dự bị ở CLB cũng được gọi lên với mục đích chính thử nghiệm, chọn lọc nhằm chuẩn bị cho SEA Games 2017.

Rất nhiều đời HLV cũng phải chia tay bóng đá Việt Nam vì thất bại ở sân chơi SEA Games hay AFF Cup, thay vì nhìn vào sự tiến bộ ở sân chơi khu vực và một cái nhìn tích cực để phát triển xuyên suốt.

HLV Miura hay HLV Falko Goetz bị sa thải là ví dụ thực tế. Họ tạo dựng được các ĐTQG thi đấu tốt ở sân chơi châu lục nhưng thành tích không tốt ở Đông Nam Á lập tức bị sa thải. Đó là một nghịch lý lớn khi thành tích ở “ao làng” được coi trọng hơn châu lục.

 Từ chức vô địch AFF Cup 2008 đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn đang làm mọi giá để mơ một lần lên đỉnh tiếp theo ở Đông Nam Á.

Bây giờ, HLV Park Hang Seo đang giúp các ĐTQG thi đấu tốt ở sân chơi châu lục. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là VFF liệu có định hướng sân chơi châu lục để mơ ra World Cup trong thời gian tới như bầu Đức ao ước?

Có lẽ, mọi thứ vẫn không thể nói trước điều gì vì năm 2018 vẫn có mục tiêu quan trọng của VFF là AFF Cup 2018. Một sự thất bại thì chẳng ai đảm bảo điều gì cho HLV Park Hang Seo, khi HLV Falko Goetz từng được hứa chắc nịch sẽ tại vị nhưng sau đó bị sa thải trong lúc về Đức đón Noel cùng gia đình.

Bầu Đức cho rằng sau một đêm bóng đá Việt Nam đã ra tầm châu lục. Ông bầu CLB HAGL mong ước bây giờ là sân chơi World Cup trong thời gian tới khi số đội được tăng lên. Nhưng “giấc mơ con” Đông Nam Á liệu có được giải thoát thành công của U23 Việt Nam để hướng ra “biển lớn”?