Chuyện 'ông đồ Nghệ' nhất quyết từ chối lời mời ở lại trời Tây
- 08:25 05-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Làm đủ nghề nhọc nhằn để được đi học
Trong cái rét của những ngày cuối đông, ngôi nhà nhỏ ở thôn 4, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) lại ấm cúng đến lạ thường. Tiếp chuyện chúng tôi, Hoàng Hà Văn Hoàng (SN 1986, giảng viên trường Đại học sư phạm Đà Nẵng) cho biết: “Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành Xã hội học tại Nga, thu xếp mọi việc thì tôi lên máy bay về nước. May mắn là tôi hoàn thành nhiệm vụ đúng dịp về quê ăn tết Nguyên đán với gia đình”.
Hoàng là con đầu trong gia đình có 3 anh em, bố mẹ làm ruộng nên từ nhỏ gia đình khó khăn. Thu nhập chính từ những sào ruộng, con gà mà bố mẹ chăm bẵm. Ngoài việc học, Hoàng cùng nhóm bạn cùng trang lứa đi cắt cỏ, nhặt khoai phụ giúp bố mẹ. Tuổi thơ dữ dội của Hoàng là những bữa thiếu ăn, thiếu mặc. Biết hoàn cảnh gia đình nên chăm học, học giỏi, luôn phấn đấu vươn lên.
Hà Văn Hoàng bảo vệ luận văn thạc sỹ tại LB Nga. |
Học hết trung học phổ thông, Hà Văn Hoàng thi vào Đại học sư phạm Đà Nẵng, trúng tuyển với số điểm cao. Làm thuê, gia sư, trông xe... Hoàng không từ một việc gì để kiếm tiền ăn học. Khi có thời gian, anh lại đến thư viện nhà trường, miệt mài với những cuốn sách. Số tiền dành dùm được Hoàng cũng dành mua sách, chính vì thế giá sách của chàng sinh viên cứ thế nhiều hơn. Bởi vậy, bạn bè đặt cho Hoàng biệt danh “Ông đồ xứ Nghệ”. “Kỷ niệm nhớ nhất có lẽ là lần tôi đi xe đạp 12km để gia sư cho một em học sinh. Trời mưa, chiếc áo mưa mỏng tanh không che đủ cả người, tôi đành lấy áo mưa che sách còn mình chịu ướt”, Hoàng chia sẻ.
Hà Văn Hoàng. |
Năm 2009. Hà Văn Hoàng ra trường, vinh dự được nhận tấm bằng Đỏ. Hoàng được trường Đại học Phan Châu Trinh, trụ sở tại thành phố Hội An, (tỉnh Quảng Nam) mời về làm giảng viên. Một năm sau, Hoàng trở lại làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Đà Nẵng. Tháng 3/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học SP Đà Nẵng đề xuất, cử đi học Thạc sỹ chuyên ngành Xã hội học tại Liên bang Nga. Chặng đường mới trên đất khách quê người của chàng trai xứ Nghệ.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở xứ sở Bạch Dương
Sau 3 tháng học tiếng Nga, Hà Văn Hoàng đáp máy bay sang Mát-xcơ –va. Hoàng tâm sự: “Sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp, văn hóa, khí hậu là những khó khăn nhất. Tôi phải học thêm tiếng Nga để phục vụ cho nghiên cứu, mò mẫm từng câu, phát âm từng chữ rồi cũng học được”.
Tháng 7/2014, Hà Văn Hoàng bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ. Hoàng trở về nước, công tác tại trường Đại học SP Đà Nẵng. Đến tháng 10/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học SP Đà Nẵng lại tiếp tục cử Hà Văn Hoàng sang Liên bang Nga học Tiến Sỹ chuyên ngành Xã hội học. Đã có những nền tảng từ trước nên Hoàng hòa nhập nhanh chóng. Trong thời gian này, anh tham gia các hội thảo quốc tế, đăng tải gần 30 công trình khoa học trong nước và ngoài nước về Xã hội học. Xuất bản sách “Tiếp cận giáo dục đại học” bằng tiếng Nga tại Liên bang Đức.
Hà Văn Hoàng bảo vệ luận án Tiến sỹ tại LB Nga. |
Hà Văn Hoàng cho biết: “Tháng 5/2017, lúc tôi đang thời gian chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sỹ thì lãnh đạo trường Đại học Liên bang KaZan – Liên bang Nga mời tôi về làm cán bộ giảng dạy. Họ nói sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho tôi nhưng tôi từ chối. Mong muốn của tôi là hoàn thành nhiệm vụ của mình và trở về Đại học SP Đà Nẵng công tác, đóng góp một phần nào đó cho sự phát triển chung của trường. Nhiều người băn khoăn với quyết định của tôi nhưng tôi muốn trở về nơi tôi bắt đầu, nơi cho tôi những gì của ngày hôm nay”. Tháng 12/2017, bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ. Nhiều chuyên gia, giáo sư tại Nga mời Hoàng làm cầu nối giữa các đại học ở Việt Nam và các viện đào tạo tại Nga.
Chặng đường của chàng sinh viên nghèo Nghệ An vượt lên hoàn cảnh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà đất nước giao phó khi bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ tại Liên bang Nga khiến nhiều người khâm phục. Cái tên Hà Văn Hoàng sẽ được nhắc đến nhiều và trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ và sinh viên noi theo.