Tết 'fastfood': Cỗ đông lạnh đóng hộp, hâm nóng mời các cụ
- 07:52 05-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
15 phút xong mâm cơm cúng
Không tất bật ngược xuôi chợ búa mua từng củ hành, củ tỏi, rồi thịt lợn, thịt gà, cá mú,... như những năm trước, năm nay, chị Chu Thị Thuý Hà ở Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ cần ngồi liệt kê các món gia đình mình cần, sau đó gọi một cú điện thoại chưa đến 5 phút đã có thể giải quyết gọn gàng.
Chị Hà tâm sự, là dâu trưởng, tuy không quá nhiều khách khứa đến ăn uống ngoài mấy anh chị em trong nhà, nhưng Tết đến, năm nào chị cũng phải chuẩn bị mâm cơm tất niên, cơm cúng sáng ngày mùng 1 Tết, rồi cơm mùng 3 Tết, chưa kể khách đến chơi có người ở lại dùng bữa với gia đình. Trong khi, chuyện nấu nướng chị không nhanh nhẹn lắm nên mấy ngày Tết, công việc bếp núc khiến chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Nem mua sẵn về cất tủ lạnh, khi nào cần chỉ việc đem ra chế biến |
Chị nghĩ, Tết là thời gian để nghỉ ngơi sau cả một năm vất vả làm việc, là lúc để tụ họp, vui chơi, ngồi hàn huyên với bạn bè, người thân,... Nhưng từ khi về làm dâu, chỉ quanh quẩn trong gian bếp đã hết cả cái Tết của chị. Do đó, năm nay chị quyết định đặt cỗ đóng hộp để Tết được thảnh thơi hơn, mà đồ ăn còn ngon hơn đồ chị nấu rất nhiều.
"Năm ngoái tôi đã đặt thử một mâm cỗ cúng tất niên 10 món rồi, ăn thấy ngon, mâm cỗ chất lượng mà giá thành vừa phải, đặc biệt, cỗ lại giao đúng giờ". Chị nói và cho biết, cách đây 2 ngày chị đã hoàn tất việc đặt cỗ cho mấy ngày Tết.
Cụ thể, ngày 30 tất niên, chị đặt mâm cỗ 9 món trong đó có tôm tẩm bột chiên, cá chép chiên giòn, canh măng khô ninh móng giò, nem hải sản cua bể, bánh chưng, nộm rau củ, giò xào, gà luộc, miến xào. Tổng cộng hết 1,5 triệu đồng.
Sang đến ngày mùng 1, mùng 2 đi chơi nhiều, ăn uống sẽ đơn giản hơn nên chị đặt lẻ các món gồm: cá trắm đen kho giềng, canh măng, nộm, giò xào, nem, bắp bò ngâm mắm chua ngọt, dưa hành, thịt nấu đông,... Thức ăn được chia thành từng hộp riêng biệt, theo số lượng chị yêu cầu. Các món ăn nhận vào chiều 29 Tết, bảo quản trong tủ lạnh, đến khi ăn bỏ ra hâm lại. Mất chưa đầy 15 phút, chị đã có mâm cỗ Tết ngon lành, đầy đủ.
"Riêng mùng 3 Tết, tôi chuyển sang đặt lẩu cá. Đến hôm đó, họ mở hàng trở lại sẽ chuẩn bị cá tươi, rau ăn lẩu, nước dùng lẩu phục vụ tận nhà cho mình. Thế là an nhàn", chị Hà cho hay.
Tương tự, không phải là dâu trưởng nhưng từ nhỏ đến giờ, nấu cỗ không phải là sở trường của mình nên năm nay (năm đầu tiên gia đình ra ở riêng), chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở ngõ Chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cũng quyết định đặt "cơm hộp" cho cả nhà ăn Tết, đỡ phải lích kích chuẩn bị nấu nướng.
Chị lên danh sách đủ hết, mâm cỗ cúng tất niên có món gì, đêm giao thừa cúng gì, ngày mùng 1-3 Tết ăn gì đều được liệt kê chi tiết và đặt xong xuôi. Chị chỉ cần ra chợ mua hoa quả về làm mâm ngũ quả, mua bánh kẹo mứt về tiếp khách.
