Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Đất tặc" ở huyện Nam Đàn ngang nhiên "nuốt" rừng phòng hộ, đất nông nghiệp?

Trong khi UBND tỉnh Nghệ An đang ra sức chỉ đạo, quán triệt các huyện, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm vấn nạn khai thác đất trộm đem bán kiếm lợi bất chính, thì ở huyện Nam Đàn thực trạng “đất tặc” lại lộng hành...

 Đất nông nghiệp bị "xẻ thịt" giữa ban ngày nhưng UBND xã Nam Anh không có sự can thiệp, xử lý

"Nuốt" đất nông nghiệp

Gần cả tháng qua, cuộc sống của người dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An bị ảnh hưởng trầm trọng khi mà không kể ngày hay đêm, có hàng chục chiếc xe vận tải hạng nặng chạy vào xã này "ngậm” đất nông nghiệp rồi mang ra khỏi địa bàn.

Qua tìm hiểu của PV PL&DS, từ sáng sớm tinh mơ, những chiếc xe tải chạy bạt mạng, xuyên đường liên xã, rồi len lỏi vào khu vực trang trại một người dân tại xóm 9, xã Nam Anh để “ăn đất”.

 Xe chở đất quá khổ, quá tải chạy bạt mạng trên đường liên xã gây bức xúc cho người dân

Địa điểm lấy đất nằm ngay giữa cánh đồng lúa thuộc xóm, đây là khu vực trang trại của một hộ tên S (xóm 9, xã Nam Anh) làm chủ. Người dân địa phương cho biết, hoạt động khai thác đất tại địa điểm nói trên diễn ra gần cả tháng nay do một người đàn ông không phải người địa phương đứng ra làm “đầu nậu”.

Qua theo dõi PV ghi nhận, cứ cách khoảng 5 phút là có một chiếc xe tải chở đầy thùng đất nông nghiệp chạy ra khỏi địa điểm khai thác. Có những khi ba, bốn xe tải dồn nhau lấy đất cùng lúc rồi nối đuôi chạy ra ngoài.

 

Cứ thế, mỗi ngày, sẽ có hàng nghìn khối đất nông nghiệp được một chiếc máy xúc đào lên, rồi được đem ra khỏi địa bàn. Hoạt động khai thác đất nông nghiệp trái pháp luật diễn ra ngang nhiên nhưng không vướng bất kỳ một sự xử lý nào từ UBND xã Nam Anh.

Chưa dừng lại ở đó, chủ đầu nậu gom đất này còn để hàng chục chiếc xe vận tải nặng chất đất đầy thùng, không che chắn để đất vương vãi trên nhiều các trục đường liên xã, liên thôn, gây bụi bẩn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông , khiến người dân hết sức bức xúc.

"Xẻo" luôn cả đất rừng phòng hộ !

Còn tại xã Nam Thái, nạn khai thác đất lậu, "xẻ thịt" cả rừng phòng hộ diễn ra lâu nay khiến người dân địa phương cũng hết sức bất bình. Khu rừng phòng hộ, nằm sát QL46 đã được các đối tượng khai thác đất trộm ngang nhiên mở đường lớn vào sâu trong rừng để múc đất mang đi.

Người dân sống gần khu vực rừng phòng hộ bị “đất tặc” xẻ thịt cho biết: Thực trạng khai thác đất này diễn ra cả năm nay. Có thời điểm khai thác rầm rộ, nhưng có thời điểm thì một vài xe vào nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc khai thác này đã khiến mảnh rừng phòng hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Men theo con đường nối liền từ QL46 vào Cty heo thịt CP Nghệ An, qua cổng Cty heo thịt CP khoảng chừng 500 mét PV ghi nhận được việc rừng phòng hộ đang ngày đêm bị "xẻ thịt" không thương tiếc. Cùng chung số phận, xung quanh khu vực này, nhiều ngọn đồi thuộc diện đất nghèo kiệt cũng đã bị khai thác đất nham nhở.

 Cả gan mở cả đường xuyên rừng, vào đào bới, "xẻ thịt" đất rừng phòng hộ đem đi bán

Qua tìm hiểu, được biết toàn bộ đất khai thác được sẽ được các đối tượng đưa đi bán cho các công trình xây dựng ở địa bàn khác và một số nhà máy gạch.

Hàng triệu khối đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ mất dần, PV gõ cửa từng cơ quan chức năng đề cập về thực trạng này. Khi chúng tôi làm việc với ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh, vị này nói để xem lại thông tin sự việc vì ông chưa biết. Ông Đinh Xuân Quế - chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết sẽ giao cho Phòng TN&MT kiểm tra sự việc. Nếu đúng sẽ xử lý nghiêm.

UBND xã xã Nam Anh, huyện Nam Đàn có thật sự không biết tới thực trạng này? Chính quyền địa phương sẽ làm gì để bảo vệ đất, rừng? Do đâu "đất tặc" dám lộng hành như vậy? Đất lậu được các chủ đầu nậu mang bán cho những đơn vị nào, nhà máy sản xuất gạch nào?

PL&DS sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Điều 170, Luật Đất đai 2013. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất

Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 28, Luật Khoáng sản 2010. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, luật khoáng sản

Khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm:

a) Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa;

b) Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất;