Kỳ công trồng cam Xã Đoài trên đất Lào
- 14:08 03-02-2018
- In ra
- Đóng cửa sổ này
CBCS ĐBP Thông Thụ, Quế Phong huy động lực đang cải tạo đất rừng để trồng cam ở bản Nậm Táy (Lào). |
Đưa cam Xã Đoài vượt biên
Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt mô hình “đầu tư kinh tế, củng cố cơ sở chính trị xã hội ngoại biên”, trong đó có mô hình VAC (vườn – ao – chuồng) ở nước bạn Lào. Sau gần 2 năm loay hoay làm thủ tục, năm 2016, mô hình này mới chính thức khởi động.
Giống cam Xã Đoài nổi tiếng ở cùng đất Nghi Diên, H. Nghi Lộc, Nghệ An được chọn là một trong những loại cây, con phát triển mô hình kinh tế. “Theo kế hoạch, ĐBP Thông Thụ đã triển khai phát hiện mô hình và trồng cam ở bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào. Ban đầu, công tác chuẩn bị gặp không ít khó khăn do mô hình được triển khai ở nước bạn nhưng với tinh thần quyết tâm “biến đồi núi thành trang trại” nên sau gần 2 năm nỗ lực, 500 gốc cam hiện đã cho ra quả bói” - Đại úy Nguyễn Văn Thưởng – Chính trị viên phó ĐBP Thông Thụ - BĐBP Nghệ An phấn khởi giới thiệu.
Trước đây, người dân Lào sống dọc biên giới, nơi tiếp giáp với xã Thông Thụ, H.Quế Phong chủ yếu vào rừng chặt gỗ bán nhưng từ khi nhà nước Lào có lệnh cấm xuất khẩu gỗ, cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Với phương châm giúp bạn cũng là giúp mình, ĐBP Thông Thụ đã xây dựng mô hình điểm nhằm giúp người dân nước bạn Lào thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Sau khi nghiên cứu, xem xét các điều kiện về thời tiết, khí hậu và đặc điểm thổ nhưỡng ở bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào, ĐBP Thông Thụ nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với Nghệ An nên giống cam Xã Đoài nổi tiếng ở xã Nghi Diên, H. Nghi Lộc được ưu tiên lựa chọn. Gia đình Vừ Pà Pó (1982) được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình phát triển kinh tế VAC này. “Sở dĩ chúng tôi chọn gia đình nhà anh Vừ Pà Pó để phát triển mô hình bởi anh Pó đau yếu thường xuyên, lại đông con, không có kế sinh nhai nên rơi vào đói kém thường xuyên. Ban đầu để thay đổi được nhận thức của bà con cũng khó khăn. Bởi, người dân Lào nói chung và đồng bào người Mông nói riêng đã quen với việc sống dựa vào tự nhiên rồi nên giờ cứ phải làm theo quy trình, thời gian thu hoạch lâu nên họ cũng không mặn mà lắm” – Đại úy Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ.
Theo Thượng úy Nguyễn Văn Trinh – nhân viên phiên dịch ĐBP Thông Thụ, do đặc thù của người dân nước Lào nói chung và dân tộc Mông nói riêng rất khó tiếp xúc nên công tác vận động quần chúng lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, vùng đất được chọn để xây dựng mô hình kinh tế lại là nơi mà trước đây người dân trồng cây anh túc và mua bán ma túy rất nhiều. Vì là người Việt Nam sang Lào xây dựng mô hình kinh tế nên ban đầu người dân Lào cũng chưa tin tưởng lắm. Sau khi ĐBP Thông Thụ trở thành đơn vị kết nghĩa với ĐBP 26 của Lào, bản Mường Phú (Quế Phong, Nghệ An) kết nghĩa với bản Nậm Táy (Lào) thì niềm tin mới dần dần được củng cố.
Những gốc cam đầu tiên được trồng nhờ bàn tay của các chiến sĩ ĐBP Thông Thụ. |
Thành công bước đầu
Sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ĐBP Thông Thụ đã cử các CBCS sang Lào phát rừng măng đắng, san đất, bón phân, đào hố... Sau đó, Đồn quyết định đưa 500 bầu cam Xã Đoài (giá 50 nghìn đồng/bầu), 200 gốc xoài Thái sang Lào trồng, đồng thời tận dụng 3.000m2 diện tích mặt nước cải tạo để nuôi cá, lấy nguồn nước tưới cho vườn cây ăn quả. Nhờ những nỗ lực của CBCS ĐBP Thông Thụ từ khâu cải tạo đất đến trồng cây, bón phân... mà diện tích vườn nhà ông Vừ Pà Pó đã nhanh chóng được phủ kín bởi màu xanh của cam, xoài. Theo tính toán sơ bộ, chi phí ban đầu cho mô hình kinh tế này là 30 triệu đồng chưa tính chi phí ngày công.
Ngoài mô hình trồng cam, xoài và nuôi cá cho thu nhập ban đầu, gia đình ông Và Bá Pó còn khoanh rừng nuôi lợn bản để tăng thêm thu nhập. “Sau gần 2 năm thực hiện mô hình, giờ cam và xoài đã cao hơn 1m. Những cây cam đầu tiên đã ra quả bói nhưng theo quy trình kỹ thuật thì phải cắt bỏ, dồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển cành và tán. Vườn cam đã được bàn giao cho gia đình anh Vừ Pà Pó tiếp tục chăm sóc. Hằng tuần, ĐBP Thông Thụ cử cán bộ sang kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ thêm cho vợ chồng Pó. Riêng đàn lợn đen và ao cá trắm đã cho thu hoạch 20 triệu đồng/năm”, Đại úy Thưởng phấn khởi.
Với những thành công bước đầu, mô hình VAC ở bản Nậm Táy (Lào) đã phần nào thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của người dân, không trông chờ, ỉ lại vào tự nhiên mà tự làm chủ để phát triển kinh tế. Hiện tại đã có 3 hộ dân khác ở Nậm Táy học tập mô hình phát triển kinh tế này, tổ chức đào ao thả cá, nuôi lợn đen hàng hóa.
“Mô hình này là điểm sáng giúp đồng bào nước bạn ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. Cũng từ đây, ANTT vùng biên dần được đảm bảo, tình đoàn kết gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa bộ đội và nhân dân hai bên cũng được củng cố và thắt chặt hơn, góp phần củng cố cơ sở chính trị, gây dựng tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt-Lào ” - Thượng tá Hoàng Văn Huy – Chính trị viên ĐBP Thông Thụ chia sẻ.