Một số người nói ra nói vào, bảo rằng nấu nướng ngày Tết mới có không khí gia đình nhưng chị nghĩ đặt hay nấu không quan trọng, miễn sao chị cảm thấy vui, đồ ăn thấy ngon là hợp lý.
"Thỉnh thoảng có cơ hội gia đình tôi vẫn đi ăn nhà hàng nên Tết này cứ coi như thay vì đến nhà hàng ăn, mình đặt đem về nhà ăn", chị nói.
Nhiều người chọn đặt mua cỗ để có thêm thời gian nghỉ ngơi ngày Tết |
Dịch vụ nấu cỗ "hốt" bạc
Theo ghi nhận của PV, mấy năm gần đây, dịch vụ nấu cỗ Tết nở rộ do nhu cầu ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, về mức giá cả mỗi mâm cỗ hay mỗi món ăn lại khác nhau rất nhiều vì tuỳ vào yêu cầu của khách.
Chị Nguyễn Thị Thu Giang ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, nấu cỗ Tết khác với nấu cỗ cưới hay cỗ tiệc. Bởi cỗ cưới thường làm với số lượng lớn nhưng các món ăn đều chất lượng giống nhau, cách chế biến giống nhau. Trong khi đó, cỗ Tết, mỗi nhà yêu cầu một món, 10 nhà đặt 10 mâm nhưng số món ăn phải nấu thì có thể lên đến 20-30 món vì có nhiều món không trùng nhau.
Theo đó, giá cả sẽ được tính theo yêu cầu của từng khách đặt. Đơn cử, một mâm bình thường 8 món giá sẽ từ 1-1,5 triệu đồng/mâm, mua theo món lẻ sẽ được tính theo từng món như nem cua bể 15.000 đồng/chiếc (nhân số nem lên tính tiền chứ không tính theo đĩa), canh măng ninh chân giò giá 250.000 đồng/bát, gà 170.000 đồng/đĩa, gà nguyên con giá 350.000 đồng/con (để nguyên con để cúng), nộm 120.000 đồng/đĩa, bánh chưng 80.000 đồng/chiếc,...
Giá cỗ năm nay không hề tăng nhưng lượng khách đặt tăng lên rất nhiều.
"Năm nay, chưa tính khách đặt món lẻ, chỉ tính riêng mâm cỗ cúng tất niên đã lên đến con số 40 với yêu cầu giao ngay vào hai ngày cuối cùng của năm. Còn cỗ lẻ ngày mùng 1-3 thì lên đến cả trăm đơn hàng", chị Giang khoe. Hiện chị đã chốt và không thể nhận thêm đơn hàng nữa.
Một số món nguội như giò xào, thịt đông, bánh chưng thì làm được trước được. Còn đồ xào, canh,... toàn phải chờ sát ngày khách đặt mới làm. Những ngày đó, người làm của chị thường phải thức xuyên đêm, ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ, chị Giang cho hay.
Trong khi đó, chị Dương Thị Thắm ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, chị đã có kinh nghiệm 5 năm liền nhận đặt cỗ Tết. Song, không giống như những năm trước, năm nay chị lên sẵn danh sách 25 món ăn làm thực đơn chính có thể ăn trong mấy ngày Tết, khách xem thực đơn lựa đặt món theo danh sách đó với mức giá dao động từ 60.000-350.000 đồng tuỳ món.
Trước mỗi khách đặt một kiểu, chế biến cực khổ vì cả trăm khách đặt mà chỉ duy nhất một khách yêu cầu món đó, nhưng lỡ nhận rồi vẫn phải làm. Năm nay, thực đơn nhà chị chỉ có các món cố định nên việc chuẩn bị nguyên liệu nhanh và dễ dàng hơn nhiều. Thế nên Tết chị nhận gần 100 đơn hàng làm cỗ Tết.
Chị Thắm tiết lộ, mùa Tết trước chị kiếm được hàng trăm triệu sau khi trừ chi phí. Mùa này khách đặt đông hơn nhưng chị chỉ nhận lượng cỗ vừa phải, bởi nhận nhiều làm không xuể mà làm ẩu thì mất khách.