Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên dạy học gần 20 năm mới có mấy trăm nghìn thưởng Tết

Những thầy cô cõng chữ lên non chẳng bao giờ dám nghĩ đến quà Tết. Họ chỉ mong trẻ con nơi khó khăn được ăn no, mặc ấm, đến lớp đầy đủ.

Chia sẻ với Zing.vn, thầy Trần Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành (xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), cho biết đã 25 năm công tác trong ngành giáo dục, mới đây, thầy Sơn mới biết đến thưởng Tết.

Học sinh chưa đủ áo ấm, thầy cô không dám nghĩ đến thưởng Tết

"Từ năm 2010 trở lại đây, do tiết kiệm ở những khoản chi khác trong trường nên cuối năm, tôi có sắp xếp được cho cán bộ nhân viên 200-300 nghìn đồng để đón Tết. Ngoài ra, trường không có kinh phí cho giáo viên đón Tết tại trường. Thực tế ở vùng cao, giáo viên không có khoản thu thêm ngoài lương", thầy Sơn nói.

 Thầy Trần Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành trao phần thưởng cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Thầy Sơn cho biết công tác tại trường Tiểu học Suối Giàng, giáo viên phải đi bộ mấy chục km để đến trường, giao thông rất khó khăn. Đến năm 2016, thầy chuyển công tác về tại xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. 100% người dân là dân tộc Dao, 7 thôn xã đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ dân chỉ trông chờ vào làm nương rẫy.

Thầy Sơn nói học sinh ở xã Nậm Lành còn chưa đủ mặc, thiếu quần áo ấm. Mỗi tháng, các em được trợ cấp 11 kg gạo và 22.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Mỗi gia đình một tháng đóng góp cho nhà trường 15 kg củi khô. Trước sự khó khăn như vậy, không giáo viên nào dám nghĩ đến thưởng Tết.

"Là người làm quản lý, mỗi dịp Tết đến xuân về, nhìn hoàn cảnh khó khăn của giáo viên trong trường, tôi thấy buồn vì không giúp đỡ được nhiều. Ở trường tôi, một nữ giáo viên 44 tuổi, có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi chồng mất vì nhiễm HIV, một mình nuôi hai con, không có người giúp đỡ. Giáo viên trong trường tiết kiệm, góp thêm vài trăm nghìn để biếu cô làm quà Tết", thầy Sơn kể.

Gần 25 năm công tác tại miền núi, thầy Sơn bảo quà của học sinh cho thầy cô là mỗi túi măng nhỏ sau một mùa thu hoạch. Hình ảnh các em mặt mũi, chân tay nhem nhuốc, đi bộ trên con đường đất mang măng đến biếu thầy ngày Tết khiến giáo viên xúc động.

“Biết các con hoàn cảnh khó khăn nhưng nếu đem tiền để trả thì học sinh không bao giờ nhận. Tôi lại mua cho mỗi học trò một tấm áo mới gửi cho các con mặc Tết", thầy Sơn bảo.

Trường Tri lễ 4 cố gắng có thưởng cho giáo viên

Đây đang là những ngày rét mướt nhất với thầy trò trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm trên dãy Phà Cà Tún (Quế Phong, Nghệ An) - ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ.

Ước mong lớn nhất của thầy giáo nơi đây là nhiệt độ đừng xuống quá thấp, để không thấy cảnh học trò mặc không đủ ấm. Chính vì vậy, câu chuyện thưởng Tết không là mối quan tâm chính trong những ngày này.

Thầy Nguyễn Hồng Hiệp, giáo viên trường Tiểu học Tri lễ 4, cho biết hiện tại giáo viên chưa biết kế hoạch thưởng Tết của trường.

 Cuộc sống của giáo viên trường Tri Lễ 4. Ảnh: Quỳnh Trang. 

“Như các năm trước, nhà trường chủ yếu động viên tinh thần chứ vật chất không có nhiều. Mỗi năm tùy thuộc vào điều kiện của nhà trường và công đoàn sẽ có phần quà nhỏ hoặc vài trăm nghìn thưởng Tết”, thầy Hiệp nói.

Thầy Nguyễn Trọng Quyền - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho hay giáo viên vùng cao vất vả cả năm nên ban giám hiệu cố gắng có được chế độ cho thầy cô.

"Do mức thu nhập của nghề giáo thấp, điều kiện nhà trường khó khăn theo điều kiện kinh tế của vùng nên mức thưởng Tết của nhà trường chỉ vài trăm nghìn đồng", thầy Quyền nói.

Ngoài ra, nhà trường không tổ chức tất niên cho cán bộ nhân viên trong trường vì điều kiện không cho phép.

Nữ giáo viên chưa một lần nhận thưởng

Theo cô giáo Vinh, trường THCS Chiềng Phung, Sông Mã, Sơn La, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường có tổ chức cho thầy trò học bán trú gói bánh chưng. Năm nay, cô và đồng nghiệp không có thưởng Tết. Điều này cũng không còn lạ lẫm vì những năm trước cũng vậy.

 Giáo viên trường mầm non Tri lễ 4 chăm lo cho học trò. Ảnh: Quỳnh Trang. 

“Học sinh ở đây thuộc dân tộc, miền núi có hoàn cảnh rất khó khăn nên mình cũng không thấy buồn khi không có thưởng. Tất cả vì yêu nghề giáo đã chọn”, cô Vinh nói.

Trước đó, cô Cao Thị Nghĩa (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cũng chia sẻ hơn 10 năm công tác trong nghề ,“quà Tết hiếm lắm”, nếu có cũng chỉ là cân gạo nếp, con gà, rau, hạt bầu.