Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Món quà 500 USD từ vị khách ở phố cổ khiến thợ làm tóc bất ngờ

“Lúc em đang loay hoay cắt tóc cho khách thì nghe tiếng gọi của một người phụ nữ. Nhìn ra ngoài, em nhận ra chị ấy là khách quen, nhà ở khu phố cổ”, Huy Dương, một thợ làm tóc chia sẻ.

Sau 7 năm làm việc, Nguyễn Huy Dương (SN 1991, ở Đống Đa, Hà Nội) hiện là thợ cắt và làm tóc chính cho các cửa hàng uy tín tại Hà Nội.

“Nhiều hôm, em làm liên tục từ sáng đến tận khuya. Lúc cao điểm như dịp lễ Tết, có khi em phải làm đến tận 3 giờ sáng”, Huy Dương chia sẻ.

 Nguyễn Huy Dương (SN 1991), thợ làm tóc ở Hà Nội.

Làm tóc cho những khách hàng ở nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau, Huy Dương cũng gặp phải tình huống trớ trêu. Anh kể, 2 năm trước, anh nhận lời làm tóc cho một người đàn ông khoảng 45 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Người đàn ông này đến làm tóc ở cửa hiệu nơi Huy Dương làm việc. Từ khâu cắt tóc, làm tóc đến khâu gội đầu, ông ta đều yêu cầu rất cao.

Lúc này, Huy Dương tư vấn cho vị khách các kiểu tóc mới để giảm khuyết điểm và tôn ưu điểm. Tuy nhiên vị khách này không đồng ý, ông ta nhất định làm theo sở thích của mình.

Theo lời người thợ làm tóc sinh năm 1991, người đàn ông kia đưa ra một loạt ảnh các hot boy nổi tiếng trên thế giới với các kiểu tóc đang thịnh hành rồi yêu cầu anh phải làm cho ông ta kiểu tóc y như vậy. Khổ nỗi, ông ta không có được mái tóc và khuôn mặt đẹp như những người mẫu kia.

"Tóc ông ấy vừa cứng, phần mái lại thấp vì thế yêu cầu của ông ta hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên ông ta vẫn cứ khăng khăng đòi làm bằng được. Cuối cùng, em cũng chấp nhận chiều theo ý kiến của khách. Tuy nhiên khi làm xong thấy không đẹp, ông ta lại dỗi hờn đòi em phải chỉnh sửa lại”, Huy Dương nói.

Tuy nhiên theo Huy Dương, câu chuyện phía sau của vị khách 45 tuổi này còn ấn tượng đến mức khiến anh không thể nào quên.

Sau khi đã sửa lại mái tóc kia, ông ta gật đầu tỏ vẻ hài lòng với diện mạo mới của mình. Tuy nhiên, đến khâu thanh toán tiền, ông ta lại xin khất, để chiếc điện thoại cũ lại, hẹn Huy Dương hai hôm sau sẽ đến lấy lại và thanh toán tiền đầy đủ.

Ít ngày sau, Huy Dương gọi điện thoại để nhắc nhở vị khách đến của hàng thanh toán tiền. Tuy nhiên trong cuộc điện thoại này, ông ta mặc nhiên không nhắc đến số tiền đã nợ cửa hàng tóc lúc trước, thay vào đó, ông ta liên tục trêu đùa và gạ gẫm anh.

 Anh Nguyễn Huy Dương đang làm tóc cho khách.

“Vừa nhấc máy nói chuyện, ông ta đã cười khanh khách và trêu đùa em. Tối hôm đó, ông ta còn nhắn tin rủ em đi chơi. Em từ chối nhưng ông ta vẫn tiếp tục gạ gẫm. Em sợ nên hôm sau phải thay số điện thoại để tránh phiền phức”, Huy Dương cho biết.

Theo Huy Dương, lần đầu tiên rơi vào cảnh đó anh cũng rất sợ hãi. Tuy nhiên sau nhiều năm làm việc, anh tự rút ra cho mình kinh nghiệm là phải biết từ chối khéo những yêu cầu khiếm nhã của khách hàng để công việc được thuận lợi và cũng giúp những thợ làm tóc như anh tránh khỏi phiền phức.

Huy Dương chia sẻ về lần một đồng nghiệp của anh bị khách hàng đánh vì thiếu kỹ năng ứng xử.

“Đó là khi em đang làm ở một cửa hàng tóc khác, một bạn đồng nghiệp trong cửa hàng tóc thấy vị khách nam có bộ dạng xấu xí thì cười cợt, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội. Thấy hành động của người thợ cắt tóc là quá đáng, vị khách này đã lại gần nhắc nhở cậu nhân viên này.

Tuy nhiên thay vì xin lỗi và rút kinh nghiệm, cậu ta lại nói lời xúc phạm vị khách kia. Lời qua tiếng lại, họ lao vào nhau… Kết quả, cậu nhân viên bị đánh đến sưng tím mặt mày”, Huy Dương kể tiếp.

Huy Dương cho hay, làm nghề làm đẹp này nếu không khéo léo rất dễ gặp tai bay vạ gió. Nhiều năm theo nghề, anh rút ra kinh nghiệm phải khôn khéo, hòa nhã để bất cứ khách hàng nào đến với mình cũng đều cảm thấy hài lòng.

Kỷ niệm khiến Huy Dương nhớ nhất là khi anh đi làm trong buổi sáng ngày cận Tết. “Khi đó, em bắt đầu làm việc từ lúc 6 giờ sáng. Vì là ngày cận Tết ai cũng muốn mình xinh đẹp hơn nên mọi người kéo nhau đi làm tóc rất nhiều. Lúc đang loay hoay cắt tóc cho khách, em nghe tiếng gọi của một người phụ nữ. Nhìn ra ngoài, em nhận ra chị ấy là khách quen, nhà ở khu phố cổ. Hai hôm trước, chị ấy vừa cắt tóc ở cửa hàng em.

Chị ấy bước vào, trên tay cầm 500 USD và nhét vào túi áo em. Chị ấy bảo chị em chơi với nhau khá lâu, em nhiệt tình nên chị rất quý. Năm nay làm ăn khá hơn mọi năm, chị tặng em chút quà Tết. Nhận món quà ấy, em trân trọng lắm. Sau đó, em không tiêu, mà cất số tiền ấy đi. Vừa tiết kiệm và cũng vừa để làm kỷ niệm”, Huy Dương nhớ lại.

7 năm cần mẫn với công việc của mình, Huy Dương tâm sự, vì tính chất công việc này phải tiếp xúc với hóa chất nhiều nên sức khỏe của anh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là gặp vấn đề về thần kinh và phổi.

“Em có anh bạn, nhà ở tận Hòa Bình. Anh ta làm được ít năm vừa lên thợ chính được mấy tháng thì phát hiện bị ung thư phổi.

Nhà nghèo, anh ấy lại mắc bệnh như thế nên thu nhập bấp bênh. Mỗi lần gặp em, anh ấy tâm sự vẫn rất yêu công việc này và sẽ cố gắng làm đến những ngày cuối cùng. Nhìn anh ấy mắc bệnh như thế em cũng có chút chạnh lòng, tủi thân về nghề, nam nhân viên làm tóc trải lòng.