Trả 350.000 đồng mỗi ngày vẫn khó tìm người thu hoạch lá dong bán Tết
- 13:22 07-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một người dân nói rằng vườn dong 1.000 m2 của gia đình đều đã được các thương lái đặt hàng. Việc thu hoạch lá phải do chủ vườn tính toán, đảm bảo kịp bán cho thương lái đưa ra chợ.
21 tháng Chạp, ông Võ Kim Phượng (77 tuổi, ngụ ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm) phải một mình xuống vườn chặt dong cho khách.
Ông Võ Kim Phượng, 77 tuổi tự mình chặt lá dong kịp bán cho khách. Ảnh: Ngọc An. |
Cụ ông 77 tuổi cho biết vụ dong Tết bắt đầu thu lá từ 20 tháng Chạp và kết thúc vào 29 tháng Chạp. Vì vậy nếu không tìm ra nhân công, ông khó có thể bán được lá cho khách.
“Tôi đã đi khắp nơi, kêu nhiều người nhưng năm nay nhân công hiếm quá. Những người chấp nhận làm thì họ đòi trả tiền công cao hơn mọi năm, buộc tôi lo cơm trưa, nước uống”, ông Phượng nói.
Vườn dong của ông Phượng rộng trên 3.000 m2, khu vực gần suối có địa hình dốc cao, khó đi lại nên phải những người khỏe mạnh, siêng năng mới có thể làm được.
“Năm nay tôi tính thuê khoảng 20 người chặt vác, lựa lá. Giá thuê khoảng 200.000-350.000 đồng mỗi người một ngày”. Ông Phượng nói và cho biết thêm sau khi trừ các chi phí chăm sóc, thuê nhân công, gia đình ông lãi trên 60 triệu đồng từ lá dong vụ Tết.
Phân loại lá để bán cho khách hàng. Ảnh: Ngọc An. |
Tại vườn gia đình anh Nguyễn Thanh Tâm (43 tuổi, xã Quang Trung), nhiều người được “điều động” chặt lá để chủ nhà đáp ứng hàng cho thương lái.
Theo anh Tâm, những người đến làm việc đều được anh trả tiền theo thỏa thuận. Những lao động xa nhà thì mang theo nước uống, cơm trưa để nghỉ và ăn tại vườn. Anh Tâm nói: “Mọi người làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới chặt đủ lá cho thương lái. Thời gian làm việc khá căng, cường độ gấp gáp vì phải tranh thủ những ngày còn lại của năm”.
Xã Gia Kiệm là vùng trồng dong lớn nhất của Đồng Nai với diện tích hàng chục ha. Những nơi ven suối, địa hình hiểm trở, khó trồng cây công nghiệp, cây lương thực đều được nông dân “biến” thành vườn dong.
Nông dân cho biết cuối năm, thời tiết ở địa phương khá thuận lợi, nắng vừa nên dong phát triển lá mạnh, ít bị cháy quắt hay sâu bệnh. Do vậy, nguồn lá gói bánh Tết được các thương lái ở khắp nơi như Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu tìm về thu mua.
Sau khi thu hoạch, nông dân phân loại lá và bán ra thị trường. “Mỗi lá đại có bề rộng 30 cm, tôi bán với giá 1.500 đồng, các loại lá trung, lá chân (loại lá nhỏ nhất-pv), bán với giá 800-1.000 đồng”, anh Tâm nói.